Kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch điện VIII
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo 92/TB-VPCP 2022 về kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Theo đó, ngày 14/3/2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham gia cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã kết luận như sau:
Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, cần phải sớm hoàn thành để làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ nguồn và lưới điện, bảo đảm vững chắc về an ninh cung ứng điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững quốc phòng an ninh của đất nước.
Đánh giá cao cố gắng, nỗ lực của Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Đây là một quy hoạch ngành rất khó, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng xanh, sạch diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và Việt Nam có cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Phát biểu của các đại biểu tham dự họp là rất tâm huyết, trách nhiệm, có tính xây dựng cao và cơ bản bám sát tinh thần chỉ đạo tất cả vì mục tiêu chung, phát triển bền vững đất nước, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Giao Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến tham gia tại cuộc họp để hoàn thiện Quy hoạch điện VIII.
Trong bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế trên thế giới có nhiều biến động, xu thế chuyển dịch sang nguồn năng lượng xanh, sạch diễn ra mạnh mẽ sau COP26 và thực tiễn phát triển rất nhanh của khoa học công nghệ, giao Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch điện VIII bám sát các yêu cầu sau:
Yêu cầu chung về Quy hoạch điện VIII phải bám sát các nghị quyết, kết luận có liên quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cam kết quốc tế của Việt Nam, trong đó, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55), các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới và cam kết của Việt Nam tại COP26.
Về quan điểm xây dựng phải hướng tới phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ, đặc biệt là nâng cao tính tự chủ của ngành năng lượng, giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc vào nước ngoài. Việc này liên quan trực tiếp đến quan điểm khai thác tối đa và hợp lý nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện như nguồn khí tự nhiên, năng lượng gió, mặt trời, sóng biển… đồng thời, cân đối sử dụng nguồn LNG nhập khẩu hợp lý.
Thường trực Chính phủ yêu cầu rà soát kỹ, toàn diện về phương án quy hoạch nguồn điện
Cần phân tích kỹ hiện trạng các nguồn năng lượng từ rẻ nhất đến đắt nhất và nghiên cứu xu thế trong thời gian tới. Xác định ưu tiên phát triển nguồn năng lượng nào trong từng thời kỳ quy hoạch để có hiệu quả kinh tế chung tốt nhất, gắn với việc bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống điện vùng, miền, quốc gia. Trên cơ sở đó, đề xuất xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để tổ chức thực hiện.
Phải phát huy và kế thừa các mặt tích cực, hiệu quả của Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đồng thời, phải khắc phục tối đa các mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém. Do vậy, nội dung phân tích đánh giá thực hiện Quy hoạch điện VII, Quy hoạch điện VII điều chỉnh cần bảo đảm đầy đủ, toàn diện, khách quan với tinh thần đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Trên cơ sở đó, kế thừa hợp lý, hiệu quả các nội dung của Quy hoạch thời kỳ trước, đồng thời nghiên cứu, kiên quyết điều chỉnh đối với các nội dung chưa sát với thực tiễn, kém hiệu quả.
Phải dự báo được tình hình trong nước, ngoài nước tác động như thế nào đến phát triển của ngành năng lượng, ngành điện trong thời gian tới để xây dựng được Quy hoạch điện VIII sát thực tiễn, có thể chủ động điều hành quy hoạch một cách thích ứng, linh hoạt và hiệu quả nhất. Cần phân tích toàn diện về địa chính trị, địa kinh tế, xu thế phát triển của khoa học công nghệ, đánh giá về giá cả năng lượng, bảo vệ môi trường...
Cân đối cung - cầu theo vùng, miền và toàn hệ thống điện quốc gia phải tối ưu nhất, cơ cấu nguồn điện hợp lý và hiệu quả kinh tế chung cao nhất, giảm truyền tải điện xa và giảm đầu tư lưới điện truyền tải liên vùng.
Yêu cầu chung về số liệu quy hoạch phải có độ chính xác cao nhất và có sự thống nhất trong tính toán Quy hoạch điện VIII với quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia khác có liên quan.
Quy hoạch điện VIII phải được hoàn thiện theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch; bảo đảm phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia; phải xây dựng tiêu chí xác định các dự án quan trọng, ưu tiên từng thời kỳ bảo đảm minh bạch, hiệu quả; ngoài việc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia của các chủ thể Quy hoạch theo quy định, cần lấy thêm ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và tham vấn ý kiến một số tổ chức quốc tế có uy tín quan tâm.
Về các nội dung Bộ Công Thương kiến nghị, Thường trực Chính phủ thống nhất cần tiếp tục rà soát hoàn thiện theo các yêu cầu nêu trên, cụ thể:
Rà soát kỹ, toàn diện hơn về phương án quy hoạch nguồn điện bảo đảm theo các yêu cầu nêu trên; lưu ý tính toán so sánh phương án phải đảm bảo số liệu khách quan, có nghiên cứu dự báo về giá năng lượng trong tương lai. Quy hoạch điện VIII phải đóng góp quan trọng vào thực hiện cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bám sát nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết 55 cũng như yêu cầu đặt ra về phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Đối với các dự án điện mặt trời đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh mà chưa triển khai thì đưa ra tiêu chí, điều kiện về giá mua điện, hiệu quả kinh tế, ổn định hệ thống điện quốc gia, cân đối vùng, miền để cân nhắc kỹ lưỡng thận trọng, báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét quyết định, nhưng phải bảo đảm thống nhất với các tiêu chí, nguyên tắc quy hoạch của giai đoạn mới và hiệu quả, khả thi. Rà soát kỹ lưỡng để nghiên cứu chuyển phần công suất điện mặt trời đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhưng chưa thực hiện và không đáp ứng mục tiêu hiệu quả kinh tế, nhất là giá mua điện để xem xét điều chỉnh quy hoạch. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm rà soát, đánh giá tác động, báo cáo Thường trực Chính phủ.
Đối với điện mặt trời mái nhà đã được đầu tư nếu đúng quy định, đúng mục đích, không lợi dụng cơ chế để trục lợi thì tính toán cân đối cho tiêu dùng điện (không đưa phần công suất 7.755 MW điện mặt trời mái nhà vào phần số liệu tổng công suất nguồn điện trong quy hoạch). Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm rà soát, kiểm tra lại việc này, cương quyết không hợp thức hóa cái sai và báo cáo Thường trực Chính phủ.
Đối với chủ trương phát triển điện hạt nhân nhằm bảo đảm an ninh năng lượng dài hạn và gắn với quá trình chuyển đổi năng lượng cần tiếp tục nghiên cứu thành chuyên đề riêng để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến; chưa đưa vào tính toán cân đối trong Quy hoạch điện VIII.
Đối với giải pháp điều hành quy hoạch phát triển điện lực quốc gia: Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đưa vào dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch điện VIII theo quy định.
Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẩn trương chỉ đạo Bộ Công Thương hoàn thiện Quy hoạch điện VIII để sớm tổ chức Hội nghị với các địa phương về nội dung này và triển khai các thủ tục tiếp theo theo quy định, hoàn thành phê duyệt Quy hoạch trong tháng 4 năm 2022.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Công Thương và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện.
An Vinh