A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục lịch sử, truyền thống cho thanh niên

Nhằm tận dụng ưu thế của công nghệ thông tin để tăng hiệu quả giáo dục lịch sử, truyền thống cho đoàn viên, thanh niên; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tra cứu thông tin, tham quan các di tích lịch sử, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh Hậu Giang thực hiện việc số hóa các công trình, tư liệu, hiện vật, thông tin về di tích, lịch sử, địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh. Việc này đang mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực.

* Đưa di tích lịch sử lên môi trường mạng

Di tích lịch sử Chiến thắng Chương Thiện (tại thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) – nơi lưu giữ các thông tin về sự kiện chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch của quân và dân Khu 9 vào năm 1973, là một trong nhiều “địa chỉ đỏ” trên địa bàn tỉnh góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và là nơi để người dân tìm hiểu về lịch sử địa phương.

Được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, khu di tích trưng bày hơn 100 ảnh tư liệu về một số trận đánh của quân và dân Khu 9 trong kháng chiến chống Mỹ, 117 hiện vật, gồm vũ khí, quân trang, xe tăng, máy bay giúp khách tham quan hình dung được phần nào bối cảnh lịch sử, sự anh dũng và chiến công vẻ vang của quân, dân Khu 9 trong cuộc chiến “chống lấn chiếm, bình định” của ngụy sau Hiệp định Paris.

Cùng với Liên chi hội sinh viên Hậu Giang đến tham quan khu di tích Chương Thiện, bạn Võ Phương Ý, sinh viên Trường Đại học Y dược Cần Thơ chia sẻ: “Đến khu di tích Chương Thiện, nhìn lại hình ảnh được trưng bày, phần nào cảm nhận sự gian khổ, hy sinh của cha ông thời kháng chiến chống Mỹ, làm em càng trân trọng hơn giây phút hòa bình có được ngày hôm nay và cảm thấy trách nhiệm của mình trong việc ra sức học tập để góp phần xây dựng đất nước. Việc khu di tích có mã QR tạo điều kiện cho giới trẻ dễ dàng tiếp cận thông tin về khu di tích và tư liệu. Đây cũng là nguồn tài liệu chính thống để giới trẻ tiếp cận một cách đúng đắn đối với những vấn đề liên quan đến lịch sử".

Năm 2023, với chủ đề “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”, Khu di tích Chiến thắng Chương Thiện được Tỉnh đoàn Hậu Giang chọn là công trình cấp tỉnh để thực hiện số hóa.

Với số lượng hình ảnh và hiện vật lớn, không gian trưng bày rộng, việc số hóa khu di tích đã tạo nhiều thuận lợi cho khách tham quan đến trực tiếp. Ngoài ra, còn tạo điều kiện cho những ai chưa có dịp đến khu di tích có thể tiếp cận đầy đủ thông tin, hình ảnh được trưng bày.

Bạn Ngô Xuân Hạnh Nguyên, sinh viên Trường Đại học Y dược Cần Thơ cho biết, trước đây, khi đến các khu di tích, du khách phải đọc các bảng thông tin của khu di tích đó và đôi khi không thể biết được trình tự trưng bày hình ảnh, hiện vật thì hiện nay, việc sử dụng mã QR giúp việc tham khảo thông tin về khu di tích rất thuận tiện, theo thứ tự rõ ràng. Đối với những bạn trẻ chưa từng đến khu di tích, việc đưa thông tin hiện vật, hình ảnh di tích lên môi trường mạng sẽ tạo cảm hứng để các bạn trực tiếp đến tham quan, khám phá.

Di tích lịch sử - văn hóa Trận chiến pháo binh Vịnh Chèo năm 1974 (xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy) là nơi ghi dấu trận đánh anh dũng của Đoàn 6 Pháo binh (nay là Lữ đoàn Pháo binh 6, Quân khu 9) tại tỉnh Hậu Giang trong kháng chiến chống Mỹ cũng là một trong số các di tích vừa được số hóa.

Nhấn mạnh ý nghĩa của việc số hóa di tích Trận chiến pháo binh Vịnh Chèo năm 1974, Đại tá Đỗ Hà Thái, Phó Trưởng ban Ban liên lạc truyền thống Lữ đoàn Pháo binh 6, cho rằng, di tích được Ban liên lạc truyền thống vận động xây dựng với mong muốn tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ của Lữ đoàn Pháo binh 6 nói chung, liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến Vịnh Chèo 1974 nói riêng và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đây là công trình có ý nghĩa lớn, giúp thế hệ trẻ hiểu biết thêm về lịch sử của đơn vị; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận, giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống chiến đấu anh dũng của thế hệ đi trước để tiếp tục phát huy lòng yêu nước, tự hào dân tộc của tuổi trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

* Ý nghĩa lớn trong giáo dục lịch sử, truyền thống

Xác định việc số hóa di tích, tư liệu lịch sử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần thực hiện chuyển đổi số trong đoàn viên, thanh niên. Đến cuối năm 2023, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã thực hiện số hóa 8 công trình tư liệu, hiện vật, thông tin về di tích lịch sử, địa chỉ đỏ tích hợp vào Bảo tàng số Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số góp phần lan tỏa các giá trị truyền thống, lịch sử, tạo ra thêm một kênh tiếp cận mới phong phú hơn đối với lịch sử địa phương, lịch sử đất nước.

Bà Võ Thị Thúy Băng, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Vị Thanh, cho biết, nhận thức được ý nghĩa quan trọng của việc ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin vào số hóa các di tích lịch sử, các địa điểm du lịch trên địa bàn, đó là một trong những hình thức tuyên truyền rộng rãi về các khu di tích lịch sử, các địa điểm nổi tiếng của tỉnh đến với giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Sau khi ra mắt, đoàn thanh niên đã đưa mã QR đến các trường trên địa bàn để học sinh, đoàn viên, thanh niên tìm hiểu, tham khảo thông tin. Qua đó đã có nhiều đoàn học sinh đến tham quan các khu di tích góp phần giáo dục truyền thống lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ, nung nấu tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo ông Bùi Hữu Lộc, Bí thư Tỉnh đoàn Hậu Giang, thế hệ trẻ là những người có nhiều ưu thế trong tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng mạng xã hội. Do đó, việc số hóa hiện vật, di tích lịch sử vừa mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, lịch sử, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên, vừa mang ý nghĩa về đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức đoàn. Thông qua đó, giúp các bạn trẻ có thêm cách tiếp cận mới với các kiến thức từ môn lịch sử, tìm hiểu sâu hơn các giá trị truyền thống của cha ông trong quá trình xây dựng, bảo vệ quê hương.

Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, tiếp tục xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tuyên truyền, vận động đoàn thanh niên các cấp rà soát tổng thể các di tích lịch sử, hiện vật lịch sử và chủ động phối hợp các cơ quan chức năng tiếp tục số hóa các di tích, hiện vật. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp chặt chẽ các cấp, ngành cập nhật thường xuyên thông tin của các tư liệu, di tích đã được số hóa để làm phong phú thêm giá trị hiện vật, di tích.

Đối với những địa điểm chưa có đủ cơ sở dữ liệu để số hóa, Tỉnh đoàn tiếp tục phối hợp các ngành, địa phương để thu thập, tập hợp các tư liệu, hình ảnh, thông tin nhân chứng lịch sử để thực hiện số hóa. Tham mưu cơ quan Trung ương Đoàn tích hợp các tư liệu đã được số hóa vào nền tảng bảo tàng số quốc gia để giới thiệu về lịch sử, truyền thống, văn hóa của tỉnh đến với các địa phương khác.

Tỉnh Hậu Giang có 17 di tích lịch sử, văn hóa, gồm một di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia đặc biệt; 8 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và 8 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.

Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, đến năm 2025, tỉnh có 100% các di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; 100% di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; 100% các cổ vật, hiện vật tiêu biểu tại bảo tàng và di tích lịch sử được tư liệu hóa và ứng dụng trên nền tảng số; 50% hiện vật tại bảo tàng và di tích lịch sử được tư liệu hóa và ứng dụng trên nền tảng số.

Định hướng đến năm 2030, 100% các di tích lịch sử cấp tỉnh được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; 100% di sản văn hóa phi vật thể chưa được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; 50% hiện vật tiêu biểu tại bảo tàng và di tích lịch sử được tư liệu hóa và ứng dụng trên nền tảng số. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển số hóa di sản văn hóa, thực hiện liên thông hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản văn hóa địa phương./.

Hồng Thái


Tác giả: Ngô Hồng Thái
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm