A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạo "câu chuyện truyền thông" về địa phương trong thông tin đối ngoại

Các địa phương nghiên cứu, xây dựng chiến lược, chương trình truyền thông quảng bá hình ảnh một cách tổng thể; lồng ghép các hoạt động thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa trong triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội...

Sáng 7/8, tại Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại và nhân quyền năm 2024, ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình bày nội dung triển khai các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 15/4/2024 của Chính phủ về Chương trình hành động đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới gắn với đặc thù các tỉnh, khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ.

Tạo ra “câu chuyện truyền thông” về địa phương trong hoạt động đối ngoại
Đại biểu dự hội nghị

Lồng ghép hoạt động thông tin đối ngoại với chiến lược phát triển kinh tế

Theo ông Đinh Tiến Dũng, Chương trình hành động đã cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, 5 nhiệm vụ và giải pháp của Đảng đã được đề ra tại Kết luận số 57-KL/TW và là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao nhằm triển khai các nhiệm vụ một cách trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ Bộ Chính trị đã giao tại Kết luận số 57-KL/TW.

Chương trình được ban hành nhằm tăng cường tính chủ động, phối hợp trong công tác thông tin đối ngoại giữa các bộ, ban, ngành, địa phương; tạo sự thống nhất trong triển khai công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới, phát huy vai trò chủ trì quản lý Nhà nước về thông tin đối ngoại để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác này…

Từ các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp được đề ra tại chương trình, các địa phương cần tập trung nghiên cứu, căn cứ vào đặc điểm của từng vùng để đề xuất phương hướng, cơ chế, chính sách thúc đẩy thông tin đối ngoại phù hợp.

Ông Đinh Tiến Dũng đề xuất một cách làm mới trong công tác truyền thông quảng bá để các địa phương nghiên cứu, xây dựng chiến lược, chương trình truyền thông quảng bá hình ảnh một cách tổng thể; lồng ghép các hoạt động thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa trong triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; từ đó, làm cơ sở để triển khai hiệu quả quảng bá hình ảnh địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung ra thế giới.

Triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu địa phương, quảng bá văn hóa địa phương trên cơ sở đặc thù riêng của từng nơi, từ đó, thu hút các nguồn lực bên ngoài đầu tư cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nói riêng và liên kết vùng nói chung.

Trong chiến lược, chương trình truyền thông, cần ưu tiên sử dụng công cụ truyền thông mới, truyền thông hiện đại để quảng bá, lan tỏa hình ảnh địa phương đến cộng đồng quốc tế; đặc biệt, cần tập trung nắm bắt thông tin, thị hiếu, nhu cầu của người nước ngoài nhằm xây dựng nội dung quảng bá hình ảnh địa phương phù hợp, tạo ra các “câu chuyện truyền thông” về địa phương.

“Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương truyền thông quảng bá hình ảnh theo cách làm mới nhằm tăng sự nhận diện tích cực về hình ảnh địa phương, thúc đẩy tăng thứ hạng hình ảnh Việt Nam trên thế giới.

Theo đó, các địa phương cần xác định vị thế và thực trạng hình ảnh địa phương hiện nay; bối cảnh cạnh tranh của địa phương với các địa phương khác trong và ngoài nước; lợi thế cạnh tranh cụ thể và điểm khác biệt của địa phương; tìm hiểu đối tượng và xác định nhu cầu, mong muốn của đối tượng mục tiêu mà địa phương hướng đến và cuối cùng là lựa chọn kênh truyền thông để tiếp cận”, ông Đinh Tiến Dũng cho biết.

Tạo ra “câu chuyện truyền thông” về địa phương trong hoạt động đối ngoại
Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông tham luận tại hội nghị

Xác định lợi thế cạnh tranh cụ thể và điểm khác biệt của địa phương

Theo ông Đinh Tiến Dũng, với vai trò là địa bàn đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ của quốc gia, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có nhiều cơ hội để phát triển, quảng bá về vị thế, đặc trưng, tiềm năng của vùng.

Từ việc xác định các đặc trưng nổi bật của địa phương, từng địa phương sẽ thực hiện các kế hoạch phát triển tập trung vào các đặc trưng này.

Chẳng hạn, đối với các địa phương có vị trí địa lý đặc trưng nằm trên cửa ngõ hành lang kinh tế, là đầu mối giao thương quan trọng giữa khu vực các tỉnh Tây Bắc với các tỉnh Bắc Lào và các địa phương biên giới của Trung Quốc. Các địa phương này có tiềm năng trong việc phát triển kinh tế biên giới.

Trong khi đó, một số địa phương lại có nhiều thuận lợi trong việc phát triển du lịch gắn với lịch sử, văn hóa, có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, có bản sắc văn hóa đa dạng, một số địa phương khác trong vùng lại có khí hậu, thời tiết thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp, gắn với tăng trưởng xanh và bền vững...

Thực tế này cho thấy, vùng trung du và miền núi phía Bắc vẫn còn nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng chưa được phát triển tương xứng. Vì vậy, mỗi địa phương cần sớm ban hành cơ chế, chính sách để phát huy tính chủ động, nội lực phát triển, lợi thế của mỗi địa phương; tìm hiểu đối tượng và xác định nhu cầu, mong muốn của đối tượng mục tiêu (các nhà đầu tư nước ngoài, khách du lịch...) mà địa phương hướng đến.

Sau khi xác định lợi thế, điểm khác biệt của địa phương, các địa phương trong vùng cần tìm hiểu đối tượng mà các cơ chế, chính sách phát triển địa phương hướng đến, từ đó tìm ra biện pháp truyền thông phù hợp, xây dựng thương hiệu bền vững của địa phương; có kế hoạch theo dõi, cập nhật kịp thời những nhu cầu, mong muốn của đối tượng mục tiêu, từ đó bảo đảm rằng chiến lược, chương trình truyền thông luôn đáp ứng mục tiêu đề ra.

Để xây dựng chiến lược,chương trình truyền thông phù hợp cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư sinh sống trên địa bàn.

"Một chiến lược quảng bá hình ảnh địa phương thành công có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương: Giúp quảng bá văn hóa, con người, hình ảnh của địa phương; từ đó, kích thích hoạt động thu hút đầu tư, thúc đẩy các ngành nghề cùng phát triển; tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động; thúc đẩy việc giữ gìn và phát huy tiềm năng của tài nguyên du lịch; tăng cường hiểu biết giữa các dân tộc khác nhau trên thế giới"- Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm