Tài năng có thừa nhưng Messi còn trở thành huyền thoại nhờ kiểu tư duy tỷ phú, được Mark Cuban ủng hộ: Bí quyết gói gọn trong 4 chữ
Theo nhà tâm lý học Carol Dweck, đây là kiểu tư duy cần thiết giúp một người đi đến thành công.
Chiến tích vô địch giải bóng đá lớn nhất thế giới đã củng cố vị trí của Messi là một trong những chân sút vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá.
Cầu thủ 35 tuổi người Argentina có bộ sưu tập cúp đầy ắp, bao gồm kỷ lục 7 Quả bóng vàng châu Âu, 6 chiếc giày vàng châu Âu và được xướng tên trong danh sách đội bóng trong mơ của Ballon d'Or (năm 2020)... Trong số đó, chiếc cúp sáng giá và quan trọng nhất chính là cúp vô địch World Cup. Tại đây, Messi đã phá kỷ lục về số lần xuất hiện nhiều nhất trong các giải đấu World Cup với 26 trận đấu.
Messi giơ cao chiếc cúp vô địch World Cup 2022. Ảnh: CNN.
Kiểu tư duy giúp Messi thành công
Theo cây bút của CNBC, việc được công nhận là GOAT (viết tắt của "Greatest of all time", tạm dịch: Vĩ đại nhất mọi thời đại) chưa bao giờ là mục tiêu của Messi.
"Việc tôi trở thành người giỏi nhất hay không không thay đổi điều gì cả. Và tôi cũng chưa bao giờ cố gắng trở thành GOAT", chân sút nói với France Football năm 2021.
Thay vì ước mơ trở thành siêu sao bóng đá, Messi tập trung vào việc đạt được những mục tiêu nhỏ hơn, hoàn thành từng hạng mục trước khi chuyển sang mục tiêu tiếp theo.
"Tôi đã chiến đấu vì những giấc mơ của mình. Ban đầu, đó là trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Sau đó tôi cố gắng vượt qua chính mình và đạt được những mục tiêu mới mỗi năm", Messi tâm sự.
Messi nhìn chiếc cúp trong mùa World Cup 2014. Ảnh: CNN.
Cách tiếp cận này gợi nhớ đến lý thuyết về tư duy phát triển của nhà tâm lý học Carol Dweck. Trong nghiên cứu năm 2015 có tựa đề "Growth", bà viết rằng tài năng chỉ là điểm khởi đầu và tư duy phát triển có thể được phát triển thông qua sự cống hiến và làm việc chăm chỉ.
Ngay cả tỷ phú "cá mập" Mark Cuban và tài tử Will Smith cũng có tư duy phát triển tương tự. Các nghiên cứu cho thấy rằng những học sinh được thầy cô dạy về tư duy phát triển có thể cải thiện điểm số nhiều hơn so với các bạn cùng trang lứa.
Tất nhiên, Messi luôn là cầu thủ tài năng, ngay từ khi anh còn đứa trẻ thấp bé được chẩn đoán mắc chứng thiếu hụt hormone tăng trưởng ở tuổi 10. Nhưng chân sút ngôi sao luôn khẳng định rằng đạo đức nghề nghiệp là chìa khoá đưa anh đến với thành công.
Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, Messi liên tục tập luyện và dần tiến bộ hơn. Dù đã được công nhận là siêu sao toàn cầu từ lâu, Messi đã mất khoảng 16 năm qua 5 giải đấu World Cup để cuối cùng có thể chạm tay vào chiếc cúp vô địch danh giá.
Mùa World Cup 2022, Messi đã dẫn dắt đội tuyển Argentina giành chức vô địch. Ảnh: Sport News.
Thế nào là tư duy phát triển?
Theo Carol Dweck, có hai kiểu tư duy chính giúp định hướng cuộc sống của chúng ta: Tư duy cố định và tư duy phát triển. Đặc biệt, việc có tư duy phát triển là điều cần thiết để thành công.
Một số người tin rằng thành công của họ dựa trên khả năng bẩm sinh - những người này được xếp loại vào tư duy cố định. Trong khi một số người khác cho rằng thành công họ gặt được là nhờ vào sự chăm chỉ và tính kiên trì, chịu khó học hỏi và rèn luyện - nhóm người có tư duy phát triển.
Các cá nhân không nhất thiết phải nhận thức được suy nghĩ của chính họ. Song suy nghĩ của họ có thể được phân loại dựa trên những hành vi, thể hiện rõ ràng trong cách họ đối mặt với thất bại.
Chẳng hạn, nhóm tư duy cố định có thể sợ hãi và gục ngã trước thất bại. Trong lần phỏng vấn năm 2012, Dweck nói rằng nhóm người thuộc tư duy cố định tin rằng khả năng bẩm sinh, trí thông minh và tài năng là những đặc điểm cố định. Họ nghĩ rằng bản thân luôn thông minh và không bao giờ ngu ngốc.
Nhà tâm lý học Carol Dweck. Ảnh: TED.
Trong khi đó, người có tư duy phát triển không bận tâm hay lo ngại thất bại, bởi họ nhận thức rằng bài học kinh nghiệm và hiệu suất chỉ có thể được cải thiện thông qua những vấp ngã. Họ tin rằng mọi người có thể trở nên thông minh hơn chỉ cần biết nỗ lực.
Dweck lập luận rằng tư duy phát triển cho phép con người sống cuộc sống ít căng thẳng và thành công hơn. Con người có thể thay đổi tư duy từ cố định sang phát triển. Khi làm được điều đó, con người biết chấp nhận thử thách và đúc rút kinh nghiệm từ chính thất bại của mình, từ đó nâng cao khả năng và thành tích.
Cầu thủ được trả lương cao nhất
Lionel Messi chỉ mới 17 tuổi khi anh bắt đầu khoác áo câu lạc bộ Barcelona. Sau 17 mùa giải, anh đã rời ngôi nhà gắn bó lâu năm và chuyển đến Paris Saint-Germain (PSG) vào tháng 8/2021.
Trong bảng xếp hạng Những vận động viên được trả lương cao nhất thế giới năm 2022 của Forbes, Messi dẫn đầu với tổng thu nhập trước thuế là 130 triệu USD trong 12 tháng. Đây là lần thứ hai anh đứng đầu danh sách này, lần đầu tiên vào năm 2019.
Sau World Cup 2022, PSG đẩy mạnh kế hoạch ký mới với Messi. Ảnh: Marca.
Forbes ước tính rằng lương của Messi đã giảm khoảng 22 triệu USD so với năm cuối cùng của anh với câu lạc bộ Barcelona, xuống còn 75 triệu USD trong mùa giải này tại PSG. Song sự gia tăng lớn về hợp đồng hợp tác đã giúp Messi cân bằng tổng thu nhập trong 12 tháng.
Thu nhập 130 triệu USD của Messi bao gồm tiền lương trên sân bóng (75 triệu USD) và thu nhập ngoài sân bóng (55 triệu USD).
Theo CNBC, Forbes