A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khoảng 40% bệnh nhân Lao chưa được phát hiện và điều trị

Ngày 18/10, Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức Hội nghị Giao ban sơ kết công tác phòng chống lao năm 2024 tại Đà Nẵng.

Phát biểu tại hội Nghị, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, ngành Y tế luôn coi việc phòng, chống bệnh lao là vấn đề cấp thiết cần được đặc biệt quan tâm, ưu tiên. Trong năm 2024, Bộ Y tế đã rà soát, xây dựng, cập nhật, ban hành 2 tài liệu hướng dẫn chuyên môn về bệnh lao. Đó là Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao, trong đó cập nhật những hướng dẫn, khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới trong phát hiện, chẩn đoán, điều trị, quản lý, dự phòng bệnh lao. Tiếp đó là tài liệu “Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn, một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế nhằm chuẩn hóa việc triển khai phát hiện chủ động các bệnh nêu trên trong toàn quốc, phát huy tối đa vai trò của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở trong phòng, chống lao.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, trong thời gian tới, Bộ Y tế tập trung chỉ đạo sát sao về chuyên môn, nghiệp vụ trong phòng, chống bệnh lao cho các địa phương. Cùng với đó, Bộ tăng cường tuyên truyền về vai trò của phòng, chống bệnh lao, ý thức, trách nhiệm của người dân, nêu rõ các dấu hiệu mắc bệnh để tầm soát sớm, có biện pháp phòng ngừa, điều trị kịp thời. Bộ cũng vận động nguồn lực cho phòng, chống bệnh lao, gồm ngân sách Nhà nước, địa phương, tài trợ quốc tế, bảo hiểm y tế, xã hội hóa. Cùng với đó, Bộ tiếp tục chỉ đạo các bên liên quan tham gia nghiên cứu khoa học, thử nghiệm lâm sàng các vaccine phòng, chống lao, thuốc, phác đồ mới nhằm đánh giá hiệu quả và tiến tới mở rộng triển khai trên toàn quốc…

Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành chương trình chống lao Quốc gia nhấn mạnh, năm 2024 là năm bản lề quan trọng của Chương trình chống Lao quốc gia, đánh dấu 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống Lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây cũng là năm đầu tiên triển khai Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống Lao giai đoạn 2024-2026 với những can thiệp, hoạt động toàn diện, đồng bộ nhằm phát hiện, điều trị nhiều nhất số ca mắc mới trong cộng đồng, góp phần đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam như đã cam kết với quốc tế và Chính phủ.

Tiến sĩ Đinh Văn Lượng cho hay, thời gian tới Bệnh viện Phổi Trung ương và Chương trình chống Lao quốc gia tích cực tham mưu cho Bộ Y tế để thực hiện các nhiệm vụ tại Công điện số 25 của Thủ tướng chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao; triển khai hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao, phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn, một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế. Bệnh viện cũng áp dụng các hệ thống trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả chẩn đoán, tránh bỏ sót bệnh nhân lao; mở rộng mô hình phát hiện bệnh lao, tăng cường năng lực và vai trò của các cơ sở y tế trong phòng, chống lao…

Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2023, Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Năm 2023, Việt Nam có thêm khoảng 172.000 người mắc lao và 13.000 người tử vong, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông. Tuy nhiên, hiện nay số bệnh nhân lao được phát hiện và báo cáo cho Chương trình chống Lao quốc gia hàng năm tại Việt Nam chỉ chiếm 60% số bệnh nhân ước tính (khoảng 106.000 bệnh nhân). Như vậy, sẽ có khoảng 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị. 

Dịp này, Ban tổ chức trao tặng Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch về công tác phòng, chống lao và bệnh phổi lần thứ VII, Bằng khen của Bộ Y tế cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc./.

Võ Văn Dũng


Tác giả: Võ Văn Dũng
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm