Bộ Tài chính: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên
Bộ Tài chính đã ban hành Chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2025, thực hiện trên tất cả các lĩnh vực theo quy định. Chương trình được thực hiện với mục tiêu kiên quyết, đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan toả mạnh mẽ, nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, tăng tốc, bứt phá về đích. Phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025
Công khai, minh bạch để tạo điều kiện cho việc kiểm tra, thanh tra, giám sát THTK, CLP. Ảnh: IT
Theo đó, Bộ đã xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết trong từng lĩnh vực: Quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước (NSNN); quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp; tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động…
Căn cứ Chương trình THTK, CLP năm 2025 của Bộ Tài chính, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính triển khai ngay việc xây dựng và ban hành Chương trình THTK, CLP năm 2025 của đơn vị, Thể hiện rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với từng lĩnh vực quản lý, khoản mục chi ngân sách, từng đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc; tiêu chí đánh giá, chế độ tổng hợp báo cáo, kiểm tra, giám sát công tác tổ chức và triển khai thực hiện.
Quy định cụ thể biện pháp phòng, chống và hạn chế lãng phí các nguồn lực trong thực hiện hoạt động của đơn vị. Xây dựng, triển khai thiết thực các cuộc vận động, phong trào thi đua về THTK, CLP, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp toàn xã hội.
Chương trình cần phân công rõ người chịu trách nhiệm từng khâu công việc để gắn với trách nhiệm của từng cá nhân lãnh đạo và công chức, viên chức được giao thực hiện nhiệm vụ trong đơn vị và phải được ban hành thành văn bản làm căn cứ kiểm tra, giám sát.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP; thanh tra, kiểm tra, xử lý việc thực hiện các quy định của pháp luật về các lĩnh vực liên quan đến THTK, CLP tạo chuyển biến tích cực trong THTK, CLP tại cơ quan, đơn vị.
Các đơn vị xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra cụ thể, có giao chỉ tiêu liên quan đến THTK, CLP, trong đó: Xây dựng kế hoạch và tập trung tổ chức kiểm tra, thanh tra một số nội dung, lĩnh vực, công trình, dự án trọng điểm, theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Thủ trưởng các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra tại đơn vị mình và chỉ đạo công tác kiểm tra, tự kiểm tra tại các đơn vị cấp dưới trực thuộc.
Thủ trưởng đơn vị cấp trên có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện các quy định về công khai, minh bạch để tạo điều kiện cho việc kiểm tra, thanh tra, giám sát THTK, CLP.
Đối với những vi phạm được phát hiện trong công tác thanh tra, kiểm tra, Thủ trưởng các đơn vị phải khắc phục, xử lý hoặc đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý. Xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để xảy ra lãng phí tại cơ quan, đơn vị mình; trách nhiệm trong việc thực hiện kiểm tra, kịp thời làm rõ lãng phí khi có thông tin phát hiện để xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý có hành vi lãng phí.
Người đứng đầu đơn vị sử dụng NSNN phải thực hiện chế độ công khai theo đúng quy định của pháp luật, tập trung thực hiện công khai việc sử dụng NSNN và các nguồn tài chính theo quy định. Khuyến khích thực hiện hình thức công khai trên trang thông tin điện tử nhằm nâng cao hiệu quả và tiết kiệm (trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật).
Thực hiện công khai trong THTK, CLP đặc biệt là công khai các hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi lãng phí; nâng cao chất lượng và đổi mới cách thức đánh giá kết quả THTK, CLP đảm bảo so sánh một cách thực chất và minh bạch kết quả THTK, CLP giữa các cơ quan, đơn vị góp phần nâng cao hiệu quả công tác này.