Cân nhắc quy định UBND cấp xã ban hành quyết định phân cấp
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cân nhắc quy định UBND cấp xã ban hành quyết định để phân cấp vì nếu thực hiện phân cấp thì các cơ quan nhận phân cấp mới là chủ thể chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, có thể lại tạo ra cấp trung gian trong giải quyết công việc tại cấp chính quyền cơ sở...
Sáng 15/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, mục đích ban hành luật là sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Ban hành VBQPPL để bảo đảm thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (thay thế); yêu cầu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nêu rõ, dự án luật sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến xây dựng, ban hành VBQPPL của chính quyền cấp xã; vai trò tham gia của MTTQ Việt Nam trong xây dựng, ban hành VBQPPL; bổ sung một số quy định để đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định để tạo thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thi hành luật, nhất là khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Về bố cục, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL gồm 2 điều: Điều 1 sửa đổi, bổ sung sửa đổi, bổ sung 18 điều; Điều 2 về hiệu lực thi hành. Dự kiến luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Liên quan đến nội dung sửa đổi, hoàn thiện, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, khoản 1 và khoản 4 Điều 1 sửa đổi khoản 13, 14 Điều 4 và Điều 22 của luật năm 2025 theo hướng bỏ hình thức VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện; bổ sung hình thức VBQPPL của HĐND, UBND cấp xã để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới của chính quyền cấp xã...
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. |
Về nội dung bổ sung, dự thảo luật bổ sung quy định liên quan đến việc xử lý đối với các văn bản của các cơ quan có thẩm quyền ban hành VBQPPL khi sắp xếp tổ chức, bộ máy: Bổ sung điểm b khoản 2 Điều 54 của Luật về trường hợp HĐND, UBND của đơn vị hành chính mới ban hành VBQPPL hoặc văn bản hành chính để bãi bỏ VBQPPL của HĐND, UBND của đơn vị hành chính được nhập (khoản 14 Điều 1 dự thảo luật).
Đồng thời bổ sung khoản 4 vào Điều 72 của luật để xử lý VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện ban hành và hoàn thành việc xử lý trước ngày 1/3/2027 để bảo đảm tính thống nhất trong việc xử lý VBQPPL do cấp huyện ban hành và phù hợp với nội dung bổ sung tại điểm b khoản 2 Điều 54; sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 55 theo hướng VBQPPL của HĐND cấp xã, UBND cấp xã không được quy định hiệu lực trở về trước (khoản 15 Điều 1 dự thảo luật).
Cùng đó, bổ sung các quy định để đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Bổ sung yêu cầu thẩm định, thẩm tra về nội dung ứng dụng, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (khoản 8, 9, 10, 11 và khoản 12 Điều 1); quy định về trách nhiệm tham gia thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ; bổ sung nội dung đánh giá tác động kinh tế, xã hội phải đánh giá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (điểm b khoản 2 Điều 29); bổ sung nội dung thẩm định, thẩm tra: “việc ứng dụng, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số”; bổ sung thành phần hồ sơ: “Bản đánh giá thủ tục hành chính, việc phân quyền, phân cấp, việc ứng dụng, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; bảo đảm bình đẳng giới, chính sách dân tộc (nếu có)”.
Thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL với các lý do như được nêu tại tờ trình của Chính phủ; đồng thời, tán thành việc xây dựng, ban hành Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. Hồ sơ dự án luật bảo đảm đầy đủ, đúng quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định.
![]() |
Quang cảnh phiên họp. |
Dự thảo luật đã quán triệt, bám sát yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đồng thời, sửa đổi một số quy định của luật hiện hành để thuận lợi hơn trong triển khai thực hiện.
Về nội dung văn bản của UBND cấp xã (khoản 4 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 22 của Luật Ban hành VBQPPL), Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, khoản 3 Điều 22 được đề xuất sửa đổi quy định UBND cấp xã ban hành quyết định để phân cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cân nhắc quy định này, vì chính quyền cấp xã là cấp cơ sở nên phải gần dân, sát dân, trực tiếp và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Nếu thực hiện phân cấp thì các cơ quan nhận phân cấp mới là chủ thể chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, có thể lại tạo ra cấp trung gian trong giải quyết công việc tại cấp chính quyền cơ sở.
Về hiệu lực của văn bản quy định chi tiết, quy định biện pháp cụ thể để tổ chức, hướng dẫn thi hành VBQPPL (khoản 12 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 57 của Luật Ban hành VBQPPL), Chính phủ đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 57 từ chỗ quy định văn bản quy định chi tiết, quy định biện pháp cụ thể để tổ chức, hướng dẫn thi hành “tiếp tục có hiệu lực trong trường hợp không trái với VBQPPL thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung, trừ trường hợp được công bố hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần” thành “hết hiệu lực, trừ trường hợp được công bố tiếp tục có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần”.
Liên quan đến vấn đề này, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng quy định như Luật Ban hành VBQPPL hiện hành đơn giản, dễ nhận biết, bớt thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn trong tổ chức thực hiện, đề cao trách nhiệm của các cơ quan trong rà soát, hệ thống hóa VBQPPL.
Thực tế cho thấy trong không ít trường hợp nội dung văn bản quy định chi tiết phù hợp với VBQPPL mới nhưng vẫn phải ban hành văn bản quy định chi tiết mới để quy định lại nội dung của văn bản cũ dẫn đến hình thức, gây tốn kém chi phí, thời gian xây dựng, ban hành văn bản mới, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi phải cập nhật quy định mới…
Do đó, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị giữ quy định hiện hành về vấn đề này, sau thời gian thực hiện sẽ sơ kết, tổng kết, nếu có đủ cơ sở mới đề xuất sửa đổi.
Về quy định chuyển tiếp (khoản 18 Điều 1 của dự thảo luật), Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành đề xuất của Chính phủ quy định nội dung chuyển tiếp cho phép VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện tiếp tục có hiệu lực trong phạm vi địa giới của đơn vị hành chính cấp huyện trước khi sắp xếp cho đến thời điểm không áp dụng VBQPPL đó theo quy định tại VBQPPL của HĐND, UBND cấp xã sau sắp xếp hoặc có hiệu lực tối đa đến ngày 1/3/2027.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để quy định đầy đủ các trường hợp cần chuyển tiếp như được nêu trong Báo cáo thẩm tra đầy đủ để bảo đảm không tạo khoảng trống pháp luật do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.