Thần đồng chứng khoán Hàn Quốc: 12 tuổi xin bố mẹ 445 triệu đồng làm vốn, đầu tư cổ phiếu lãi tới 43%, quyết tâm trở thành "Warren Buffett thứ 2"
Cậu bé 12 tuổi đã bộc lộ tài năng khi đầu tư chứng khoán đạt hiệu quả vô cùng lớn, mở ước sẽ trở thành "Warren Buffett" trong tương lai.
Những đứa trẻ ở độ tuổi lên 10 thường sẽ dành thời gian để vui chơi hoặc đi học, nhưng một cậu bé 12 tuổi người Hàn Quốc lại cực kỳ hứng thú với cổ phiếu, hơn nữa còn thuyết phục bố mẹ mở cho mình tài khoản chứng khoán. Càng khiến người ta kinh ngạc hơn là, cậu nhóc này đã thu về khoản lợi nhuận lên tới 43% từ cổ phiếu vào năm 2020, trở thành "thần cổ phiếu" ở địa phương trong nháy mắt.
Lợi nhuận khổng lồ từ việc đầu tư cổ phiếu
Theo tin tức trên "Reuters", tháng 4 năm 2020 cậu bé Kwon Joon 12 tuổi người Hàn Quốc sau khi nghe một chuyên gia tài chính nổi tiếng phân tích tình hình cổ phiếu trên TV liền thuyết phục bố mẹ cho mình 25 triệu won (khoảng 445 triệu VND) làm vốn đầu tư.
Thời điểm đó thị trường chứng khoán Hàn Quốc vừa trải qua đại dịch Covid 19 mới và chỉ số chứng khoán tổng hợp (KOSPI) bước đầu phục hồi sau đợt giảm giá mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Cậu bé nói rằng bản thân rất tin tưởng các chuyên gia trên TV và khẳng định đây là một cơ hội đầu tư hiếm có.
Nhân lúc thị trường chứng khoán Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất, Kwon Joon dùng số tiền mình đang có để mua các cổ phiếu blue-chip như Samsung Electronics và Hyundai Motor. Cậu bé rất yêu thích tài chính, kinh tế, thậm chí còn thần tượng Warren Buffett và hy vọng bản thân sẽ trở thành một Warren Buffett thứ hai. Thay vì đầu tư lướt sóng Kwon Joon càng thích tuân theo triết lý đầu tư của Buffett, nắm giữ một cổ phiếu trong thời gian dài.
Năm 2020, thị trường chứng khoán Hàn Quốc tăng 27,5%, xếp thứ 3 trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Tuy thị trường đã thay đổi nhưng Kwon Joon muốn nắm giữ cổ phiếu trong 10 năm đến 20 năm để tối đa hóa lợi nhuận.
Trên thực tế, các nhà đầu tư mới vào nghề như Kwon Joon thường sẽ dùng những khoản tiền nhỏ lẻ để mua cổ phiếu nhằm tìm kiếm "giá trị đầu tư", nhờ đó góp phần làm tăng khối lượng giao dịch trên thị trường. Việc một lượng lớn nhà đầu tư cá nhân đổ vào giao dịch khiến thị trường chứng khoán Hàn Quốc càng trở nên sôi động, dữ liệu cho thấy khối lượng giao dịch của nhà đầu tư nhỏ lẻ Hàn Quốc năm 2020 chiếm hơn 67% tổng giá trị cổ phiếu, tăng hơn nhiều so với mức 48% năm 2019.
Thị trường có những thay đổi tích cực giúp các cổ phiếu mà Kwon joon nắm giữ tăng giá trị đáng kể, nhờ đó cậu bé đã kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ lên tới 43% trong năm 2020.
Đầu tư cổ phiếu ảnh hưởng đến con người và xã hội Hàn Quốc
Các trang báo Hàn Quốc đăng tải, trào lưu giao dịch cổ phiếu trực tuyến ngày càng phổ biến hiện nay đã có những ảnh hưởng và dần xóa mờ tư tưởng giáo dục truyền thống của những bậc phụ huynh ở Hàn Quốc.
Theo lời của mẹ Kwon Joon- bà Lee Eun-Joo, tấm bằng đại học hiện nay đã không còn quan trọng nữa. Bà lo ngại rằng dù học hành tử tế thì con mình cũng sẽ không thể cạnh tranh nổi khi cơ hội việc làm ngày càng ít đi. Vì vậy với tư cách là phụ huynh, bà chọn cách để con mình tiếp xúc với kinh doanh và đầu tư nhiều hơn.
Thống kê cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 15-29 tuổi ở Hàn Quốc tăng lên 27,2% vào tháng 1 năm 2020, dịch bệnh khiến tình hình này càng tồi tệ hơn. Ngay cả Kwon Joon cũng cảm thấy rằng trở thành nhà đầu tư giỏi sẽ tốt hơn thi vào một trường đại học danh tiếng.
Dữ liệu từ công ty chứng khoán Hàn Quốc Kiwoom Securities, trong 218.400 tài khoản giao dịch cổ phiếu ở lứa tuổi vị thành niên thì có khoản 70% tài khoản được tạo vào năm 2020, chiếm hơn ⅕ thị phần cổ phiếu Kiwoom.
Theo dữ liệu do cơ quan đăng ký và thanh toán chứng khoán Hàn Quốc công bố vào ngày 17 tháng 3 năm nay, tính đến cuối năm 2021 đã có khoảng 13,84 triệu tài khoản đầu tư vào 2426 công ty niêm yết, tăng 50,6%, lần đầu tiên vượt qua con số 10 triệu người.
Số lượng các nhà đầu tư chứng khoán trẻ ở Hàn Quốc tăng lên đáng kể do ảnh hưởng của các yếu tố thị trường và dịch bệnh. Trong số đó, không ít người bắt đầu nghiện cổ phiếu và không thể nào thoát ra được, hiện tượng này được gọi là "nghiện chứng khoán". Những người "nghiện chứng khoán" thậm chí còn phải nhờ bác sĩ tâm lý trị liệu vì đã nghiện quá nặng.
Trung tâm quản lý vấn đề cờ bạc Hàn Quốc cho biết, nơi này đã tiếp nhận hơn 1600 cuộc gọi tư vấn về trường hợp "nghiện chứng khoán" vào năm ngoái, tăng gần gấp đôi so với 2019, thời điểm trước khi đại dịch bùng phát.
Người phụ trách nói rằng nhìn chung những người "nghiện chứng khoán" khó nhận ra mình đã bị nghiện. Một số không biết được mức độ nghiêm trọng của vấn đề này cho đến khi họ thường xuyên mắc sai lầm trong công việc và bất hòa với các mối quan hệ xung quanh chỉ vì quá chú tâm vào cổ phiếu.
Đầu tư chứng khoán tuy có thể mang lại những lợi nhuận vượt ngoài sức tưởng tượng nhưng đồng thời nó cũng tiềm ẩn những rủi ro khó lường. Ảnh hưởng tiêu cực của cổ phiếu đến xã hội Hàn Quốc đang là vấn đề vô cùng nhức nhối và đáng để suy ngẫm.