Ảnh hưởng bão Trami, Quảng Bình lũ lớn trên diện rộng
Theo báo cáo nhanh sáng 28/10 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Bình, nước lũ dâng cao khiến hàng chục ngàn ngôi nhà ở huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, TP Đồng Hới ngập lụt, nhiều tuyến đường bị sạt lở, nhiều thôn bản bị cô lập.
Lũ lên nhanh trên thượng nguồn sông Long Đại. Ảnh: Tuấn Trường Sơn
1 người mất tích, hơn 1,5 vạn ngôi nhà ngập sâu trong lũ
Tính đến 9h ngày 28/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có mưa to, có nơi lượng mưa hơn 500mm. Mưa lớn làm cho nước ở các sông Kiến Giang, Long Đại lên nhanh khiến hơn 15.000 ngôi nhà ngập chìm trong nước.
Huyện Lệ Thủy bị ngập nhiều nhất với hơn 10.000 ngôi nhà, huyện Quảng Ninh hơn 4.000 ngôi nhà và TP Đồng Hới 370 ngôi nhà bị ngập. Cùng với đó, 374ha hoa màu bị ngập, thiệt hại 100ha diện tích nuôi cá, lúa ở mặt hồ nước lớn.
Người dân Quảng Ninh di dời phương tiện và gia súc lên cao. Ảnh: LHC
Hiện tại, nhiều ngầm tràn tại tuyến quốc lộ 9B, 9C, 15 bị ngập sâu, có điểm ngập trên 1m.
Ngoài ra, còn một số điểm ngập cục bộ khiến các phương tiện không thể lưu thông: Đường tỉnh 558B đoạn qua xã Quảng Hợp huyện Quảng Trạch ngập sâu hơn 1m gây tắc đường; tuyến đường liên thôn của xã Liên Trạch huyện Bố Trạch ngập sâu không thể lưu thông; các xã Trường Sơn, Tân Ninh, Hiền Ninh, Xuân Ninh của huyện Quảng Ninh nước lũ ngập sâu ngay trong đêm 27 và rạng sáng 28/10 đã ngập sâu hơn 1.0m.
TP Đồng Hới có nơi ngập sâu hơn 1,5m. Ảnh: Trích từ camera nhà dân
Mưa lũ cũng làm một số điểm bị sạt lở như khu vực bờ biển thôn Thanh Xuân, xã Thanh Trạch, kéo dài khoảng 1,5km, sâu 2-3m.
Tại Km77+580 trên quốc lộ 9B bị sụt taluy âm, dài khoảng 15m. Sạt lở taluy dương tại 32 vị trí với khối lượng khoảng 2.000m3. Tại Km29 trên quốc lộ 9C sạt lở khiến phương tiện giao thông không qua lại được. Các đơn vị quản lý đã rào chắn cảnh báo nguy hiểm và đang tiếp tục theo dõi cũng như tập trung xử lý nhằm đảm bảo giao thông sớm thông suốt.
Lũ ngập 1m tại một hộ dân huyện Bố Trạch. Ảnh: Tuấn Tài
Trước đó, ngày 27/10, anh Lê Ngọc Hơn, trú tại thôn Thanh Sơn, xã Thái Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ (vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự xuất ngũ) đã bị nước lũ cuốn trôi khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tại hạ lưu đập Thanh Sơn.
Đến sáng ngày 28/10, thi thể anh Hơn đã được tìm thấy cách hiện trường hơn 300m.
Sẵn sàng ứng phó theo cấp độ rủi ro
Để ứng phó với ngập lụt, chính quyền địa phương các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch đã di dời hơn 150 hộ dân với gần 600 nhân khẩu đến nơi an toàn. Ngoài ra, tại những xã, thị trấn vùng thấp trũng, các hộ đã tự sơ tán từ hộ nhà thấp sang nhà kiên cố, cao tầng.
Công an xã Xuân Ninh triển khai lực lượng cứu nạn cứu hộ. Ảnh: LHC
Ngay trong tối 27/10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm – Phó Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Bình đã đi kiểm tra công tác ứng phó mưa lũ tại 2 huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh.
Tại 2 địa phương có lịch sử lũ ngập nặng nề nhất tỉnh Quảng Bình, Phó Chủ tịch Đoàn Ngọc Lâm đã chỉ đạo các đơn vị địa phương huy động lực lượng 4 tại chỗ kịp thời sơ tán, ứng cứu người dân tại các vùng bị ngập lụt, chia cắt, nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra.
“Çác lực lượng chức năng chủ động nắm chắc tình hình, huy động lực lượng và phương tiện, bám chắc địa bàn, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra, đảm bảo an toàn tối đa cho người dân”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh. Ngoài ra, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Bình cho biết, mưa đang rất lớn, nước vẫn tiếp tục lên nhanh trên tất cả các sông, người dân cần nêu cao cảnh giác tập trung ứng phó, tuyệt đối không được chủ quan mất cảnh giác.
Được biết, nước lũ tại đây đã đạt bằng đỉnh lũ 2020, với lượng mưa hiện tại, lũ dự kiến còn dâng cao hơn nữa.