A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tương lai đòi hỏi tất cả chúng ta phải quan tâm đến AI

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence, AI) hay đôi khi được gọi là trí thông minh nhân tạo, là một lĩnh vực nghiên cứu trong khoa học máy tính nhằm xây dựng các phương pháp và phần mềm giúp các hệ thống máy móc nhận biết được môi trường của mình, học tập và sử dụng trí tuệ để thực hiện các hành động nhằm tối đa hoá khả năng đạt được mục tiêu đề ra.

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence, AI) hay đôi khi được gọi là trí thông minh nhân tạo, là một lĩnh vực nghiên cứu trong khoa học máy tính nhằm xây dựng các phương pháp và phần mềm giúp các hệ thống máy móc nhận biết được môi trường của mình, học tập và sử dụng trí tuệ để thực hiện các hành động nhằm tối đa hoá khả năng đạt được mục tiêu đề ra.

_________________

Thực ra phần lớn chúng ta đều đã sử dụng nhiều ứng dụng của AI từ rất lâu, công cụ tìm kiếm Google, thuật toán gợi ý nội dung của Youtube, Netflix, các trợ lý ảo Siri, Google Assistant, hệ thống phân tích hành vi người tiêu dùng và gợi ý sản phẩm của các sàn thương mại điện tử, gần đây hơn là công cụ AI tạo sinh ChatGPT, và từ lâu rất lâu là các chương trình cờ vua trên máy tính phổ biến từ những năm 1970. Sự kiện được nhớ đến nhiều nhất xảy ra vào năm 1996, khi siêu máy tính Deep Blue của IBM, được coi là cỗ máy sử dụng AI đời đầu nhưng đã có khả năng tính hơn 200 triệu nước đi trong một giây, đã thắng nhà vô địch thế giới cờ vua người Nga Gary Kasparov, người đã thừa nhận ông chỉ có thể phân tích “ít hơn một nước đi” trong một giây.

Điều thú vị là một ứng dụng AI cho dù hiện đại và phức tạp đến đâu nhưng khi đã trở nên quá phổ biến và hữu ích trong cuộc sống hàng ngày thì người ta không coi đó là AI nữa.

Năm 1956, AI chính thức được coi là một chủ đề nghiên cứu học thuật tại kỳ hội thảo mùa hè tại Dartmouth College, một trong số các trường Ivy League, bang New Hampshire, Hoa Kỳ. John McCarthy, trợ lý giáo sư toán học trẻ tuổi đề xuất quỹ Rockfeller tài trợ một hoạt động nghiên cứu kéo dài 2haitháng với sự tham gia của 10 nhà khoa học khác để thảo luận về khái niệm “artificial intelligence” và các nội dung liên quan về máy tính, ngôn ngữ tự nhiên, mạng lưới thần kinh, lý thuyết tính toán, trừu tượng hoá và tính sáng tạo.

Tại ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN Summit) tổ chức trung tuần tháng 8 năm 2019, PGS-TS Tạ Hải Tùng lúc đó là Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ việc giảng dạy AI đã được thực hiện từ những năm 1970, với tên gọi môn học là Trí khôn Nhân tạo, và trường Đại học Bách khoa đã ban hành tài liệu giảng dạy về AI từ năm 1980.

AI và đời sống kinh tế - xã hội

Báo cáo của McKinsey Global năm 2018 cho biết trí tuệ nhân tạo có tiềm năng tăng thêm 16 % hoặc khoảng 13 nghìn tỷ USD vào năm 2030 cho sản lượng kinh tế toàn cầu - đóng góp trung bình hàng năm vào tăng trưởng năng suất khoảng 1,2 % từ 2018 đến năm 2030 .

Cũng theo McKinsey, AI có tiềm năng tự động hoá các hoạt động chiếm 60-70% thời gian làm việc của người lao động; AI được dự đoán giúp tăng gấp đôi hiệu quả của lực lượng lao động và thúc đẩy lợi nhuận các doanh nghiệp tăng trung bình 38% vào năm 2035 .

Theo tổ chức nghiên cứu Oxford Economics, robot có thể thay thế tới 20 triệu việc làm trên toàn cầu vào năm 2030. Goldman Sachs, một ngân hàng đầu tư của Hoa Kỳ, đã công bố một báo cáo năm 2023 ước tính rằng AI có thể tác động đến 300 triệu việc làm trên toàn cầu do tự động hóa.

Mối quan tâm của các quốc gia

Năm 2017, Canada và Trung Quốc trở thành những quốc gia đầu tiên áp dụng chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo. Chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch tham vọng xây dựng năng lực trí tuệ nhân tạo cho quốc gia trên cả ba lĩnh vực: Lý thuyết, công nghệ và ứng dụng .

Kể từ năm 2010 đến 2024, số lượng bằng sáng chế AI được cấp đã tăng hơn 31 lần. Riêng giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2022, số lượng bằng sáng chế AI được cấp trên toàn thế giới đã tăng mạnh 62,7%. Năm 2022, Trung Quốc dẫn đầu bằng sáng chế AI toàn cầu với 61,1%, vượt xa Hoa Kỳ (chiếm 20,9% bằng sáng chế AI).

