A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Samsung chọn hai doanh nghiệp ở Đà Nẵng để xây dựng nhà máy thông minh

Cùng với việc chính thức triển khai hỗ trợ xây dựng hai nhà máy thông minh đầu tiên ở Đà Nẵng, Samsung tiếp tục đồng hành để giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của miền Trung chuyển đổi số, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Những khách hàng đầu tiên

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất thùng carton chất lượng cao, thời gian qua, Công ty TNHH Bao bì Tân Long không ngừng phát triển với nhiều đơn hàng xuất khẩu. Song với định hướng không dừng lại ở việc sản xuất kinh doanh nhỏ, năng suất kém, chất lượng quản lý hạn chế, doanh nghiệp này xác định số hóa là chìa khóa giải quyết vấn đề tồn tại của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp vẫn loay hoay với bài toán chuyển đổi số. Khi Samsung ký kết với Sở Công Thương TP. Đà Nẵng để thực hiện dự án nhà máy thông minh, Tân Long là một trong hai doanh nghiệp địa phương được lựa chọn tham gia dự án.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Tân Long cho hay, ngay từ khi nhận được thông báo, doanh nghiệp đã chuẩn bị về nhân sự, kinh phí và ý tưởng triển khai.

Qua một tháng với sự hướng dẫn, huấn luyện của chuyên gia, cố vấn của Tập đoàn Samsung, doanh nghiệp này đặt mục tiêu nâng mức độ thông minh của nhà máy 0.9 đến 2.5 theo tiêu chí đánh giá của Samsung.

"Chúng tôi mong đợi nhà máy thông minh sẽ giúp Tân Long cải thiện vận hành thiết bị hiệu quả, giảm lỗi cho từng công đoạn, đặc biệt bồi dưỡng nguồn nhân lượng chất lượng cao cho công ty", bà Hà chia sẻ.

Cũng là doanh nghiệp được chọn để hỗ trợ tư vấn phát triển nhà máy thông minh của Samsung tại miền Trung Việt Nam, trong 6 tuần qua, Công ty CP Trung Nam Electronics Manufacturing Services ( Trung Nam EMS ) đã nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Samsung để tiến hành thẩm định, lên kế hoạch chi tiết để triển khai hỗ trợ nhà máy.

Samsung chọn hai doanh nghiệp ở Đà Nẵng để xây dựng nhà máy thông minh - Ảnh 1.

Trung Nam EMS là doanh nghiệp được chọn để hỗ trợ tư vấn phát triển nhà máy thông minh của Samsung tại miền Trung. Ảnh: N.T

Theo ông Nguyễn Anh Huy, đại diện Công ty Trung Nam EMS, mặc dù còn rất non trẻ nhưng doanh nghiệp đã gặt hái được một số thành quả nhất định, khách hàng của Trung Nam EMS có trên 40 doanh nghiệp, tập đoàn và trải khắp các châu lục.

Tuy nhiên, ông Huy nhìn nhận, Trung Nam EMS còn rất nhiều việc phải làm để có thể thực hiện được sứ mệnh của mình và với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Samsung, con đường đó sẽ ngắn hơn, ít chông gai, ít trả giá cho các bài học hơn.

"Hiện, Trung Nam EMS một mặt nỗ lực phục vụ tốt nhất khách hàng của mình, một mặt nỗ lực học tập theo chương trình đào tạo của Samsung, để sau quá trình học tập, cải tiến, doanh nghiệp có thể chuyển đổi số hiệu quả, hướng tới phát triển nhà máy thông minh, nâng cao năng lực cạnh tranh để sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Huy nói.

Tăng năng lực cạnh tranh toàn cầu

Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh tại TP. Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung năm 2023 gồm 3 hoạt động: Lựa chọn doanh nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ tư vấn phát triển nhà máy thông minh và quản lý về sau.

Trong thời gian 1 tuần học lý thuyết, chuyên gia Samsung tới từ Hàn Quốc sẽ đào tạo cho các quản lý cấp trung và cấp cao của doanh nghiệp về nhà máy thông minh.

Trong 11 tuần thực hành, các chuyên gia Samsung và chuyên gia tư vấn Việt Nam sẽ khảo sát, đánh giá các doanh nghiệp và trực tiếp tư vấn, làm việc cùng doanh nghiệp nhằm cải tiến hiện trường và tạo nền tảng cải tiến công đoạn, từ đó dần thiết lập nhà máy thông minh.

