A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chưa nhận phí điều trị COVID-19, các bệnh viện vẫn gồng mình chống dịch

Từ gần ba năm qua, nhiều bệnh viện tuyến trung ương và trực thuộc Sở Y Tế Hà Nội đã tích cực tham gia công tác thu dung, điều trị và chăm sóc bệnh nhân COVID-19 dù chưa được chi trả bất cứ khoản kinh phí nào. Về lâu dài, điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc cân đối thu chi của các bệnh viện mà còn tác động đến việc điều trị các bệnh thông thường khác.

Phải chờ hướng dẫn từ Bộ Y tế

Trước đó, UBND Thành phố Hà Nội đã kiến nghị Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh COVID-19 tại các bệnh viện công lập và ngoài công lập.

Cụ thể, ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết một số bệnh viện tại TP Hà Nội đã tham gia điều trị COVID-19 ngay từ những ngày đầu, thế nhưng 2 năm vừa qua vẫn chưa thực hiện việc chi trả đối với việc điều trị COVID-19 vì chưa có hướng dẫn từ Bộ Y tế.

"Điều này gây khó khăn không chỉ cho các bệnh viện điều trị COVID-19 mà khó khăn ngay cả việc điều trị các bệnh thông thường khác, ảnh hưởng tới vấn đề tài chính của các bệnh viện", ông Chử Xuân Dũng nói.

Là một trong những cơ sở y tế được chỉ định điều trị cho các trường hợp nặng hoặc nguy kịch với nguy cơ cao, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong năm 2021 đã điều trị cho hơn 2.500 bệnh nhân mắc COVID-19. Theo TS.Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, do đó chi phí điều trị sẽ do ngân sách nhà nước chi trả.

"Dù vẫn chưa nhận được tiền điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, nhưng BV Đa khoa Đức Giang vẫn tiếp nhận bệnh nhân như bình thường. Hồ sơ bệnh án của các trường hợp này vẫn được để riêng, chờ thanh toán", ông Thường chia sẻ.

Một bác sĩ đang làm việc tại một bệnh viện thuộc phân loại "tầng 3" điều trị COVID-19 tại Hà Nội cho biết, trong các tháng vừa qua, lương của chị và các đồng nghiệp vẫn được chi trả đầy đủ. Tuy nhiên do dịch bệnh ảnh hưởng đến các dịch vụ khám chữa khác, dẫn tới nguồn thu của bệnh viện không ổn định nên các khoản thưởng thường niên đã bị cắt bỏ.

"Đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu hiện vẫn chưa nhận được trợ cấp điều trị COVID-19. Nhiều đồng nghiệp của tôi tham gia phòng chống dịch tại một vài cơ sở y tế khác kể chỉ nhận được 75% số lương trong hợp đồng do chịu chung khó khăn với bệnh viện", nữ bác sĩ này cho biết.

Cũng theo khảo sát của phóng viên Ngày Nay tại một số cơ sở y tế lớn trên địa bàn Hà Nội như Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện E, Bệnh viện Ung Bướu, hầu hết đại diện các viện đều từ chối cung cấp thông tin chi tiết về việc nhận hướng dẫn của Bộ Y Tế cũng như tiến độ hoàn tất hồ sơ yêu cầu thanh toán. Dù vậy, vị đại diện Bệnh viện E chia sẻ hiện tại viện đang rất vắng bệnh nhân do ảnh hưởng từ COVID-19.

BOX: Từ ngày 27/4 đến nay, các bệnh viện, cơ sở thu dung, các địa phương tại Hà Nội đã tiếp nhận quản lý, điều trị được tổng số 495.130 bệnh nhân; hiện đang điều trị 242.971 người. Bệnh nhân ở tầng 2 tầng 3 có chiều hướng giảm nên những ngày qua, tỷ lệ F0 nhập viện chỉ chiếm 1-1,5%.

Thiếu hụt ngân sách chi trả

Ngày 31/10 năm 2021, Bộ Y tế đã có Công văn 9262/BHYT-BH về hợp đồng và thanh toán chi phí KCB BHYT tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, Trạm Y tế lưu động, trong đó có hướng dẫn thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở điều trị lập hồ sơ khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh có bảo hiểm y tế gửi bệnh viện được giao phụ trách quản lý, điều hành để thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh; Tổng hợp và trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Đáng chú ý, chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 và tại Trạm y tế lưu động do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế.

Chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19 thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh.

Chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các “cơ sở thu dung, điều trị COVID-19" được tổng hợp và thanh toán riêng, được tính là chi phí phát sinh do thay đổi phạm vi hoạt động hoặc do thành lập mới.

Giải đáp về những vướng mắc trong việc chậm thanh toán chi phí điều trị COVID-19 cho các cơ sở y tế, ông Lê Thành Công - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài Chính (Bộ Y tế) cho biết, Vụ đã gửi công văn về cho các địa phương yêu cầu thu thập thông tin, đánh giá tình hình chung, từ đó có cơ sở tổng hợp làm báo cáo thanh quyết toán chung.

"Trước đó, Vụ Kế hoạch-Tài Chính đã báo cáo với lãnh đạo Bộ Y tế về tình trạng thiếu hụt ngân sách để chi trả phí điều trị COVID-19 cho các cơ sở y tế trên cả nước", ông Công nói. "Chúng tôi cũng đang triển khai dự thảo quy định chi tiết các biện pháp thi hành theo nội dung của Nghị quyết 12/2021 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội."

Cụ thể, Nghị quyết 12 quy định việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 (bao gồm cả chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19) do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế, đối với bệnh nhân mắc COVID-19 có các bệnh khác thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh này phải thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Bảo hiểm y tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 và các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn hoặc không thu được các khoản chi phí mà người bệnh phải trả theo quy định do nguyên nhân bất khả kháng thì được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Chính phủ.

Nhóm PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm