A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hàng loạt doanh nghiệp bị xử phạt vì vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trong Quý II/2025

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa công bố danh sách các cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trong Quý II năm 2025 (từ ngày 1/4 đến 1/7/2025). Nhiều doanh nghiệp bị "gọi tên" vì các hành vi vi phạm nghiêm trọng như không tuân thủ quy định về tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm, hoặc sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

 

Công ty TNHH Liên Sen (TP Hồ Chí Minh) nhận mức xử phạt cao nhất với tổng số tiền 80 triệu đồng do vi phạm về ghi nhãn hàng hóa với 4 lô sản phẩm phụ gia bột ngọt . Ảnh: T

Cụ thể, Công ty TNHH Minh Kiến (TP Hồ Chí Minh) bị phạt 4 triệu đồng do ghi nhãn không đúng quy định đối với hai lô phụ gia thực phẩm hương bơ 1127 và hương cà phê 1312. Doanh nghiệp này buộc phải thu hồi, tiêu hủy nhãn vi phạm và nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm đã tiêu thụ.

Công ty TNHH Vĩnh Nam Anh (TP Hồ Chí Minh) bị xử phạt 25 triệu đồng vì quảng cáo sai phép phụ gia thực phẩm Calcium Gluconate. Công ty phải cải chính thông tin, tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo sản phẩm Calcium Gluconate vi phạm trên website.

Công ty TNHH Liên Sen (TP Hồ Chí Minh) nhận mức xử phạt cao nhất với tổng số tiền 80 triệu đồng do vi phạm về ghi nhãn hàng hóa với 4 lô sản phẩm phụ gia bột ngọt (mì chính) là Monosodium L - Glutamate Han'ei Suru và Monosodium L - Glutamate Kjmoto. Công ty bị buộc phải thu hồi, tiêu hủy toàn bộ nhãn vi phạm và hoàn thiện việc ghi nhãn đúng quy định trước khi lưu thông sản phẩm ra thị trường.

Công ty Cổ phần Dịch vụ Khoa học Công nghệ Thế Kỷ Mới (TP Hồ Chí Minh) bị xử phạt 75 triệu đồng do không tuân thủ các quy trình, thủ tục đánh giá sự phù hợp đã được phê duyệt hoặc đã đăng ký theo quy định. Công ty này buộc phải thu hồi 122 phiếu kết quả thử nghiệm vi phạm và nộp lại số tiền thu bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm.

Công ty Cổ phần Chứng nhận và Kiểm nghiệm FAO (TP Cần Thơ) bị xử phạt 75 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng quyết định chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm do đã thực hiện đánh giá sự phù hợp ngoài lĩnh vực được cấp phép. Đơn vị này buộc phải thu hồi 280 báo cáo kết quả thử nghiệm đã cấp cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và nộp lại gần 71 triệu đồng lợi bất hợp pháp. Ngoài ra, công ty này cũng bị tước quyền sử dụng quyết định chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp trong thời gian 9 tháng. Quyết định cũng nêu rõ, nếu công ty không tự nguyện chấp hành đúng thời hạn, sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định pháp luật và mỗi ngày chậm nộp tiền phạt sẽ phải chịu thêm lãi suất 0,05% trên tổng số tiền chưa nộp.

Công ty TNHH Nghiên cứu và Phát triển Cao Việt Hoàng cũng bị xử phạt 25 triệu đồng vì hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao Việt Hoàng sai quy định. Công ty phải cải chính thông tin, tháo gỡ nội dung vi phạm trên website.

Việc công bố danh sách các doanh nghiệp vi phạm và mức xử phạt cho thấy sự kiên quyết của các cơ quan chức năng trong việc chấn chỉnh tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Bộ Y tế đang nghiên cứu và đề xuất tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, có thể tăng gấp 1,2 đến 2 lần so với hiện hành. Thống kê từ năm 2020 đến tháng 5 năm 2025 cho thấy, ngành Y tế đã kiểm tra hơn 1,9 triệu cơ sở và xử lý trên 50 nghìn cơ sở vi phạm, với tổng số tiền phạt hơn 247 tỷ đồng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm