Người Thượng Hải rủ nhau mua thực phẩm số lượng lớn
Vài giờ trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực vào ngày 1/4, Ye Qiwei đã làm điều tương tự như hàng triệu người khác ở Thượng Hải: cô đặt một đơn hàng tạp hóa khổng lồ thông qua một ứng dụng giao hàng.
Người phụ nữ 33 tuổi này đã chi gần 500 nhân dân tệ (hơn 1,7 triệu đồng) tiền mua trái cây, rau và thịt - nhiều hơn mức mình cần. Ye nghĩ rằng, lệnh phong tỏa sẽ chỉ kéo dài vài ngày.
Mọi tính toán của Ye sau đó sụp đổ. Hơn một tuần sau, kho lương thực dự trữ của cô gần như cạn kiệt, còn chuỗi ngày phong tỏa vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Trong tòa nhà nơi Ye sinh sống, một cụ ông 80 tuổi cho biết đã phải ăn cơm không trong suốt 3 ngày.
“Tôi rất hoang mang khi biết sự việc này”, Ye nói.
Mua thêm thức ăn gần như là không thể. Giống như hầu hết 25 triệu cư dân của Thượng Hải, Ye và những người hàng xóm của cô bị cấm rời khỏi căn hộ của họ. Cách duy nhất để đặt hàng là sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến, nhưng hệ thống đã hoàn toàn quá tải.
Ye đã đặt báo thức lúc 6 giờ sáng và 8 giờ 30 mỗi sáng để cố gắng đặt hàng ngay khi dịch vụ bắt đầu hoạt động. Nhưng hiếm khi cô thành công. Cho đến nay, cô mới chỉ đặt hàng một hộp sữa và sáu củ khoai tây qua ứng dụng giao hàng.
Vì vậy, giống như nhiều cộng đồng khác trong thành phố, Ye và những người hàng xóm của cô quyết định tập hợp lại và giải quyết vấn đề của riêng họ.
Là một giám đốc điều hành quảng cáo, Ye đã đảm nhận vai trò điều phối viên “mua hàng theo nhóm” cho tòa nhà mình.
Cô lập ra một nhóm trên ứng dụng WeChat dành cho những ai có nhu cầu mua sữa và trứng. Sau khi có hơn 60 người đăng ký, cô đặt hàng số lượng lớn trực tiếp với một công ty thực phẩm, công ty này sẽ vận chuyển hàng đến khu dân cư bằng xe tải.
“Mua theo nhóm” đã nổi lên như một giải pháp cho hàng triệu người bị mắc kẹt trong nhà ở Thượng Hải, khi thành phố này đang phải vật lộn để đối phó với tình trạng đứt gãy dịch vụ giao hàng bởi nhu cầu quá lớn.
Thành phố này đang trải qua đợt bùng phát COVID-19 lớn nhất Trung Quốc kể từ sau Vũ Hán năm 2020. Các nhà chức trách Thượng Hải đã xác nhận gần 25.000 ca nhiễm mới vào cuối tuần trước.
Bắt đầu từ ngày 28/3, thành phố sẽ tiến hành phong tỏa theo hai giai đoạn. Phần lớn người dân vẫn bị cấm ra khỏi nhà hoặc khu dân cư nơi mình sinh sống. Lệnh cấm đồng nghĩa với việc giao hàng trực tuyến là cách duy nhất để người dân tiếp cận thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Tuy nhiên, mạng lưới hậu cần của thành phố đã gặp phải sự căng thẳng khổng lồ.
Nhu cầu hàng hóa tăng cao, nhưng hầu hết các cửa hàng, nhà hàng và chợ tạp hóa vẫn đóng cửa. Trong khi đó, các dịch vụ giao hàng trực tuyến trở nên quá tải do thiếu hụt tài xế.
Hậu quả là ngày càng nhiều trường hợp kêu cứu của người dân Thượng Hải. Họ phàn nàn rằng đã phải dành hàng giờ mỗi ngày để đặt hàng, nhưng thường không thành công. Tình trạng bất ổn công cộng đã gia tăng, khi chính quyền ghi nhận ngày càng nhiều vụ vi phạm lệnh phong tỏa.
Các quan chức địa phương đã cam kết thực hiện các biện pháp nhanh chóng để giải phóng nguồn cung hàng hóa và cho phép hàng nghìn nhân viên giao hàng trở lại làm việc. Trong một cuộc họp báo vào thứ Bảy tuần trước, Phó thị trưởng Thượng Hải Zong Ming đã thừa nhận những khó khăn mà nhiều người dân đang phải trải qua.
“Chúng tôi chưa hoàn thành công việc của mình đủ tốt và vẫn còn một khoảng cách lớn so với kỳ vọng của mọi người", bà Zong nói. “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để cải thiện.”
Trong khi đó, các cộng đồng đã liên kết với nhau để thành lập các nhóm mua hàng - mô hình đã giúp giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung bằng cách bỏ qua các dịch vụ giao hàng thông thường Meituan và Ele.me.
Khu phố nơi Ye sinh sống - một cụm gồm khoảng 50 khu chung cư ở phía Tây sông Hoàng Phố - bắt đầu hình thành các nhóm mua hàng vào đầu tuần này. Hơn 300 người hiện đã tham gia nhóm WeChat sữa và trứng của Ye.
Điều phối việc giao hàng là một công việc đòi hỏi nhiều sức lực. Mỗi lần như vậy, Ye phải tự mình thu tiền từ từng thành viên trong nhóm, sau đó điều phối toàn bộ quá trình mua hàng: liên lạc với nhà cung cấp, thông báo cho người dân về tình trạng giao hàng và tổ chức tình nguyện viên giao hàng đến cửa nhà của từng thành viên.
“Đôi khi, không có đủ người tham gia, có khi mọi người không thanh toán kịp thời. Mỗi khi nhìn thấy một chiếc xe tải giao hàng đi vào khu vực lân cận, cả khu lại náo động vì chúng tôi biết rằng thực phẩm sắp đến", Ye nói.
Tuy nhiên, các kế hoạch mua hàng theo nhóm cũng đang gây ra tranh cãi ở một số khu vực của thành phố.
Sau khi nghe tin một số hàng xóm của mình sắp hết lương thực, Zhao - sinh sống tại quận Từ Hối, đã tổ chức một kế hoạch mua rau theo nhóm cho cộng đồng của mình. Ông nói, số lượng thành viên đã tăng từ 20 lên hơn 400.
Nhưng vào chiều Chủ nhật, khi Zhao và một nhóm tình nguyện viên đi nhận hàng, các nhân viên bảo vệ và quản lý khu nhà đã từ chối cho phép họ ra ngoài. Họ nói rằng việc mua theo nhóm cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm.
“Tôi hiểu rằng họ lo ngại. Nhưng chúng tôi cũng cần ăn", ông Zhao nói. "Hiện 100 bao rau vẫn còn nằm trên đường bên ngoài khu nhà. Rất nhiều loại rau này được mua cho người cao tuổi. Tôi sẽ phải cáo lỗi với những người trong nhóm."