Tuyến đường sắt lãng mạn nhất thế giới 'hồi sinh' nhờ người đàn ông yêu cái đẹp
Đây là một trong những điểm hẹn không thể bỏ qua cho du khách đến thăm Nhật Bản trong năm 2023 này.
Một đoàn tàu chỉ có 2 toa chạy xuyên qua những khu rừng xanh của tỉnh Fukushima. Khi băng qua cây cầu bắc qua dòng sông nước trong xanh, nó chạy chậm lại để hành khách có thể ngắm nhìn cảnh quan tươi đẹp như lạc vào thế giới cổ tích ấy. Người ta gọi đó là tuyến đường sắt "lãng mạn nhất thế giới".
Tuyến đường sắt Tadami dài khoảng 135km, chạy qua vùng Tohoku của hòn đảo Honshu, nối liền thị trấn lâu đài Aizu Wakamatsu (tỉnh Fukushima) với Koide (tỉnh Niigata).
Tuyến đường sắt Tadami đã hoạt động trở lại vào ngày 1 tháng 10 năm 2022, đúng vào mùa thu.
Phải ngừng hoạt động một thời gian khá dài nhưng tuyến Tadami đã hoạt động trở lại từ ngày 1/10/2022, lần đầu tiên kể từ năm 2011 khiến người dân địa phương và cả du khách đều vui mừng.
Hành khách được ngồi trên tàu không nhiều, nhưng đa số mọi người chỉ muốn đứng từ xa, ngắm nhìn đoàn tàu chạy qua một cây cầu sắt, tay giơ sẵn máy ảnh để không bỏ lỡ khoảnh khắc tuyệt đẹp. Đối với họ, cảnh tượng ấy giống như xem "một siêu mẫu sải bước trên sân khấu". Tuyệt diệu vô cùng!
Suýt rơi vào quên lãng
Tuyến Tadami có điểm khởi hành ở Ga Aizu Wakamatsu, thuộc thị trấn lâu đài cùng tên ở tỉnh Fukushima và kết thúc ở Ga Koide, Uonuma, tỉnh Niigata. Cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp với núi, rừng, hồ và tuyết trắng xóa ở khu vực này từng tạo cảm hứng cho nhà thơ haiku Matsuo Basho viết nên tác phẩm "Con đường hẹp đến miền Bắc sâu thẳm" vào năm 1689.
Những khung cảnh tuyệt đẹp dọc theo tuyến đường Tadami từ lâu đã mê hoặc "toritetsu" - những người đam mê đường sắt, thích chụp ảnh các đoàn tàu.
Tadami bị tàn phá nặng nề sau trận động đất đi vào lịch sử ở phía Đông Nhật Bản ngày 11 tháng 3 năm 2011, và sau trận mưa bão nghiêm trọng gây lũ lụt vào tháng 7 cùng năm đó. Lũ lụt đã làm sập 3 cây cầu dọc theo tuyến đường, làm hư hỏng các đoạn đường dài 113,6km trên tổng chiều dài 135,2km.
Vấn đề bắt đầu từ đây. Các nhà chức trách đã dự tính rằng rất khó để đưa tuyến đường sắt hoạt động trở lại vì nó sẽ tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ.
Nhà điều hành tuyến Tadami - Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản, hay còn gọi tắt là JR East - đã nối lại dịch vụ ở một số đoạn bị hư hỏng theo từng giai đoạn cho đến năm 2012. Tuy nhiên, đoạn 27,6km còn lại, bao gồm các cây cầu bị tàn phá, vẫn không nằm trong kế hoạch sửa chữa vào thời điểm đó.
Vào năm 2013, JR East đã công bố ước tính rằng sẽ tốn 8,5 tỷ yên để mở lại toàn bộ tuyến Tadami. Báo cáo của JR East cũng chỉ ra rằng số lượng hành khách trung bình hàng ngày trên mỗi km ở khu vực bị tàn phá chỉ ở mức 47 lượt/km/ngày vào năm 2010. Đồng nghĩa với việc tuyến đường này đã gây ra khoản lỗ ròng gần 330 triệu yên cho nhà điều hành ngay cả trước khi nó chưa bị tàn phá bởi thiên tai.
Các quan chức ở tỉnh Fukushima và các thành phố lân cận muốn hồi sinh tuyến Tadami. Thời điểm đó, JR East đã đề xuất 2 phương án: ngừng hẳn đoạn đường bị phá hủy và cung cấp dịch vụ xe buýt hoặc chính quyền địa phương san sẻ chi phí sửa chữa.
Nhưng người dân địa phương cũng bị chia rẽ về việc có nên sửa chữa đường tàu hay không. Ở nông thôn, với dân số ngày càng giảm, hầu hết mọi người di chuyển bằng ô tô. Một số người lập luận rằng tiền của người đóng thuế nên được sử dụng cho các dịch vụ phúc lợi và giáo dục, thay vì "hồi sinh" một tuyến đường tàu hỏa vốn chẳng sinh lời.
Tâm huyết của người đàn ông luôn yêu cái đẹp
Không can tâm để tuyến đường sắt xinh đẹp có lịch sử hàng trăm tuổi ấy trở thành đống sắt vụn hoang tàn, nhiếp ảnh gia 70 tuổi Kenko Hoshi ở Oku Aizu đã quyết tâm "hồi sinh" nó. Nhưng bằng cách nào?
