A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuộc đua bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn đang rất sít sao

Vào thời điểm chỉ còn 10 ngày nữa là diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn đang rất gay gắt. Khoảng cách giữa hai ứng cử viên là Phó tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đang cực kỳ sít sao.

Cuộc đua giữa Phó tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đang diễn ra gay gắt

Cuộc đua giữa Phó tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đang diễn ra gay gắt

2 xu hướng trái ngược sát ngày bầu cử

Theo kết quả thăm dò toàn quốc do CNN/SSRS thực hiện từ ngày 20 đến 23-10, tỉ lệ bầu cho bà Harris và ông Trum là ngang nhau với 47% chia đều cho mỗi bên. Các cuộc thăm dò do New York Times và Siena College thực hiện trong cùng khoảng thời gian đó cũng cho ra kết quả như nhau khi cả hai ứng cử viên đều có khả năng nhận được 48% số phiếu bầu.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là uy tín của ông Trump đang tăng dần theo thời gian. Trong cuộc thăm dò trước đó vào đầu tháng 10 của New York Times và Siena College, bà Harris dẫn trước ông Trump tới 3 điểm. Còn trong cuộc thăm dò của CNN/SSRS vào cuối tháng 9, bà Phó tổng thống cũng dẫn trước ông Trump 1 điểm.

Theo đánh giá của Fox News, kết quả của 2 cuộc thăm dò trên cho thấy bà Harris đang mất dần lợi thế vốn có. Trước đó, vào tháng 7, khi được bầu thay Tổng thống Joe Biden làm ứng viên Đảng Dân chủ, bà Harris có tỉ lệ ủng hộ cao hơn hẳn ông Trump. Nhưng tỉ lệ ủng hộ này đã giảm dần trong những tháng qua.

Một dấu hiệu cảnh báo khác với bà Harris là các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ dành cho bà từ các cử tri da màu thấp hơn tỉ lệ ủng hộ ông Joe Biden trong cuộc bầu cử hồi năm 2020. Trong khi đó, cuộc thăm dò của tờ Wall Street Journal (WSJ) cho thấy, ông Trump đã mở ra một khoảng cách hẹp trong cuộc đua tổng thống, khi cử tri có cái nhìn tích cực hơn về chương trình nghị sự và thành tích trước đây của ông. Theo kết quả thăm dò, ông Trump được 47% số người ủng hộ, dẫn trước 2% so đối thủ Harris (45%).

Một thống kê khác cho thấy so với các cựu ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử vào năm 2016 và 2020, hiện bà Harris đang làm không tốt bằng. Ở cùng thời điểm trước ngày bầu cử, bà cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và ông Biden dẫn trước ông Trump với khoảng cách lớn hơn nhiều, lần lượt là 6,1% và 9% trong các năm 2016 và 2020. Kết quả đó đang khiến những người ủng hộ đảng Dân chủ tỏ ra lo lắng về diễn biến bầu cử trong gần 10 ngày tới.

Một thông tin đáng chú ý khác là kể từ tháng 8, tỉ lệ cử tri có cái nhìn tích cực và không tích cực về bà Harris là ngang nhau, nhưng hiện tại, quan điểm không tích cực vọt lên 53% trong khi quan điểm tích cực chỉ là 45%. Bên cạnh đó, 42% cử tri tán thành và 54% không tán thành hiệu suất làm việc của bà.

Ngược lại, quan điểm về ông Trump đã trở nên lạc quan hơn. Cử tri đánh giá thời gian ông làm Tổng thống tích cực hơn bất kỳ thời điểm nào trong chu kỳ bầu cử này, với 52% tán thành và 48% không tán thành hiệu suất làm việc của ông khi tại nhiệm. Cử tri cũng dành cho ông Trump lợi thế vững chắc trong hầu hết các trường hợp khi được hỏi về chương trình nghị sự và chính sách của các ứng cử viên. Khoảng cách giữa tỉ lệ cử tri có quan điểm tích cực về kế hoạch kinh tế của ông Trump với tỉ lệ có quan điểm không tích cực là 10 điểm, trong khi tỉ lệ tương tự với bà Harris chỉ là 4 điểm.

Thêm vào đó, trong số 50 tiểu bang của Mỹ, hơn 40 tiểu bang có khuynh hướng khá rõ ràng là sẽ bầu cho Đảng Dân chủ hoặc Đảng Cộng hòa, chỉ có 7 bang là các ứng cử viên phải tranh giành nhau quyết liệt. Đây được gọi là các “bang chiến trường”, nơi quyết định kết quả bầu cử. Theo dự báo từ các tổ chức nghiên cứu tại Mỹ, ông Trump đang chiếm ưu thế tại các bang này.

