Đề xuất xây dựng văn bản cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử
Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết đang lấy ý kiến chuyên gia, đề xuất xây dựng chính sách cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới, trong đó có thuốc lá điện tử.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gia tăng
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là những sản phẩm mới xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại, bằng chứng khoa học về độc tính và ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của các sản phẩm này vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu bước đầu đã chỉ ra hậu quả đối với sức khoẻ của việc sử dụng và tiếp xúc thụ động với "sol khí"/khói của các sản phẩm này.
Một bệnh nhân bị ngộ độc thuốc lá điện tử tổn thương não, suy tạng đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc (Ảnh:BVCC) |
Thuốc lá nung nóng (HTPs) là sản phẩm sử dụng thiết bị điện tử để nung nóng điếu thuốc đến nhiệt độ đủ để tạo ra sol khí có thể hít vào, chứa nicotine - chất gây nghiện cao và các hóa chất khác, chất phụ gia không phải thuốc lá và nhiều hương vị.
Hiện nay, các sản phẩm thuốc lá nung nóng rất đa dạng. Trong đó, nhiều sản phẩm kết hợp (lai) giữa thuốc lá nung nóng với thuốc lá điện tử, pha trộn, tẩm ướp dung dịch điện tử khiến cho việc kiểm tra và nhận biết khó khăn. Đơn cử như: Sản phẩm thuốc lá mới sử dụng công nghệ hybrid, không đốt nóng trực tiếp sản phẩm thuốc lá mà kết hợp giữa dung dịch thuốc lá điện tử và nguyên liệu thuốc lá.
Chia sẻ về tác hại của thuốc lá điện tử, TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, thuốc lá điện tử đang mở đầu cho xu hướng mới lạm dụng hóa chất nhân tạo, con người đang tự hủy hoại chính mình. Trong đó, 3 nhóm có nguy cơ khi sử dụng thuốc lá điện tử.
Thứ nhất là nicotine. Hàm lượng nicotine trong thuốc lá điện tử cao hơn thuốc lá thông thường. Ước tính cứ 1 người bỏ được thuốc lá khi dùng thuốc lá điện tử thì có thêm 80 trẻ vị thành niên nghiện nicotine (một nghiên cứu trên thế giới năm 2018).
Thứ hai là các hóa chất trong hơi thuốc lá điện tử với số lượng khổng lồ, thay đổi các hóa chất liên tục. Các hóa chất này làm phát sinh loạt bệnh/ngộ độc mới nổi, thậm chí y học chưa biết được, không thể đoán trước được.
Thứ ba là ma túy trong thuốc lá điện tử. Nguy cơ dùng ma túy gấp 3,5 lần so với không hút thuốc lá điện tử.
“Hiện việc sử dụng rượu bia, thuốc lá thông thường gây ra quá nhiều vấn đề mà chúng ta chưa giải quyết được. Vì vậy, Việt Nam cần nhanh chóng cấm ngay thuốc lá điện tử”, TS Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.
Hiện nay, thuốc lá điện tử được thiết kế kiểu dáng giống đồ dùng như cây bút, USB, thỏi son môi, hộp sữa, đồ chơi… Giá cả đa dạng, nhiều sản phẩm giá rất rẻ. Đặc biệt, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong thanh thiếu niên Việt Nam gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt ở học sinh nữ.
Nhiều quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng sử dụng trên thế giới và ở Việt Nam. Trong khi đó, thanh thiếu niên là lớp người trẻ tuổi, năng động, sáng tạo, ham hiểu biết tuy nhiên cũng do đặc tính của lứa tuổi, họ luôn có tính tò mò, thích khám phá thử nghiệm cái mới, muốn thể hiện bản thân nên dễ bị cuốn theo các trào lưu, tệ nạn xấu.
Thuốc lá mới là sản phẩm hướng mục tiêu đến giới trẻ, khiến thanh thiếu niên bắt đầu nghiện nicotine sớm hơn và tác hại sức khỏe sẽ nghiêm trọng hơn cả trước mắt và về lâu dài.
Một số mẫu vape (thuốc lá điện tử) gây ngộ độc ở các bệnh nhân tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: BVCC) |
ThS Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp như truyền thông về tác hại của thuốc lá mới, xử lý hành vi buôn lậu, buôn bán thuốc lá mới nhưng tình trạng mua bán thuốc lá mới vẫn đang diễn ra.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Y tế đứng trên quan điểm là bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, lấy lợi ích của người dân làm trung tâm và bảo đảm phát triển bền vững của đất nước liên quan đến sức khỏe và môi trường.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đinh Thị Thu Thủy cho hay, trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia và 4 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá nung nóng.
Mới đây, Bộ Y tế đã nhận được bản khuyến nghị của WHO về việc Quốc hội ban hành nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo các sản phẩm này tại Việt Nam.
Theo bà Thuỷ, quan điểm của Bộ Y tế từ trước đến nay vẫn là cấm hoàn toàn các loại thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá mới khác). Vì vậy, Bộ đề xuất xây dựng văn bản với nội dung cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới. Hình thức văn bản là nghị quyết do Quốc hội ban hành.
Trong đó, phạm vi điều chỉnh bao gồm giải thích rõ khái niệm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá mới khác. Quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới và quy định trách nhiệm của các tổ chức có liên quan...
Bà Thủy cũng thông tin thêm, Vụ Pháp chế đang xây dựng văn bản liên quan và sẽ có dự thảo trình Chính phủ để Chính phủ trình ra Quốc hội nhằm sớm có biện pháp quản lý. Dự kiến, nội dung sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2024.