A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị Cấp cao ASEAN thảo luận về vấn đề Biển Đông, Ukraine

Hội nghị Cấp cao ASEAN đã kết thúc vào Chủ nhật sau 3 ngày hội đàm căng thẳng về cuộc xung đột Nga-Ukraine và tranh chấp trên Biển Đông.

Cuối tuần qua, Hội nghị Cấp cao ASEAN đã kết thúc tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, nơi các cuộc thảo luận giữa các nước Đông Nam Á và các cường quốc bao gồm Trung Quốc, Mỹ và Nga nêu bật sự chia rẽ sâu sắc về các vấn đề an ninh quan trọng.

"Chúng ta phải duy trì sự thống nhất của ASEAN trong bất kể hoàn cảnh nào vì lợi ích tốt nhất của cả khu vực", Thủ tướng Campuchia Hun Sen - Chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay, phát biểu khi trao quyền chủ tịch cho Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á, nơi quy tụ các nhà lãnh đạo ASEAN cũng như 8 đối tác lớn.

Tuyên bố dự kiến ​​của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á đã không được đưa ra ngay lập tức, trong bối cảnh các nguồn tin cho rằng Mỹ và Nga bất đồng về ngôn ngữ. Ngay sau Hội nghị Cấp cao ASEAN, Tổng thống Joe Biden sẽ tới Bali tham dự Hội nghị G20 và quan trọng không kém là cuộc gặp mặt trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Giới quan sát hy vọng cuộc gặp mặt đầu tiên của hai nhà lãnh đạo có thể xoa dịu căng thẳng giữa các siêu cường. Nhưng ở Campuchia, có rất ít dấu hiệu cho thấy Mỹ và Trung Quốc có thể tìm thấy nhiều điểm chung.

Tổng thống Biden đã kêu gọi một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương "tự do và cởi mở", đẩy lùi các yêu sách trên Biển Đông của Trung Quốc.

Một tài liệu của Nhà Trắng về Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á hôm Chủ nhật cho biết ông Biden nhấn mạnh rằng quyền tự do hàng hải và hàng không phải được tôn trọng ở cả Biển Hoa Đông và Biển Đông, tất cả các tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trong dự thảo tuyên bố của Hội nghị Cấp cao Đông Á, một số nhà lãnh đạo bày tỏ "quan ngại" về hoạt động cải tạo đảo và các hoạt động khác đã "làm xói mòn lòng tin và sự tự tin, gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực".

Chính quyền Bắc Kinh vốn luôn muốn các vấn đề tranh chấp hàng hải được giải quyết song phương, trước đó đã nhắc đến sự can thiệp của phía Washington. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói: "Chúng tôi có đầy đủ tự tin, trí tuệ và năng lực để nắm chắc chìa khóa của vấn đề Biển Đông trong tay".

Hôm Chủ nhật, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr khẳng định rằng luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển cần được tuân thủ ở Biển Đông, vốn là tuyến đường thương mại toàn cầu quan trọng.

Có rất nhiều vấn đề được bàn luận tại Phnom Penh tuần qua. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Hun Sen hôm thứ Bảy, ông Biden đã nêu "quan ngại" về các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia trên Vịnh Thái Lan.

Trong khi đó, một vấn đề an ninh cấp bách khác trong chương trình nghị sự hôm Chủ nhật là mối đe dọa từ các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Dự thảo tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á bày tỏ "những lo ngại nghiêm trọng" về sự gia tăng gần đây trong hoạt động thử tên lửa đạn đạo của chính quyền Bình Nhưỡng.

“Diễn biến đáng lo ngại này phản ánh sự gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới”, tài liệu từ Hội nghị thượng đỉnh Đông Á cho biết.

Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio muốn tìm kiếm sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các nhà lãnh đạo ASEAN trong việc đối phó với Triều Tiên. Ông gọi vụ phóng tên lửa đạn đạo gần đây của Triều Tiên là một "thách thức rõ ràng và nghiêm trọng đối với cộng đồng quốc tế".

Triều Tiên là chủ đề chính trong cuộc gặp ba bên giữa lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc hôm Chủ nhật. Ông Biden cho biết ba quốc gia đang "liên kết hơn bao giờ hết" trước mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.

Thủ tướng Nhật Bản cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, nơi chính quyền Bắc Kinh đã không giấu giếm ý định thống nhất Đài Loan.

Thấp thoáng trong tất cả các cuộc thảo luận tại Phnom Penh là cuộc xung đột ở Ukraine cách Đông Nam Á nửa vòng Trái đất.

Trong Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết các nhà lãnh đạo đã thảo luận về cuộc xung đột Nga-Ukraine, vốn đã gây ra làn sóng chấn động về kinh tế và an ninh ở châu Á.

Phát biểu trước báo giới, ông Albanese gọi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine là "sự vi phạm quy tắc luật pháp quốc tế, gây ra hậu quả kinh tế và chi phí lạm phát gia tăng do giá năng lượng trên toàn thế giới".

Dự thảo tuyên bố ban đầu của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á kêu gọi tôn trọng "chủ quyền, độc lập chính trị, toàn vẹn lãnh thổ" và nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc chấm dứt ngay lập tức các hành vi thù địch".

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có mặt tại Hội nghị để thúc đẩy lập trường của chính quyền Moscow.

Hãng thông tấn Tass của Nga cho biết ông Lavrov đã chỉ trích việc NATO mở rộng phạm vi hoạt động sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như cho rằng Mỹ cùng các đồng minh của họ đã không tính đến "lợi ích của hầu hết các quốc gia ở đây".

Bất chấp khoảng cách địa lý của Ukraine, các cuộc họp ASEAN năm nay đã trở thành một diễn đàn quan trọng để cả hai bên tranh luận. Ngoại trưởng Ukraine Dymtro Kuleba đã gặp những người đồng cấp bên lề hội nghị thượng đỉnh và kêu gọi các nước ủng hộ đất nước mình.

Bắc Hiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm