Đề xuất dùng cát sông Cổ Cò cho công trình đầu tư công
Theo Sở Tài chính, UBND tỉnh giao Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông đấu giá cát sau nạo vét tại sông Cổ Cò là hợp lý.
Cát sông Cổ Cò sau nạo vét đến nay vẫn chưa được đấu giá thành công (Ảnh: CTV) |
Ngày 10/3, liên quan đến hơn 1,3 triệu m3 cát tại sông Cổ Cò vẫn chưa được chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam tổ chức đấu giá thành công, theo tìm hiểu của phóng viên, trước đây Sở Tài chính đã có ý kiến đề xuất chủ đầu tư không bán đấu giá mà sử dụng cho các công trình khác đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Do nhiều lần tổ chức đấu giá không thành công, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã có Công văn gửi Sở Tài chính vào ngày 22/9/2023.
Lần này, chủ đầu tư có đề nghị giao Sở Tài chính tổ chức bán đấu giá cát sau nạo vét dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và điểm e khoản 3 Điều 23 Nghị định số 151 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Tuy nhiên, sau đó, Sở Tài chính có văn bản trả lời và cho rằng việc đấu giá cát sau nạo vét dự án nói trên được UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tại Quyết định số 1893 năm 2021 là phù hợp.
Theo Sở Tài chính, cát sau nạo vét thuộc dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò là sản phẩm tài nguyên của khoáng sản, thuộc tài sản công theo quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21/6/2017.
Cát sau nạo vét sông Cổ Cò chờ được xử lý (Ảnh: V,Q) |
Việc quản lý, sử dụng tài sản công được Chính phủ quy định chi tiết tại Nghị định số 151 năm 2017. Tuy nhiên, nội dung tại Nghị định này quy định về bán tài sản công hình thành từ đầu tư, mua sắm tại cơ quan Nhà nước. Nghị định này không quy định trình tự, thủ tục và cơ quan bán tài sản là tài nguyên khoáng sản.
Do đó, Sở Tài chính cho rằng việc chủ đầu tư đề nghị UBND tỉnh giao Sở Tài chính tổ chức bán cát nạo vét nêu trên là không có cơ sở.
Sở Tài chính khẳng định, đối với việc đấu giá cát sau nạo vét tại dự án nói trên thì UBND tỉnh đã giao cho chủ đầu tư vào năm 2021. Cụ thể, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông là chủ đầu tư dự án thì sẽ thuận lợi trong việc quản lý, nắm rõ nguồn gốc, chất lượng, khối lượng thu hồi cát sau nạo vét; quản lý, bàn giao khối lượng cát cho khách hàng trúng đấu giá.
Trước những lý do trên, Sở Tài chính đề nghị đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư tiếp tục thực hiện bán đấu giá cát sau nạo vét thuộc dự án nói trên theo nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao lại Quyết định số 1893 năm 2021.
Trường hợp, khối lượng cát đấu giá một lần quá lớn, đơn vị trúng đấu giá phải nộp ngay một khoản tiền lớn không đủ khả năng tài chính, giao thông vận chuyển khó khăn làm tăng chi phí.
Nếu tiếp tục đấu giá sẽ khó thành công, Sở Tài chính đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu, đề xuất lại phương án bán đấu giá hoặc đề xuất không bán đấu giá mà sử dụng cho các công trình khác đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Chủ đầu tư không có chức năng quản lý tài sản công Theo chủ đầu tư, đơn vị có 2 lần phối hợp tổ chức đấu giá cát tại sông Cổ Cò cùng Công ty Đấu giá hợp danh Quảng Việt vào năm 2022 nhưng không có cá nhân, tổ chức nào đăng ký tham gia đấu giá. Sau đó, chủ đầu tư đã tiếp tục đề xuất, giải trình các nội dung liên quan đến đề nghị Sở Tài chính tổ chức thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh giảm giá khởi điểm từ 144 ngàn đồng/m3 xuống 119 ngàn đồng/m3, để tiếp tục tổ chức bán đấu giá theo quy định. Chủ đầu tư cho rằng việc sớm bán đấu giá cát sau nạo vét tại sông Cổ Cò nhằm đảm bảo hoàn trả mặt bằng các bãi chứa cho các nhà đầu tư theo cam kết và tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Tuy nhiên, việc đấu giá không thành là do thị trường, rất khó để chủ đầu tư xác định đúng chính xác nguyên nhân để đề xuất phương án giải quyết phù hợp nhất. Chủ đầu tư cho rằng Ban Giao thông là Ban Quản lý dự án chuyên ngành được UBND tỉnh thành lập để giao làm chủ đầu tư và thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng. Đơn vị không có chức năng quản lý tài sản công và không có năng lực kinh nghiêm trong lĩnh vực quản lý, tổ chức bán tài sản công, trong khi tài sản bán đấu giá được xác định có giá trị rất lớn, do đó dẫn đến việc tổ chức bán đấu giá tài sản nêu trên kéo dài, không thành, chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ và có nhiều tồn tại khách quan. |