Giám sát, bảo vệ chất lượng môi trường từ chương trình quan trắc tự động
Chương trình quan trắc chất lượng môi trường, tài nguyên nước dưới đất và thủy văn tại Bình Dương năm 2024 cho thấy, mặc dù các thông số tại nhiều điểm quan trắc đạt chuẩn, một số khu vực lại xuất hiện các dấu hiệu ô nhiễm đáng báo động.
Theo đó, dựa trên kết quả quan trắc, một số vấn đề ô nhiễm môi trường đã được phát hiện. Các kênh, rạch, sông, suối nhận nước thải từ công nghiệp và đô thị như suối Cát, suối Giữa, suối Chòm Sao, rạch Ông Đành, kênh Ba Bò, Kênh D, Kênh An Tây… vẫn bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng. Nồng độ các chất như NH4+-N, Fe, COD, Nitrit, Nito, Photpho và Coliform vượt quy chuẩn cho phép từ 1,2 đến 21 lần tại các khu vực này.
Các suối khác như: Bưng Cù, Siệp, Cái, Cầu cũng gặp tình trạng tương tự, với nồng độ NH4+-N, COD, Nitrit, Fe, Nito, Photpho và Coliform vượt mức quy chuẩn từ 1,2 đến 20 lần. Một số suối khác như Bến Ván, Căm Xe, Đồng Sổ cũng có mức ô nhiễm tương tự, với các chỉ tiêu vượt quy chuẩn từ 1,3 đến 18 lần.
Ngoài ra, tại một số khu vực giao thông, nồng độ bụi và tiếng ồn vượt quy chuẩn cho phép. Bụi tổng và bụi PM2.5 tại những nơi như: Ngã tư Miếu ông Cù, đường Mỹ Phước Tân Vạn, Vành đai 3, Vành đai 4, Khu công nghiệp Sóng Thần và mỏ đá xã Thường Tân vượt quy chuẩn từ 1,1 đến 2,5 lần.
Môi trường trầm tích tại khu vực sông Bé cũng có hàm lượng kim loại nặng như Cr và Ni vượt mức cho phép.
Đặc biệt, khu vực Vĩnh Phú (cụm công trình BD04) và Bãi Rác (công trình BD23020), nơi có các công trình khai thác nước dưới đất, cũng đang gặp phải tình trạng ô nhiễm khi chất lượng nước dưới đất vượt mức quy chuẩn cho phép. Đây là những khu vực đã được xác định là hạn chế khai thác nước dưới đất theo Quyết định số 1270/QĐ-UBND của tỉnh Bình Dương.
Để kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm môi trường, tỉnh Bình Dương đã triển khai các chương trình quan trắc tự động. Hệ thống quan trắc nước mặt tự động tại các sông lớn như: Sài Gòn, Đồng Nai và Thị Tính, liên tục theo dõi chất lượng nước, phục vụ công tác cảnh báo và đánh giá kịp thời các biến động của nguồn nước. Hệ thống quan trắc nước dưới đất tự động cũng được lắp đặt tại hơn 190 vị trí, bao gồm cả các doanh nghiệp và các trạm của tỉnh, nhằm theo dõi tình hình khai thác và sử dụng tài nguyên nước dưới đất.
Ngoài ra, các trạm quan trắc nước thải và khí thải tự động tại hơn 145 vị trí cùng với hơn 350 camera giám sát giúp kiểm soát việc xả thải từ các khu công nghiệp và các nguồn thải lớn. Các chương trình này đã giúp phát hiện kịp thời các hành vi xả thải không đạt chuẩn và đưa ra các biện pháp xử lý hiệu quả.
Mặc dù chương trình quan trắc môi trường đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, cần bổ sung vị trí quan trắc mới tại Trạm thủy văn chuyên dùng tại thành phố Tân Uyên và thay đổi thông số quan trắc cho phù hợp với các yêu cầu quy hoạch môi trường của tỉnh giai đoạn 2021-2030.
Cụ thể, sẽ có sự điều chỉnh về thông số quan trắc như loại bỏ chỉ tiêu Nitrat trong chương trình quan trắc nước mặt tự động, bổ sung các thông số pH và DO trong chương trình quan trắc chất lượng nước dưới đất. Bên cạnh đó, các chỉ số về hóa chất bảo vệ thực vật cũng sẽ được đưa vào chương trình quan trắc chất lượng đất, đặc biệt là tại các khu vực nông nghiệp.
Bình Dương hy vọng sẽ nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường thời gian tới. Dữ liệu từ các chương trình quan trắc không chỉ giúp chính quyền địa phương theo dõi tình hình môi trường, mà còn tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia giám sát và bảo vệ chất lượng môi trường./.
Huyền Trang