A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam quyết tâm thực hiện “ba sẵn sàng” để thích ứng với biến đổi khí hậu

Nhân dịp tham dự Hội nghị Đại dương của Liên hợp quốc lần thứ 3 (UNOC 3), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Iraq Abdul Latif Rashid đã đồng chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh về các vùng đồng bằng châu thổ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Hội nghị Thượng đỉnh về đồng bằng châu thổ thế giới:

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo thống kê từ các nghiên cứu và báo cáo khoa học, các vùng đồng bằng châu thổ hiện chỉ chiếm khoảng 0,65% diện tích đất liền của thế giới nhưng là nơi sinh sống của gần 4,5% dân số toàn cầu và tạo ra khoảng 6% tổng sản lượng lương thực thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra rằng đồng bằng châu thổ là những khu vực liên quan đến nhiều nguồn văn minh nhân loại; là hệ sinh thái, không giansinh tồn, nguồn nước xuyên biên giới, điểm tựa kinh tế, văn hoá, xã hội, lâu đời của người dân tại đây.

Nhưng chính các nơi trù phú ấy lại đang trở thành tuyến đầu chống chọi với biến đổi khí hậu: mực nước biển dâng, sụt lún, sạt lở, khô hạn, xâm nhập mặn, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường.

Đây không còn là những cảnh báo mà là thực tế khắc nghiệt đang diễn ra hàng ngày, đe dọa trực tiếp tới sinh kế của hàng trăm triệu người dân ở các vùng đồng bằng châu thổ của các con sông lớn trên thế giới.

Từ góc độ là quốc gia có diện tích đồng bằng châu thổ lớn, Thủ tướng cho rằng thích ứng với biến đổi khí hậu tại các đồng bằng châu thổ không chỉ là yêu cầu cấp bách, khách quan mà còn là sứ mệnh lịch sử.

Thủ tướng cũng chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam dựa trên phương châm “thuận thiên” và tiêu chí “đồng lợi ích, đa mục tiêu”, tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các chiến lược, chính sách, giải pháp nhằm: huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; tăng cường sức chống chịu, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nông nghiệp xanh, chuyển đổi mô hình sản xuất một triệu héc-ta lúa theo hướng năng suất cao, phát thải các-bon thấp; đẩy mạnh hợp tác xuyên biên giới và bảo vệ nguồn nước, nguồn lợi thuỷ sản… với sự đồng hành, hỗ trợ của các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế.

Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh có gần 100 đại biểu là lãnh đạo của các quốc gia có đồng bằng châu thổ như: Pháp, Hà Lan, Thái Lan, Bangladesh… và các tổ chức quốc tế quản lý các khu vực đồng bằng châu thổ trên thế giới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh những vấn đề chung, như nguồn nước xuyên biên giới, các nước liên quan cần bàn bạc, đi đến thống nhất trên tinh thần tôn trọng lợi ích của nhau, bình đẳng, và dựa trên luật lệ.

Trên tinh thần này, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các quốc gia, khu vực trong thực hiện “mục tiêu kép”:  vừa góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới - vừa nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng đưa ra cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện và đề xuất 5 giải pháp chủ động chiến lược bao gồm: quy hoạch dài hạn liên vùng, liên ngành, chuyển đổi mô hình phát triển đồng bằng châu thổ; bảo tồn, phát huy tri thức bản địa gắn với ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kết nối hiệu quả Mạng lưới toàn cầu các đồng bằng châu thổ; thiết lập và triển khai hiệu quả các cơ chế tài chính khí hậu xanh, bền vững, công bằng, bao trùm, dễ tiếp cận; xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình ứng xử linh hoạt, hợp lý, hiệu quả đối với các vùng đồng bằng châu thổ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tái khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Namlà bạn tốt, đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và phát triển các vùng đồng bằng châu thổ thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để thực hiện chủ trương này, Thủ tướng Chính phủ cho biết Việt Nam quyết tâm thực hiện “ba sẵn sàng”: Sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quản lý, sáng kiến; Sẵn sàng tham gia các cơ chế, sáng kiến hợp tác khu vực, quốc tế; Sẵn sàng đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu để thích ứng với biến đổi khí hậu tại các vùng đồng bằng châu thổ.

Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng kêu gọi các quốc gia cùng đoàn kết, chung tay hợp tác cả về tầm nhìn và hành động để các đồng bằng châu thổ - nơi cửa ngõ hợp lưu của sự sống giữa đất liền và đại dương - mãi mãi là nền tảng ổn định, vững chắc cho sinh kế, cuộc sống của người dân, là quà tặng trù phú, màu mỡ, quý giá của thiên nhiên cho sự phát triển trường tồn, thịnh vượng của các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới.

Trong phiên thảo luận về bảo tồn và quản lý bền vững hệ sinh thái đồng bằng châu thổ, các chuyên gia, nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách từ nhiều quốc gia trên thế giới đã chia sẻ về tiềm năng của các khu đồng bằng châu thổ, đánh giá các nguy cơ hiện tại đồng thời đưa ra các giải pháp dựa trên nền tảng tự nhiêncũng như áp dụng khoa học công nghệ để phát triển các vùng đồng bằng châu thổ.

Tại phiên thảo luận về triển vọng phát triển bền vững, hành động tập thể trong quản lý đồng bằng châu thổ, các ý kiến thảo luận sôi nổi được đưa ra tập trung vào sự hợp tác và phối hợp của người dân và các chủ thể sử dụng các dòng sông; sự thích ứng của đồng bằng châu thổ trong bối cảnh mới.

Các đại biểu cũng đề cao vai trò của hợp tác và phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý các khu đồng bằng châu thổ và nguồn tài chính để bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực này.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm