A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bao giờ quy hoạch xong các tổ chức KH&CN công lập?

Để quốc gia phát triển nhanh, mạnh và bền vững, việc quy hoạch lại các tổ chức Khoa học & Công nghệ (KH&CN) công lập là việc cấp bách.

Chấm dứt lãng phí nguồn lực

Các tổ chức KH&CN công lập tại nước ta có lịch sử là được thành lập bởi Nhà nước, là các đơn vị trực thuộc các bộ ngành, tỉnh, thành phố. Với cơ chế “bao cấp” mấy chục năm qua nên các công trình nghiên cứu khoa học của các tổ chức KH&CN gần như không được đưa vào thực tế. Theo thống kê của Bộ KH&CN, trong số các công trình nghiên cứu được đưa vào sản xuất, công trình nghiên cứu khoa học của các tổ chức KH&CN công lập chỉ chiếm 7%, còn lại hơn 90% là nghiên cứu của các doanh nghiệp KH&CN ngoài công lập.

Bao giờ quy hoạch xong các tổ chức KH&CN công lập?
Viện Dệt may Việt Nam đi đầu trong thí điểm chuyển đổi mô hình tổ chức Nghiên cứu Khoa học công lập sang doanh nghiệp.

Theo TS Nguyễn Quân - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN, bức tranh hoạt động khoa học - công nghệ từ năm 1986 đến nay có "những khoảng tối", một số tổ chức khoa học - công nghệ Việt Nam hoạt động kém hiệu quả.

Nguyên nhân quan trọng do cơ chế. Ông Quân cho biết: "Hầu hết các tổ chức KH&CN hiện nay đều do các cơ quan Nhà nước thành lập ra (các bộ, ngành, địa phương), rất ít tổ chức khoa học - công nghệ do các thành phần kinh tế khác thành lập (tư nhân, tập thể...), hoạt động nặng tính bao cấp, bị ràng buộc bởi nhiều chính sách liên quan của Nhà nước. Quyền hạn của những người đứng đầu các tổ chức khoa học - công nghệ rất hạn chế. Muốn quyết định những vấn đề mang tính cấp thiết (về tài chính, tổ chức, nhân sự...) thúc đẩy sự phát triển nội tại của đơn vị, dù nằm trong tầm tay của họ, nhưng trên thực tế, người đứng đầu tổ chức KH&CN ấy lại không có thẩm quyền... Ngay bản thân hệ thống chính sách cũng chưa theo kịp thực tiễn, chưa thích ứng được với xu thế phát triển của nền kinh tế, trở thành rào cản kìm hãm sự phát triển nói chung và KH&CN nói riêng".

Cũng theo báo cáo của Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ KH&CN), giai đoạn 2017-2021 đã có sự thu gọn về đầu mối các tổ chức KH&CN công lập. Đến năm 2022, mạng lưới tổ chức KH&CN công lập còn 478 tổ chức gồm: 301 tổ chức trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đại học quốc gia, các tổng cục, học viện và các đơn vị tương đương; 170 tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh; 7 tổ chức trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Các tổ chức KH&CN công lập thuộc các bộ, ngành hoạt động trong lĩnh vực gồm: khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học nông nghiệp, khoa học tự nhiên, khoa học y dược, khoa học xã hội và khoa học nhân văn.

Ở địa phương, lĩnh vực hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập chủ yếu là lĩnh vực: khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học nông nghiệp, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, rất ít tổ chức hoạt động trong lĩnh vực khoa học nhân văn và lĩnh vực y dược.

Trong giai đoạn 2010-2020, Việt Nam có số lượng tổ chức KH&CN công lập được quốc tế xếp hạng gia tăng đáng kể, từ 4 tổ chức KH&CN công lập năm 2010 được tổ chức SCIMAGO đưa vào danh sách xếp hạng trong tổng số 6.459 tổ chức. Đến năm 2021, mới có 22 tổ chức được SCIMAGO xếp hạng trong tổng số 7.026 tổ chức nghiên cứu.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa tạo được một mạng lưới các tổ chức KH&CN công lập mạnh; năng lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các tổ chức còn hạn chế, số lượng các bằng sáng chế, giải pháp hữu ích và số bài báo công bố kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước còn chưa đồng đều; chưa thu hút được nhân lực trẻ vào làm việc tại các tổ chức KH&CN công lập thuộc các bộ, ngành và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, thiếu đội ngũ cán bộ nòng cốt, dẫn dắt nghiên cứu...; đầu tư phát triển cho tổ chức KH&CN công lập còn dàn trải.

Trước tình hình thực tế nêu trên, ngày 26/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến ngày 18/10/2021, Bộ KH&CN bắt đầu lấy ý kiến về Dự thảo Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Ngày bắt đầu lấy ý kiến: 18/10/2022, Ngày hết hạn lấy ý kiến: 18/11/2022). Nhưng cho đến nay quy hoạch vẫn chưa được ban hành, triển khai thực hiện.

Chuyển đổi thành doanh nghiệp

Mới đây, Bộ KH&CN đưa ra lấy ý kiến về Đề án Chuyển đổi mô hình các tổ chức KH&CN công lập. Đề án của Bộ KH&CN đã đưa ra một số ý tưởng về việc chuyển đổi phần lớn trong số gần 1.000 tổ chức KH&CN từ mô hình cũ sang hoạt động theo 3 loại hình mới.