Tất nhiên, ông không có đủ tiền để tài trợ giúp xây dựng lại tuyến đường, nhưng ông có tình yêu và chiếc máy ảnh là công cụ hỗ trợ đắc lực. Trong nhiều năm liền, suốt 300 ngày mỗi năm, ông Kenko cần mẫn ghi lại khoảnh khắc đoàn tàu Tadami nhỏ bé băng qua cây cầu vòm vào nhiều thời điểm khác nhau, bất kể thời tiết như thế nào.
Ông Kenko làm vậy là bởi ông tin rằng đoàn tàu nhỏ là báu vật của địa phương và không thể thiếu đối với Oku Aizu.
Ông nói: "Hầu hết cư dân đều là người già, phát triển hoạt động thương mại và sản xuất ở đây là điều bất khả thi. Vậy thì cách duy nhất để chúng tôi tồn tại là thu hút khách du lịch".
Trong khi người dân, chính quyền và công ty đường sắt đang tranh luận về sự cần thiết của tuyến Tadami, thì ông Kenko đã âm thầm sử dụng blog và phương tiện truyền thông xã hội để đăng tải những bức ảnh mình chụp.
Đó là những khoảnh khắc ấn tượng khi con tàu bé nhỏ chạy qua một đường hầm màu hồng đầy hoa anh đào tươi tốt vào mùa xuân; băng qua những thung lũng sông mù sương tựa vào những hàng cây xanh thẳm mùa hè; uốn lượn qua những con đường núi giữa sắc đỏ và vàng rực rỡ của mùa thu; và băng qua con đường bao phủ bởi tuyết trắng lấp lánh vào mùa đông.
"Tôi không phải là toritetsu, nhưng tôi yêu Oku Aizu", ông Kenko Hoshi nói. "Tuyến Tadami góp phần tô điểm, làm cho cảnh quan xinh đẹp của khu vực trở nên đầy màu sắc và quyến rũ hơn".
Ông Kenko sinh ra ở thị trấn Kaneyama, thuộc Oku Aizu. Đối với các gia đình ở quận Mifuke, nơi ông lớn lên, những chiếc thuyền gỗ đáy phẳng là phương tiện duy nhất để ra khỏi làng. Bản thân ông Kenko cũng từng sử dụng chúng để băng qua sông Tadami để đến trường.
Tuy nhiên, vào năm 1964, một trận lở đất đã xảy ra ở huyện và buộc người dân thị trấn phải di dời. Những chiếc phà cũng vì thế mà biến mất. "Tôi nhận ra rằng thật buồn khi mất đi quê hương của mình".
Ông Kenko đã nghỉ hưu sau hơn 40 năm làm việc tại một công ty xây dựng trong vùng. Ông chứng kiến các hoạt động kinh doanh bị ngừng khi các công trình công cộng địa phương giảm dần. Chính những trải nghiệm này đã thôi thúc ông có động lực để nối lại tuyến Tadami.
Ông Kenko Hoshi nổi tiếng trong cộng đồng của mình là "người đàn ông chụp ảnh tuyến đường sắt Tadami suốt 300 ngày một năm".
"Nếu không làm gì cả", ông Kenko nhớ lại, "thì toàn bộ vùng Oku Aizu có thể sẽ bị rơi vào quên lãng, và tôi có thể mất quê hương một lần nữa. Tôi không thể chịu đựng được khi nghĩ đến điều đó".
Năm 2010, ông Kenko đã nỗ lực để đưa những chiếc thuyền gỗ quay trở lại, dưới hình thức chuyến du lịch vượt sông Mugenkyo no Watashi, kéo dài từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 11.
"Tôi muốn thu hút du khách bằng cách 'đánh bóng' những viên ngọc địa phương vẫn bị ẩn giấu của khu vực này", ông nói và đưa ra ví dụ rằng vào mùa hè, khi nhiệt độ chênh lệch lớn giữa ngày và đêm, sương mù dày đặc bốc lên từ sông Tadami vào sáng sớm và tạo ra phong cảnh màn sương huyền diệu.
Một cảnh trong phim tài liệu "Mugen Tetsudo" ("Đường sắt mù sương huyền diệu") cho thấy Kenko Hoshi và những chiếc phà đáy phẳng.
Vào khoảng năm 2014, tuyến Tadami đã chứng kiến sự gia tăng lượng khách du lịch châu Á, chủ yếu đến từ Đài Loan, những người đã biết đến con đường lãng mạn này nhờ các bức ảnh của ông Kenko.
Họ tìm đến khu vực này và trải nghiệm đi tàu rồi dừng chân tại các điểm khác nhau dọc theo tuyến đường. Khi ấy, những người dân địa phương vẫn chưa dám tin rằng du lịch có thể mang lại nguồn thu nhập mới. Để giờ đây, khách du lịch đến nườm nượp, đi bộ thành hàng từ các nhà ga khác nhau đến các đài quan sát trên đỉnh đồi.
Ông Kenko nhớ lại: "Một số người từng cho rằng việc hồi sinh tuyến Tadami là lãng phí tiền thuế của người dân, nhưng giờ họ phải im lặng. Tôi nghĩ họ đã nhận ra tầm quan trọng của tuyến đường sắt đối với khu vực".
Khung cảnh nhìn từ bồn tắm suối nước nóng Tsuruno-yu, nằm gần Ga Hayato trên tuyến Tadami.
Ông Kenko thậm chí còn tổ chức một cuộc thi nhiếp ảnh ở Đài Loan. Cuộc triển lãm trưng bày các bức ảnh về tuyến đường Tadami đã thu hút hơn 13.000 người tới tham quan trong 10 ngày. Người ta gọi nó là "Đường sắt lãng mạn nhất thế giới".