Phó chủ tịch điều hành Intel: “Chẳng có lý do gì mà người dùng Việt Nam lại không nhanh chóng lên đời máy tính AI!"
Bà Michelle Johnston Holthaus cũng nhận xét Việt Nam là một trong những nước phát triển nhanh nhất trong khu vực về mảng tiếp cận AI.
Kể từ khi OpenAI ra mắt ChatGPT, AI đã trở thành cơn sốt trên thị trường, các hãng smartphone thi nhau tích hợp AI vào sản phẩm, những chiếc laptop cũng dần có các trợ lý AI như Copilot và không có gì ngạc nhiên khi AI PC bắt đầu xuất hiện với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Intel và Microsoft.
Tại Việt Nam, nhiều mẫu laptop với bộ xử lý Intel Core Ultra cũng phát hành trên thị trường, đây là bộ xử lý được Intel dùng để tiên phong trong kế hoạch AI Everywhere, chiến dịch phổ biến AI PC.
Trong chuyến tham dự Intel Tech Tour Đài Loan, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ và phỏng vấn Michelle Johnston Holthaus, Phó chủ tịch điều hành kiêm Tổng giám đốc nhóm Máy tính khách hàng của Intel, người làm việc trực tiếp với CEO Intel Pat Gelsinger. Bà đã chia sẻ một số suy nghĩ của mình về thị trường Việt Nam, cũng như tương lai của AI PC tại nước ta.
Bà Michelle Johnston Holthaus
Phó chủ tịch điều hành Intel cho biết: "Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, có cơ sở hạ tầng, mạng lưới nhà máy tốt. Có nhiều cơ hội thương mại và tiêu dùng. Mọi người sẽ đầu tư vào công nghệ, giáo dục. Đó đều là những cơ hội tuyệt vời dành cho AI PC."
AI được cho là có tiềm năng thay đổi cách chúng ta sử dụng PC. Từ nhận dạng văn bản đến các tác vụ phức tạp hơn như phân tích dữ liệu và soạn thảo tin nhắn, nhưng để thật sự có thể trở nên hấp dẫn tại thị trường Việt Nam thì cần những sản phẩm dành riêng cho người dùng Việt. "Chúng ta không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của phần mềm vì đó sẽ là thứ giúp những cỗ máy này hoạt động," bà nói.
Bà Holthaus cho rằng đầu tiên phải chú trọng vào các công ty phần mềm trong nước, từ đó tối đa hóa tiềm năng của AI PC. Phó chủ tịch điều hành Intel lấy ví dụ Copilot đang là một trong những AI nổi tiếng nhất để nói về tầm quan trọng trong việc tạo ra phần mềm mà mọi người muốn sử dụng. "Cần phải tập trung vào nhiều nhà cung cấp phần mềm mang tính nội địa hơn."
Cùng với việc Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á phát triển nhanh nhất trong khu vực, khách hàng nhanh tiếp cận làm quen công nghệ mới, áp dụng công nghệ trong giáo dục và công việc. Do đó, bà nhận xét là thị trường rất tiềm năng trong việc "lên đời" máy tính AI.
"Chẳng có lý do nào mà người dùng Việt Nam lại không nhanh chóng lên đời AI PC. Sao người dùng lại không muốn mua AI PC cơ chứ? Nó sẽ không lỗi thời. Ngay cả khi bạn không biết sẽ làm gì với nó hôm nay, nhưng trong sáu tháng nữa, bạn sẽ không muốn phải đi mua một chiếc PC khác."
Mẫu ASUS Vivobook S14/16 OLED có Intel Core Ultra và phím AI Copilot đang bán tại Việt Nam
Bà Michelle cũng nói rằng Intel sẽ sử dụng AI PC trong các nhà máy của họ, bao gồm cả tại Việt Nam, "chúng tôi sẽ triển khai AI để đảm bảo rằng khả năng sản xuất ngày càng mạnh mẽ hơn trên toàn cầu."
Phó chủ tịch Intel tin rằng công nghệ không ngừng phát triển. Những gì có vẻ không cần thiết ngày hôm nay có thể trở nên phổ biến vào ngày mai. Khi AI tiếp tục phát triển và ngày càng được tích hợp nhiều hơn vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta, cuối cùng, câu hỏi có thể không phải là "tại sao" lại cần PC AI mà là "làm thế nào" ta có thể tận dụng tối đa chúng.