Bao giờ quy hoạch xong các tổ chức KH&CN công lập?
Viện Dầu khí Việt Nam hội tụ đủ các yêu cầu chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động.

Thứ nhất, các tổ chức KH&CN nghiên cứu triển khai (chủ yếu là các trung tâm ứng dụng khoa học - công nghệ thuộc các bộ, ngành và các địa phương) sẽ chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp thuần túy (sản xuất - kinh doanh, không còn chức năng nghiên cứu khoa học).

Các trung tâm ứng dụng KH&CN trước đây không được hoạt động sản xuất - kinh doanh mà chỉ sản xuất thử, ứng dụng sau đó chuyển giao có điều kiện thuận lợi là nắm vững được công nghệ, có thể phát huy được khâu sản xuất kinh doanh nên được khuyến khích chuyển đổi thành doanh nghiệp thuần túy (công ty nhà nước, công ty cổ phần... hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước hay Luật Doanh nghiệp).

Thứ hai, là một số tổ chức KH&CN chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp KH&CN, dưới dạng công ty hoặc công ty mẹ - công ty con. Khác với doanh nghiệp thuần túy, các doanh nghiệp loại này vẫn tiếp tục chức năng nghiên cứu, triển khai và có thể được giao chức năng đào tạo, kết hợp với sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI) thuộc Bộ Công nghiệp đang được Chính phủ cho hoạt động thí điểm theo mô hình doanh nghiệp KH&CN. Ngoài việc được hưởng những ưu đãi từ cơ chế khuyến khích phát triển doanh nghiệp, các doanh nghiệp KH&CN còn được hưởng những ưu đãi từ chính sách phát triển khoa học - công nghệ - giáo dục vì có chức năng nghiên cứu và đào tạo.

Tương tự là Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) - đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) với nhiệm vụ chính là nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ chuyên ngành Dầu khí. Đây là đơn vị có bề dày thành tích cũng như các nghiên cứu ứng dụng trực tiếp vào thực tế sản xuất kinh doanh của Petrovietnam trong hơn 45 năm qua. Các kết quả nghiên cứu khoa học của VPI trong những năm qua đã góp phần tư vấn xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển của ngành, sáng tỏ cấu trúc địa chất, đánh giá tiềm năng dầu khí Việt Nam, nghiên cứu ứng dụng một số công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, gia tăng thu hồi dầu, lựa chọn quy trình công nghệ lọc hóa dầu, chế biến khí, giải quyết nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực an toàn và bảo vệ môi trường cũng như kinh tế và quản lý dầu khí…

Hiện nay, VPI là một tổ chức KH&CN hàng đầu của công nghiệp dầu khí Việt Nam, với một số lĩnh vực ngang tầm khu vực. VPI đủ cơ sở vật chất, trình độ quản lý cũng như năng lực để tự hoạt động trong môi trường cạnh tranh của khoa học công nghệ dầu khí thế giới.

Những năm gần đây, VPI đã liên tục tổ chức triển khai tái cơ cấu trong nội bộ của Viện, không chỉ giảm nhân sự, kiện toàn cơ cấu tổ chức mà Viện còn giải phóng cho các chuyên gia, cán bộ ngành Dầu khí ra khỏi cơ chế “xin - cho”, đáp ứng được các yêu cầu về tiền công, kích thích khả năng sáng tạo, tìm ra nhiều điểm đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam. Trong đó, đáng kể đến là chiến lược phát triển năng lượng xanh, công nghệ sản xuất hidro, amoniac xanh, công nghệ làm sạch môi trường, thu gom CO2…

Thứ ba, là các tổ chức KH&CN đăng ký theo Nghị định 10 tự trang trải toàn bộ chi phí hoạt động, tuân thủ Luật KH&CN. Đối với các tổ chức KH&CN nghiên cứu cơ bản (ví dụ viện toán, lý, hóa, khối nghiên cứu khoa học xã hội, các viện chiến lược chính sách...) - đơn vị có đặc thù sản phẩm mang tính trừu tượng... không thể chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp nên giữ nguyên, hoạt động theo Luật KH&CN, Nhà nước vẫn phải tiếp tục cấp kinh phí hoạt động theo nhiệm vụ được giao.

Có thể thấy rằng, dù Đề án chuyển đổi mô hình các tổ chức KH&CN vẫn còn là ý tưởng, quy hoạch vẫn chưa được phê duyệt nhưng nếu lãnh đạo Đảng và Nhà nước quyết tâm thực hiện việc “chuyển đổi” nêu trên sẽ tạo ra bước đột phá nâng cao hiệu quả hoạt động cho các tổ chức khoa học - công nghệ nói riêng, tạo nên một thị trường khoa học công nghệ có tính hiệu quả cao, tạo động lực thực tế trong quá trình thực hiện "khát vọng Việt Nam".

Tính đến tháng 6/2023, đã có 4 tổ chức KH&CN công lập đã thực hiện chuyển đổi thành công sang mô hình doanh nghiệp KH&CN, thuộc Bộ Công Thương và tập trung ở Hà Nội, gồm: Công ty TNHH một thành viên Viện Kinh tế - Kỹ thuật thuốc lá; Công ty TNHH một thành viên Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp; Công ty TNHH Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô; Công ty cổ phần - Viện Nghiên cứu Dệt May.

Tác giả: Chấm dứt lãng phí nguồn lực
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm