Áp dụng tiền lệ để khơi thông bế tắc
Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết Tổ công tác của Chính phủ đã chấp thuận 10 trong tổng số 20 nhóm kiến nghị của TPHCM nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản; những vấn đề còn lại thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị với Tổ công tác của Chính phủ để giải quyết kịp thời các khó khăn của doanh nghiệp. Đồng thời, trong 32 dự án đang bị vướng mắc mà thành phố báo cáo với Tổ công tác của Chính phủ, đến nay giải tỏa được cho 16 dự án.
Nỗ lực của Chính phủ nhằm giải tỏa những điểm nghẽn thủ tục pháp lý với ngành bất động sản là tin vui không chỉ của các doanh nghiệp trong ngành mà còn với nhiều khách hàng. Ảnh minh họa: H.P |
Ông Trần Hoàng Quân không cho biết cụ thể những nội dung đã được Tổ công tác của Chính phủ chấp thuận là gì, nhưng chắc chắn là nó có liên quan đến thủ tục pháp lý – thứ đã làm khó không ít doanh nghiệp bất động sản ở TPHCM trong những năm gần đây.
Nỗ lực của Chính phủ nhằm giải tỏa những điểm nghẽn thủ tục pháp lý đối với ngành kinh doanh bất động sản là tin vui không chỉ của các doanh nghiệp trong ngành, mà cũng là niềm mong mỏi của hàng chục ngàn khách hàng của họ.
Với các doanh nghiệp, tháo gỡ được các điểm nghẽn pháp lý cũng đồng nghĩa với việc khơi thông thanh khoản cho những dự án đã bị bất động trong suốt nhiều năm qua. Đây cũng có thể là phao cứu sinh, giúp nhiều doanh nghiệp bất động sản vượt qua sóng gió trong bối cảnh đang bị khủng hoảng vốn nghiêm trọng như hiện nay. Còn với khách hàng của họ, những gút mắc về thủ tục pháp lý được giải quyết sớm chừng nào thì cơ hội nhận được sổ hồng sẽ thành hiện thực sớm chừng đó. Nó không chỉ giúp người mua nhà xóa tan nỗi lo về pháp lý, mà còn góp phần nâng cao giá trị tài sản của họ. Cho đến nay TPHCM vẫn còn hơn 81.000 căn hộ chưa được cấp sổ hồng – một con số rất lớn.
Tình trạng dự án bất động sản bị bất động vì vướng các thủ tục pháp lý không chỉ diễn ra ở TPHCM, mà cũng là nỗi khổ của chủ đầu tư những dự án bất động sản cũng như những dự án có liên quan đến đất khác ở các tỉnh, thành trên khắp cả nước.
Chắc chắn rằng, trong những điểm nghẽn liên quan đến thủ tục pháp lý về đất đai xảy ra ở TPHCM sẽ có nhiều điểm tương đồng với các vướng mắc mà doanh nghiệp ở các địa phương khác đang phải đối mặt. Vì vậy, vấn đề đặt ra là, trước khi có thể sửa luật, cần có cơ chế để các vướng mắc mà Tổ công tác của Chính phủ đã và đang tiếp tục tháo gỡ cho TPHCM cũng được áp dụng cho các địa phương khác trong cả nước, và ngược lại.
Cụ thể, cũng tương tự như cơ chế án lệ bên ngành tòa án, các ngành khác, trong đó có lĩnh vực đất đai và kinh doanh bất động sản, cũng nên áp dụng cơ chế tiền lệ để giải quyết nhanh các điểm nghẽn nhằm mở đường cho phát triển.
Luật pháp cũng như cơ chế và chính sách chung thì phải công bằng trong áp dụng, không nên có ngoại lệ và cũng không nên có cá biệt. Vì vậy, áp dụng tiền lệ giải quyết ở TPHCM cho các địa phương khác, và ngược lại, là hợp lý và cũng là bảo đảm sự bình đẳng cho mọi doanh nghiệp hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.