Các tác động sâu rộng của AI đối với xã hội đồng thời khiến các quốc gia, các chính phủ quan tâm đến khía cạnh phát triển các nguyên tắc đạo đức AI, đầu tư vào R&D để phát triển AI, chuẩn bị lực lượng lao động cho các cơ hội cũng như sự gián đoạn do AI tạo ra và đánh giá nhu cầu về quy định và tiêu chuẩn AI.

Tổng thống Hoa Kỳ đã ban hành một sắc lệnh hành pháp về trí tuệ nhân tạo an toàn, bảo mật và đáng tin cậy vào cuối năm 2023 và Thủ tướng Anh đã ra mắt Viện an toàn AI đầu tiên trên thế giới vài ngày sau thông báo của Tổng thống Hoa Kỳ. Trung Quốc dự kiến thiết lập ít nhất 50 bộ tiêu chuẩn trí tuệ nhân tạo (AI) vào năm 2026. Nga, Hàn Quốc, Singapore đều ban hành Chiến lược AI. EU đã đưa ra một cách tiếp cận “lấy con người làm trung tâm” đối với AI và công bố các hướng dẫn về đạo đức trong AI vào năm 2019.

AI tại Việt Nam

Không đứng ngoài xu thế trên, Việt Nam là một trong những quốc gia dành ưu tiên cao cho phát triển khoa học và công nghệ, trí tuệ nhân tạo với việc ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 (năm 2020), Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (năm 2021), Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số (2022), Chiến lược dữ liệu quốc gia (2024).

Trong thời gian ngắn, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như xếp thứ 5/10 trong ASEAN về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (năm 2024), xếp hạng 45 về năng lực ICT trên toàn thế giới (tăng 11 bậc so với năm 2023), xếp hạng 44/133 quốc gia về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (tăng 2 bậc so với năm 2023).

Thị trường AI của Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng phát triển lớn. Theo hãng tư vấn toàn cầu IMARC Group, thị trường AI của Việt Nam năm 2023 có giá trị là 547,1 triệu USD và dự báo sẽ tăng lên 2,06 tỷ USD năm 2032, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 15,8%. Còn theo nghiên cứu của Google, Việt Nam có thể thu được 1.890 nghìn tỷ đồng (79,3 tỷ USD), các doanh nghiệp Việt Nam có thể thu được 1.890 nghìn tỷ đồng (79,3 tỷ USD) vào năm 2030 (tương đương gần 12% GDP của Việt Nam vào năm 2030) nếu các công cụ AI được áp dụng rộng rãi.

Triển vọng trên hoàn toàn có thể đạt được khi theo báo cáo chỉ số sẵn sàng AI tại Việt Nam của Cisco năm 2024, 100% doanh nghiệp được khảo sát đều báo cáo nhu cầu triển khai AI ngày càng tăng trong năm qua. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang cam kết một nguồn lực lớn cho AI, với 48% công ty báo cáo rằng có tới 10% đến 30% ngân sách CNTT của họ được phân bổ cho việc triển khai AI.

Những thách thức hiện hữu

Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận mà AI mang lại, một loạt các vấn đề gây tranh cãi khác về AI như ảnh hưởng tới việc làm, vấn đề đạo đức và trách nhiệm, rủi ro an ninh mạng, rủi ro về chất lượng và tính chính xác của dữ liệu và khung pháp lý.

Thời gian vừa qua, nhiều vấn đề nổi lên trên thế giới và Việt Nam bao gồm thực trạng học sinh và sinh viên sử dụng công cụ như ChatGPT để làm bài tập, lừa đảo thông qua sử dụng deepfake để tạo video giả, hoặc việc các trung tâm dữ liệu và hệ thống AI yêu cầu tiêu thụ năng lượng lớn đã làm sâu sắc hơn những mặt trái của AI nếu như chúng ta không đưa ra được những giải pháp kịp thời và đúng đắn.

Ai cần quan tâm AI?

AI là một công nghệ mang tính đột phá, có tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực, và do đó các cá nhân, tổ chức và chính phủ đều cần quan tâm đến AI. Để tận dụng cơ hội và đối mặt với những thách thức do AI mang lại, các quốc gia cần có chiến lược toàn diện bao gồm các khía cạnh như hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực, chuẩn mực đạo đức trên môi trường số.

Mặt khác, dù có nhiều tranh cãi về cách thức các quốc gia ứng dụng AI trong tương lai, nhưng tất cả đều đồng ý đây là lĩnh vực cần có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ nhằm đảo bảo thống nhất các giá trị chung trong quá trình phát triển và kết hợp việc sử dụng các nền tảng và công nghệ lõi AI của các tập đoàn Big Tech, phát triển dữ liệu trong mỗi quốc gia, phát triển các giải pháp riêng cho từng quốc gia hoặc phối hợp cùng các tập đoàn để xây dựng các giải pháp địa phương hoá một phần.

Tương lai đòi hỏi tất cả chúng ta phải quan tâm và suy nghĩ rất nhiều về cách thức AI sẽ giúp đỡ con người, chứ không phải thay thế con người, trong lịch sử của nhân loại.

Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Tác giả: Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm