Đã có phương pháp ngăn chặn tình trạng bỏ cọc khi đấu giá đất
Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định, trong đó có phương pháp ngăn chặn tình trạng bỏ cọc khi đấu giá đất
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Lê Minh Ngân, trong thời gian qua, trên cơ sở nắm bắt thực tế và lắng nghe phản ánh, kiến nghị của các địa phương, người dân và doanh nghiệp về các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai, Bộ TN&MT đã tập trung nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành Luật Đất đai trong thời gian qua.
Cùng với đó, Bộ TN&MT tiếp tục chỉ đạo, phối hợp rà soát các quy định của pháp luật đất đai để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành.
Tuy nhiên, giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện còn hạn chế; điều kiện của người tham gia đấu giá, thời hạn phải nộp tiền của người trúng đấu giá và chế tài đối với việc không thực hiện thanh toán tiền trúng đấu giá… chưa thật chặt chẽ, tạo kẽ hở cho người tham gia đấu giá bỏ cọc, chậm thanh toán tiền trúng đấu giá.
Theo nhiều chuyên gia, do các quy định mức cọc từ 5 - 20%, thậm chí có nơi chỉ từ 3 - 5% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất là quá thấp, dẫn đến tình trạng bỏ cọc đấu giá đất tăng cao ở một số địa phương.
Do đó, dẫn tới việc doanh nghiệp tham gia đấu giá đất đưa ra mức giá thầu rất cao nhưng sau đó lại xin hủy, bỏ thầu, chấp nhận mất cọc như vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm trước đây, bởi số tiền cọc đó nếu tính ra chỉ rất nhỏ so với mục đích nhằm thổi giá của thị trường lên, giúp các khu đất liên quan theo đà khu đất đã đấu giá xong tăng giá.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2023. Theo đó, doanh nghiệp muốn tham gia đấu giá đất phải có khả năng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức, cá nhân khác để thực hiện dự án khi đấu giá thành công.
Hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá đất cũng phải nộp tiền đặt trước bằng 20% giá khởi điểm của thửa đất; nếu đấu giá đất để thực hiện dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện tương tự như doanh nghiệp.
Về điều kiện đối với đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất, Nghị định yêu cầu phải đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 119 của Luật Đất đai; Đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất; việc đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện đối với từng thửa đất.
Đặc biệt phải có quy hoạch chi tiết 1/500 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Kể từ thời điểm công bố kết quả trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.
Trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 68 Nghị định này thì người trúng đấu giá không được nhận lại tiền đặt cọc.
Đối với trường hợp người trúng đấu giá đã nộp nhiều hơn khoản tiền đặt cọc thì được Nhà nước hoàn trả số tiền chênh lệch nhiều hơn so với số tiền đặt cọc theo quy định.
Lý giải về ý kiến cho rằng, việc quy định cứng phải đặt cọc trước khoản tiền bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho rằng: "Đây là quy định phù hợp vì khi nâng mức tiền cọc cao sẽ khiến các doanh nghiệp phải xem xét kỹ khi tham gia đấu giá đất, không dám hủy thầu sau khi trúng do giá trị thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn. Là giải pháp góp phần tháo gỡ vướng mắc trong đấu giá đất trong quá trình dự án Luật đất đai, Luật đấu thầu sửa đổi đang hoàn thiện. Qua đó sẽ giúp ổn định thị trường đất đai, tránh hoạt động thổi giá, đầu cơ, tạo hệ lụy, bong bóng thị trường bất động sản quá lớn, gây nguy cơ tiềm ẩn rất lớn cho nền kinh tế"./.
Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Tổ chức thi hành Luật Đất đai, các Bộ: TN&MT, Tư pháp, Tài chính và NN&PTNT đã tham mưu xây dựng và trình Chính phủ ban hành 25 Nghị định (trong đó có 16 nghị định ban hành mới, 7 nghị định sửa đổi, bổ sung và 2 nghị định ban hành thay thế); các bộ, ngành đã ban hành 59 thông tư, thông tư liên tịch, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì ban hành 46 thông tư. Việc ban hành kịp thời, đồng bộ và khá đầy đủ các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thi hành, góp phần đưa Luật Đất đai đi vào cuộc sống.