Theo tổ chức phân tích FiveThirtyEight, ông có 51% cơ hội chiến thắng, nhà nghiên cứu người Mỹ Nate Silver đưa ra con số 53%, trong khi tờ The Economist đánh giá ông có 54% cơ hội. J.L. Partners, một công ty dự báo tại Anh, cũng ghi nhận ông Trump đã vượt qua ngưỡng 50% cơ hội chiến thắng. Còn báo Anh đánh giá cơ hội chiến thắng của ông Trump hiện tại là 66%.

Ba thách thức lớn của nước Mỹ

Dù kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra như thế nào thì người thắng cử cũng đứng trước 3 vấn đề lớn của nước Mỹ hiện nay là kinh tế, nhập cư và đối ngoại. Trong mấy năm gần đây, nước Mỹ đã tạo được gần 15 triệu việc làm, duy trì tỷ lệ thất nghiệp dưới 4% trong khoảng thời gian dài nhất trong 50 năm qua. Lạm phát tiếp tục giảm trong thời gian gần đây, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9-2024 là 2,4%, một sự cải thiện lớn so với mức tăng đỉnh 9,1% ghi nhận vào tháng 6-2022.

Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang liên tục tăng lãi suất, kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái mà vẫn thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 2,5% vào năm 2023. Tuy nhiên, 81% cử tri vẫn cho rằng, tình hình kinh tế Mỹ “bình thường” hoặc “kém”, chỉ có 19% cho rằng “tốt” hoặc “xuất sắc”.

Vấn đề là các cử tri không cảm nhận được sự cải thiện ở những chỉ số kinh tế vĩ mô. Đa số cử tri quan tâm hơn đến những yếu tố liên quan trực tiếp đến cuộc sống của họ như tiền lương và giá cả. Trong khi đó, giá thực phẩm và hàng tiêu dùng đã tăng 25% kể từ tháng 1-2020, giá nhà cũng lập kỷ lục mới với giá thuê nhà ở một số khu vực đã tăng gần 40% vào năm 2023.

Vấn đề người nhập cư từ các quốc gia Nam Mỹ và Mexico ở biên giới phía Nam cũng là chủ đề tranh cãi trong nội bộ nước Mỹ hiện nay. Dưới thời ông Biden, mức trần số người tị nạn đã được nâng lên 62.500 người vào năm 2021 và 125.000 người đối với các năm 2022, 2023 và 2024. Việc mở cửa cho người nhập cư, người tị nạn đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực.

Tính đến tháng 6-2024, người nhập cư đã đến 32 triệu người trên 169 triệu người đang tham gia thị trường lao động ở Mỹ và đang có tỷ lệ được nhận làm việc cao hơn và lương của người nhập cư tương đương 86.6% lương của người bản xứ. Việc nhiều người lao động nhập cư được tuyển dụng và chi phí trả thấp hơn đã tạo sự bất bình trong nội bộ nước Mỹ.

Cuối cùng là hàng loạt các vấn đề đối ngoại mà nước Mỹ phải giải quyết. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã mở “cuộc chiến” trừng phạt, cấm vận chưa từng có đối với Nga. Cuộc xung đột đến nay chưa có dấu hiệu chấm dứt, do vậy chính quyền Mỹ sẽ phải duy trì sự thống nhất với các đồng minh châu Âu để tiếp tục gia tăng sức ép lên Nga cũng như tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. Thêm vào đó, là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, Mỹ sẽ phải duy trì viện trợ quân sự, nguồn cung cấp vũ khí ổn định cho Ukraine trong bối cảnh bất đồng giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại quốc hội.

Tiếp đó là thách thức về sự cạnh tranh kinh tế và công nghệ với Trung Quốc. Trong năm 2022, Tổng thống Mỹ Biden đã đẩy cuộc cạnh tranh chất bán dẫn với Trung Quốc lên cao với việc ban hành Đạo luật khoa học và siết chặt xuất khẩu chíp bán dẫn sang Trung Quốc. Trong lĩnh vực kinh tế, dưới thời ông Trump, Mỹ đã nâng thuế với số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc. Bất kể ai trở thành Tổng thống Mỹ trong tương lai, cuộc cạnh tranh này vẫn tiếp tục căng thẳng.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm