Cần lấp khoảng trống về pháp lý để quản lý thuốc lá thế hệ mới
Hôm nay, 31/5 là Ngày thế giới không thuốc lá và chủ đề năm nay là "Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá".
Theo số liệu thống kê, từ năm 2020 đến quý I/2024, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thanh tra, kiểm tra, phát hiện 707 vụ vi phạm về thuốc lá thế hệ mới. 5 tháng đầu năm 2024, chỉ riêng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng đã tạm giữ 15.541 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm... Vụ việc phát hiện thì nhiều nhưng công tác quản lý còn rất khó khăn.
Xử lý không đủ mạnh để răn đe
Hiện nay, thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã trở thành sản phẩm rất phổ biến, nhất là với giới trẻ. Sản phẩm này cũng là một trong những mặt hàng ghi nhận nhiều vi phạm, từ nhập lậu, làm giả đến sản phẩm trá hình cho ma túy len lỏi vào cuộc sống.
Ngay tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua, cơ quan chức năng đã liên tiếp khởi tố các vụ án về mua bán trái phép chất ma túy với thủ đoạn chế ma túy thành dạng tinh dầu trong thuốc lá điện tử để tiêu thụ. Hầu hết các sản phẩm đều được đặt mua dễ dàng qua mạng, giá dao động từ 380 - 500 nghìn đồng/cái.
Đáng chú ý, theo Tổng cục Quản lý thị trường, do chưa có chính sách, quy định pháp luật về quản lý thống nhất đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nên hiện nay, lực lượng chức năng chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá thế hệ mới về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Với mức xử lý này, không đủ mạnh để răn đe với hành vi vi phạm này.
Thực tế hiện nay, việc kinh doanh các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không thuộc ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh, theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020.
Trong khi, cũng chưa có quy định pháp luật cấm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Vì vậy, tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, buôn bán thuốc lá thế hệ mới, các cơ quan, lực lượng chức năng không có căn cứ áp dụng các quy định pháp luật xử lý hành chính hoặc hình sự đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm.
Hải quan gặp khó trong việc xác định hành vi vi phạm
Đối với hoạt động nhập khẩu linh kiện điện tử để sản xuất, lắp ráp các bộ phận của thuốc lá điện tử, hiện nay một số doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện các hoạt động sản xuất, gia công, lắp ráp các bộ phận của thuốc lá điện tử như lõi đột ở đầu thuốc lá điện tử, mô-đun đốt nóng (sản phẩm đơn thuần chỉ là thiết bị điện tử, không có dung dịch thuốc, không chứa thuốc lá điếu), sau đó xuất khẩu toàn bộ sản phẩm ra nước ngoài, không tiêu thụ, sử dụng hay lưu thông tại thị trường Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 5 và Điều 42 của Luật Đầu tư thì “Nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà luật này không cấm” và “nhà đầu tư có trách nhiệm tuân thủ quy định của luật này,... và giấy chứng nhận đầu tư trong quá trình triển khai dự án đầu tư”.
Hiện cơ quan hải quan chỉ giải quyết thủ tục nhập khẩu linh kiện điện tử để gia công, sản xuất sản phẩm là thiết bị sử dụng trong thuốc lá điện tử (không bao gồm dung dịch thuốc lá hay bất kỳ sản phẩm gì của thuốc lá) để xuất khẩu ra nước ngoài theo ngành nghề đầu tư được cấp phép trong giấy chứng nhận đầu tư.
Theo Tổng cục Hải quan, do hiện nay chưa có chính sách quản lý đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, nên cơ quan hải quan gặp khó khăn trong việc xác định hành vi vi phạm và áp dụng chế tài xử lý vi phạm tương ứng.
Để giải quyết vướng mắc, việc quan trọng nhất cần làm lúc này là khỏa lấp ngay khoảng trống về pháp lý. Các cơ quan chức năng cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập khẩu cũng như các thiết bị, linh kiện điện tử nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp, gia công các thiết bị điện tử sử dụng cho thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Đề nghị sửa luật để quản lý thuốc lá điện tử
Mới đây, ngày 30/5, cho ý kiến vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, một số đại biểu Quốc hội đã đề nghị sửa ngay Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá để quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Huyết học truyền máu Trung ương, cho biết chưa yên tâm khi nội dung liên quan y tế và sức khỏe còn quá ít. Ông "tha thiết đề nghị" Quốc hội sớm sửa Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá theo quy trình rút gọn ở kỳ họp 8 vào cuối năm. Từ đó, nội dung phòng, chống tác hại của các loại thuốc lá mới có thể đưa ngay vào luật.
Hôm nay, 31/5 là Ngày thế giới không thuốc lá và chủ đề năm nay là "Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá". Vì một tương lai của thế hệ trẻ, Đại biểu Thái Thị An Chung, Phó đoàn Nghệ An, mong Chính phủ, Bộ Y tế sớm đề xuất bổ sung vào chương trình xây dựng năm 2025 Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá sửa đổi.