Indonesia mở thầu 543.000 tấn gạo, giá gạo xuất khẩu dự báo sẽ tăng
Giá gạo xuất khẩu thế giới trong tuần này tiếp đà giảm, tuy nhiên được dự báo có thể tăng trong tuần tới do Indonesia vừa thông báo mở thầu 543.000 tấn gạo.
Giá gạo xuất khẩu “hạ nhiệt”
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của các nguồn cung trên thế giới gồm Việt Nam và Thái Lan tuần này có xu hướng giảm.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm 5 USD/tấn, còn 658 USD/tấn; trong khi đó gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan giảm khoảng 9 USD/tấn (phiên đầu tuần giảm khoảng 7 USD và phiên cuối tuần giảm 2 USD), xuống còn 623 USD/tấn.
Riêng gạo cùng phẩm cấp của Pakistan không biến động và giữ nguyên mức giá 598 USD/tấn trong tuần này.
Giá gạo xuất khẩu giảm tuần này |
Mặc dù giá gạo có phần “giảm nhiệt” trong thời gian gần đây song vẫn đang ở mức rất cao so với thời điểm trước khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thông dụng. Đáng chú ý, kể từ thời điểm quốc gia có tỷ trọng gạo trắng thông dụng lớn nhất thế giới này cấm xuất khẩu tới nay thì các quốc gia cung cấp gạo gồm Thái Lan, Việt Nam và một số nước khác đã “hưởng lợi”.
Số liệu từ hải quan các nước cho thấy, trong 10 tháng của năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, trị giá đạt gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân ước đạt 558 USD/tấn, tăng 15,3% so cùng kỳ năm 2022. Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam là: Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Bờ Biển Ngà. Dự báo, cả năm 2023 Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, tương đương giá trị 4,6 tỷ USD.
Trong cùng thời gian, xuất khẩu gạo của Thái Lan đạt 6,9 triệu tấn, trị giá 3,9 tỷ USD, tăng lần lượt 11,4% và gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nhà nhập khẩu hàng đầu là Indonesia, Mỹ, Nam Phi, Iraq và Trung Quốc. Tuy nhiên, Thái Lan đang xuất khẩu thuận lợi trong 2 tháng cuối năm 2023 nhờ nguồn cung của Việt Nam hạn chế. Dự kiến cả năm nay Thái Lan sẽ xuất khẩu từ 8,6 - 8,7 triệu tấn gạo.
Trong khi đó, Pakistan nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới không có số liệu chi tiết, nhưng theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo nước này, bình thường xuất khẩu gạo dao động từ 2 - 2,5 tỷ USD/năm nhưng năm 2023 có thể vượt mốc 3 tỷ USD. Bên cạnh đó, các nước Myanmar và Campuchia cũng được hưởng lợi khi nguồn cung quan trọng Ấn Độ ngưng xuất khẩu.
Nhu cầu bắt đầu tăng
Trong khi thị trường giá gạo toàn cầu có phần trầm lắng thì ở chiều ngược lại nhu cầu lại có xu hướng tăng.
Theo đó, nguồn tin từ trang tin SSRicenews vừa cho biết, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đã gửi thông báo mời thầu cung cấp gạo với số lượng lên đến 543.000 tấn. SSRicenews thông tin rằng, sản phẩm mà Indonesia muốn nhập là gạo trắng hạt dài 5% tấm.
Về nguồn cung, Bulog kỳ vọng là Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Pakistan và Campuchia. Thời gian nhận hàng hạn chót là vào ngày 30/1/2024.
Cũng theo Bulog, tính đến ngày 26/11, Indonesia đã nhập khẩu tổng cộng 3,3 triệu tấn gạo trong hạn ngạch nhập khẩu 3,8 triệu tấn trong năm. Lượng gạo nhập khẩu trong năm 2024 tiếp tục ở mức cao, theo kế hoạch hạn mức ít nhất 2 triệu tấn.
Theo các doanh nghiệp Việt Nam, việc Indonesia công bố mở thầu thời điểm này có thể sẽ kéo giá gạo biến động do nguồn cung vẫn đang thiếu hụt (Ấn Độ tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo trắng thông dụng đến hết năm 2024 và Việt Nam vẫn chưa vào vụ thu hoạch mới). Chính vì vậy, giá gạo toàn cầu có thể sẽ tăng trở lại vào tuần sau.