Cuối cùng dựa trên kết quả tư vấn hiện trường, các chuyên gia sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống vận hành và quản lý về sau như thúc đẩy doanh nghiệp tự tiếp tục triển khai hoạt động cải tiến, kiểm tra định kỳ mức độ cải tiến lĩnh vực sản xuất/IT sau dự án.

Samsung chọn hai doanh nghiệp ở Đà Nẵng để xây dựng nhà máy thông minh - Ảnh 2.

Đại diện Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam và Trung Nam EMS ký kết biên bản ghi nhớ Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh tại TP. Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung năm 2023. Ảnh: N.T

Ông Jang Yoon Ho, Giám đốc Bộ phận hỗ trợ đối tác Samsung Việt Nam cho biết, thông qua dự án này các công ty của Việt Nam sẽ đảm bảo khả năng cạnh tranh ở cấp độ toàn cầu trong toàn bộ quá trình.

Trong đó, phát triển sản xuất và bán hàng, mở rộng cơ hội cho nhiều công ty địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung và các công ty toàn cầu.

"Đặc biệt, khi có các chuyên gia tham gia xây dựng nhà máy thông minh từ trụ sở chính của Samsung, chúng tôi hy vọng đây sẽ là cơ hội để các công ty địa phương phát triển vượt bậc về năng lực, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu" , Ông Jang Yoon Ho nói thêm.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng mong muốn, Samsung Việt Nam quan tâm hỗ trợ đào tạo, tư vấn cho học viên cũng như doanh nghiệp TP. Đà Nẵng tham gia chương trình phát triển theo định hướng xây dựng Nhà máy thông minh cho các doanh nghiệp và tăng thêm số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Đồng thời, hỗ trợ xây dựng lực lượng tư vấn tại các doanh nghiệp được lựa chọn và một số chuyên gia ở ngoài để từng bước giúp thành phố có một đội ngũ chuyên gia tư vấn đủ mạnh, có thể chủ động tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong tương lai khi dự án kết thúc.

Về phía các doanh nghiệp, bà Mai cũng yêu cầu phải tham gia chương trình với thái độ nghiêm túc và hiệu quả, tiếp thu tối đa kiến thức bổ ích cũng như những kỹ năng cần thiết để có thể áp dụng vào thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp, góp phần phát triển nhiều Nhà máy thông minh trên địa bàn thành phố nói riêng và tại Việt Nam nói chung.

"Sở Công Thương sẽ luôn đồng hành cùng chương trình hỗ trợ tư vấn phát triển Nhà máy thông minh trên địa bàn TP. Đà Nẵng để có thể tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế số trên địa bàn", bà Mai nói thêm.

Ngày 19/10, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng phối hợp với Samsung Việt Nam tổ chức Lễ khởi động Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh tại TP. Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung năm 2023.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp Việt Nam tại TP. Đà Nẵng và khu vực miền Trung được Samsung và Sở Công Thương TP. Đà Nẵng ký kết biên bản ghi nhớ vào tháng 9 vừa qua.

Trước đó, tính đến hết nửa đầu năm 2023, Dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh đã được Samsung đã triển khai cho 38 doanh nghiệp, đào tạo cho 87 chuyên gia chuyển đổi số.

Hiện, đang triển khai song song tại Đà Nẵng (tư vấn 2 doanh nghiệp) và TP. HCM (tư vấn 12 doanh nghiệp, đào tạo 36 chuyên gia).

Trong giai đoạn 2018 - 2021, Bộ Công Thương và Samsung đã đào tạo 406 chuyên gia về công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhận thấy tầm quan trọng của lĩnh vực khuôn mẫu trong sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương và Samsung tiếp tục triển khai dự án đào tạo 200 kỹ thuật viên khuôn mẫu trong giai đoạn 2020 - 2023.

Qua nỗ lực tìm kiếm doanh nghiệp cung ứng, số lượng doanh nghiệp cấp 1 của Samsung đã có sự gia tăng mạnh mẽ. Năm 2014, số lượng doanh nghiệp cấp 1 chỉ có 4 doanh nghiệp thì con số này đã tăng lên thành 51 doanh nghiệp vào cuối năm 2021. Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp cấp 2 cũng đạt 203 doanh nghiệp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm