AI đã phát triển kinh ngạc đến mức "dự đoán được cái chết": Thứ này vào tay công ty bảo hiểm là đại hoạ?
AI dự đoán được cái chết của con người đặt ra tranh cãi về việc chúng không nên rơi vào tay các công ty bảo hiểm.
AI đã dự đoán được cái chết?
Theo nghiên cứu mới đây, một hệ thống trí tuệ nhân tạo mới mang tính đột phá giống ChatGPT - được huấn luyện bởi câu chuyện cuộc đời của hơn một triệu người - có khả năng dự đoán chính xác cuộc sống cũng như nguy cơ tử vong sớm của người nào đó.
Independent dẫn lời các nhà khoa học từ Đại học Kỹ thuật Đan Mạch (DTU) cho biết, mô hình AI được đào tạo dựa trên dữ liệu cá nhân của người dân Đan Mạch và được chứng minh là có khả năng dự đoán khả năng tử vong của người dân chính xác hơn bất kỳ hệ thống hiện có nào.
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về sức khỏe và thị trường lao động của 6 triệu người Đan Mạch được thu thập từ năm 2008 đến năm 2020, bao gồm thông tin về trình độ học vấn của các cá nhân, số lần khám bác sĩ và đến bệnh viện, kết quả chẩn đoán, thu nhập và nghề nghiệp.
Các nhà khoa học đã chuyển đổi tập dữ liệu thành các từ để đào tạo một mô hình ngôn ngữ lớn có tên là "life2vec" tương tự như công nghệ đằng sau các ứng dụng AI như ChatGPT.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Computational Science, các nhà nghiên cứu lấy dữ liệu về một nhóm người trong độ tuổi từ 35 đến 65 – một nửa trong số họ đã chết trong khoảng thời gian từ 2016 đến 2020 – và yêu cầu hệ thống AI dự đoán ai sống và ai đã chết.
Họ nhận thấy hệ thống dự đoán chính xác hơn 11% so với bất kỳ mô hình AI hiện có hoặc các phương pháp được các công ty bảo hiểm nhân thọ sử dụng để định giá chính sách.
"Điều thú vị là mô hình coi cuộc sống con người như một chuỗi dài các sự kiện, tương tự như cách trong một câu có một chuỗi từ", tác giả nghiên cứu Sune Lehman từ DTU cho biết.
"Đây thường là loại nhiệm vụ mà các mô hình trong AI sử dụng, nhưng trong các thử nghiệm, chúng tôi sử dụng chúng để phân tích cái được gọi là chuỗi cuộc sống, tức là các sự kiện đã xảy ra trong cuộc sống con người".
Không nên là công cụ cho các công ty bảo hiểm
Sử dụng mô hình này, các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi chung như khả năng một người sẽ qua đời trong vòng bốn năm.
Họ nhận thấy rằng các phản hồi của mô hình phù hợp với những quan điểm hiện có, như các cá nhân nắm vị trí lãnh đạo hoặc có thu nhập cao có tỷ lệ sống thọ hơn, họ thường là nam giới, có năng lực tốt, trong khi những người được chẩn đoán tâm thần có liên quan đến nguy cơ tử vong cao hơn.
"Về mặt khoa học, điều thú vị đối với chúng tôi không phải là bản thân dự đoán mà là các khía cạnh của dữ liệu cho phép mô hình đưa ra câu trả lời chính xác như vậy".
Mô hình này cũng có thể dự đoán chính xác kết quả của bài kiểm tra tính cách ở một bộ phận dân cư tốt hơn các hệ thống AI hiện có.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng các công ty bảo hiểm nhân thọ không nên sử dụng mô hình này do lo ngại về đạo đức.
"Rõ ràng, mô hình của chúng tôi không nên được sử dụng bởi một công ty bảo hiểm, bởi vì toàn bộ ý tưởng về bảo hiểm là chia sẻ gánh nặng cho những người không may mắn gặp phải một sự cố nào đó, cái chết, hoặc mất mát", Tiến sĩ Lehman nói với New Scientist.
Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng có những vấn đề đạo đức khác xung quanh việc sử dụng life2vec như bảo vệ dữ liệu nhạy cảm, quyền riêng tư và vai trò của sự thiên vị trong dữ liệu.
Họ cho biết: "Chúng tôi nhấn mạnh công việc của mình là khám phá những gì có thể nhưng chỉ nên được sử dụng trong các ứng dụng trong thế giới thực theo các quy định bảo vệ quyền của cá nhân".