Israel gặp khó khi Hiệp định đối tác chiến lược Nga - Iran đã có hiệu lực?
Đại sứ Iran tại Moskva - ông Kazem Jalali tuyên bố Hiệp định Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Nga và Iran đã chính thức có hiệu lực.
“Việc thực hiện Hiệp ước đã có tính ràng buộc”, nhà ngoại giao nhấn mạnh, đồng thời nêu rõ văn bản này đã có hiệu lực pháp lý ở cả hai nước sau khi hoàn tất mọi thủ tục cần thiết.
Việc ký kết thỏa thuận diễn ra vào ngày 17 tháng 1 năm 2025 tại Moskva giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Masoud Pezeshkian, là một bước đi quan trọng trong việc củng cố quan hệ song phương trong nhiều lĩnh vực, bao gồm chính trị, kinh tế, quốc phòng, năng lượng, văn hóa và an ninh.
Văn kiện này bao gồm phần mở đầu và 47 điều khoản, nhằm điều chỉnh quan hệ giữa Nga và Iran trong 20 năm, với khả năng tự động gia hạn thêm 5 năm.
Hiệp ước nhằm mục đích tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như kỹ thuật quân sự, chống khủng bố, phát triển cơ sở hạ tầng và các sáng kiến chung tại khu vực Caspian.
Một trong những mục tiêu chính của hiệp ước là giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt lên cả hai nước, cũng như mở rộng quan hệ thương mại và kinh tế.
Một khía cạnh quan trọng của thỏa thuận là hợp tác kỹ thuật quân sự. Nga cung cấp cho Iran máy bay huấn luyện cần thiết để đào tạo phi công vận hành các tiêm kích hiện đại như Su-35.
Thỏa thuận cũng quy định cuộc họp thường niên của những cơ quan công tác nhằm điều phối các dự án kỹ thuật quân sự, bao gồm tiến hành cuộc tập trận chung và trao đổi phái đoàn quân sự.
Hợp tác với Nga sẽ giúp Iran có thêm nguồn lực nhằm chống lại Mỹ và Israel.
Hợp tác kinh tế là trọng tâm của thỏa thuận. Nga và Iran đang tích cực phát triển nhiều dự án trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm phát triển mỏ dầu khí và các hoạt động hoán đổi.
Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 4 tỷ đô la, trong đó 2,7 tỷ đô la là hàng xuất khẩu của Nga, bao gồm thực phẩm, máy móc và thiết bị. Đổi lại, Iran đã tăng nguồn cung nông sản và công nghiệp hóa chất lên 15,8%.
Hợp tác trong khu vực Caspian cũng được ghi nhận trong thỏa thuận. Hai bên khẳng định thẩm quyền của các quốc gia trong việc giải quyết vấn đề liên quan đến biển và dự định thúc đẩy quan hệ đối tác đa phương trong khuôn khổ Thỏa thuận 5 bên.
Ngoài ra, Nga và Iran phối hợp nỗ lực trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và tìm cách đưa Iran gia nhập Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), mở ra những cơ hội mới cho hợp tác kinh tế.
Liệu thỏa thuận này có bao hàm sự bảo vệ quân sự trực tiếp cho Iran trong trường hợp xảy ra xung đột với các quốc gia khác hay không vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Điều này phản ánh mong muốn của cả hai bên nhằm tránh đưa ra cam kết quân sự trực tiếp, duy trì sự linh hoạt trong bối cảnh địa chính trị phức tạp, đặc biệt là khi quan hệ căng thẳng giữa Iran với Israel và Hoa Kỳ.