“Ngoại giao gấu trúc” có làm ấm quan hệ Trung - Mỹ?
Trung Quốc vừa có động thái đáng chú ý khi gửi cặp gấu trúc đến vườn thú ở Thủ đô Washington của Mỹ, đánh dấu sự quay trở lại của chính sách “ngoại giao gấu trúc” trong bối cảnh quan hệ giữa hai cường quốc này vẫn trong tình trạng khá “giá lạnh”.
Cặp gấu trúc được đưa từ Trung Quốc tới Mỹ gợi nhớ chính sách ngoại giao gấu trúc giúp cải thiện quan hệ giữa hai quốc gia |
Những sứ giả hữu nghị
Cặp gấu trúc Bao Li (giống đực) và Qing Bao (giống cái), đều 3 tuổi, đã được đưa khỏi cơ sở nghiên cứu gấu trúc khổng lồ ở thành phố Đô Giang Yển, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) vào tối 14-10 giờ địa phương. Ngay trong sáng 15-10, chúng được đưa lên chiếc chuyên cơ đặc biệt Boeing 777 mang tên “Panda Express” để bay đến Thủ đô Washington của Mỹ. Cặp gấu trúc này được chăm sóc chu đáo trong suốt chuyến bay dài hàng chục giờ với các thức ăn như bánh ngô, măng, cà rốt, nước và các loại thuốc để “đảm bảo nhu cầu của Bao Li và Qing Bao trong suốt chuyến bay”.
Cặp gấu trúc Bao Li và Qing Bao cùng được đưa đến Vườn thú quốc gia Smithsonian ở Washington. Trước đó, hồi tháng 8, vườn thú thành phố San Diego của bang California của Mỹ cũng chào đón hai chú gấu trúc mới. Đây là những con gấu trúc đầu tiên được Trung Quốc gửi đến Mỹ sau 21 năm. Do đó, có thể hiểu vì sao sự mong đợi về sự xuất hiện của gấu trúc tại Washington rất cao, trên website Vườn thú quốc gia Smithsonian đăng tải dòng chữ: “Những chú gấu trúc đang đến”. Trong thông tin đăng trên X, vườn thú háo hức tiết lộ thêm rằng, “một thứ gì đó khổng lồ đang đến Washington”.
Sự hiện diện của cặp gấu trúc Trung Quốc tại Vườn thú quốc gia Smithsonian được kỳ vọng trở thành điểm thu hút du khách trong nhiều thập kỷ. Theo trang web của vườn thú, môi trường sống của gấu trúc đã được cải tạo “nhằm tăng cường sự an toàn cơ sở vật chất và tối đa hóa không gian cho gấu đi lại”. Các công trình mới được xây dựng dành cho gấu trúc bao gồm hồ nước nông để chúng có thể tắm và giá tre yêu cầu chúng bắt chước kỹ thuật kiếm ăn thường sử dụng trong tự nhiên. Tuy nhiên, chúng không thể tiếp cận công chúng trong hơn một tháng sau khi đến nơi vì cần được cách ly và thích nghi với môi trường sống mới. Ngoài việc thu hút du khách, việc đưa cặp gấu trúc Bao Li và Qing Bao đến Vườn thú quốc gia Smithsonian ở Washington, theo công bố, là để thực hiện thỏa thuận nghiên cứu và nhân giống kéo dài một thập kỷ giữa Trung Quốc và Mỹ.
Tuy nhiên, việc sau 21 năm, Trung Quốc mới gửi gấu trúc sang Mỹ làm gợi nhớ tới điều gọi là “ngoại giao gấu trúc” giữa hai cường quốc này. Trung Quốc từ những năm 1950 đã tiến hành chính sách ngoại giao sử dụng gấu trúc, thông qua việc tặng hoặc cho các quốc gia khác mượn gấu trúc để bảo tồn nhằm mở rộng ảnh hưởng quốc tế. Trung Quốc đã bắt đầu chính sách “ngoại giao gấu trúc” với Mỹ kể từ khi nước này gửi tặng cặp gấu trúc Ling Ling và Hsing Hsing đến vườn thú quốc gia của Mỹ vào năm 1972. Chính sách này cùng với “ngoại giao bóng bàn” đã mở đường cho chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972.
Đáng chú ý, tại cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Joe Biden bên lề Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 diễn ra tại San Francisco, bang California (Mỹ) hồi tháng 11-2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc có thể cử những chú gấu trúc mới làm “sứ giả hữu nghị giữa nhân dân Trung Quốc và Mỹ”. Bởi thế, theo giới quan sát, sự trở lại của chính sách “ngoại giao gấu trúc” là tín hiệu cho thấy đang có những mong muốn cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ vốn “lạnh nhạt” với những tranh cãi, va chạm, xung đột thương mại thời gian qua.
Để ngỏ khả năng cải thiện quan hệ Trung - Mỹ
Mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới Mỹ và Trung Quốc ở vào giai đoạn được cho thấp nhất kể từ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức năm 1979. Quan hệ Mỹ - Trung Quốc dần đi xuống khi Trung Quốc ngày càng trỗi dậy, trở thành đối thủ đáng gờm bậc nhất của Mỹ không chỉ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà trên bình diện toàn cầu.
Các chính quyền Mỹ gần đây xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược toàn cầu. Washington nhiều năm qua đã tiến hành điều chỉnh chiến lược toàn cầu, tiến hành xoay trục từ trọng tâm châu Âu chuyển dần về châu Á - Thái Bình Dương và nay mở rộng ra Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khu vực rộng lớn này trở thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách an ninh - quốc phòng của Mỹ. Đi liền với chuyển trọng tâm chiến lược về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ tiến hành điều chỉnh nhiều chính sách nhằm kiềm chế Trung Quốc. Đi đôi với đó là thúc đẩy thiết lập các mối quan hệ đồng minh chặt chẽ hơn, trong đó có Nhóm Bộ tứ “QUAD” (gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ).
Cùng với gia tăng căng thẳng về chính trị, ngoại giao, giữa Mỹ và Trung Quốc còn liên tục xảy tranh chấp và chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ… Bất đồng ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc đang xói mòn mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khiến hàng hóa Trung Quốc chỉ còn chiếm tỷ trọng nhỏ nhất trong nhập khẩu của Mỹ trong vòng 20 năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong năm 2023 là 500,3 tỷ USD, giảm 13,1% so với năm 2022. Đây là mức sụt giảm lớn nhất kể từ khi Hải quan Trung Quốc bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1995, giảm mạnh hơn so với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 hoặc thời kỳ bắt đầu xảy ra cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung từ năm 2018-2019. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 322 tỷ USD.
Từ khi Tổng thống Joe Biden tiếp quản Nhà trắng đến nay, quan hệ Mỹ - Trung Quốc vẫn không hạ nhiệt căng thẳng dù có cách tiếp cận “mềm” hơn so với chính quyền tiền nhiệm. Ngay trong năm đầu nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã có hàng loạt động thái cứng rắn, tiếp tục duy trì sách lược đối phó với Trung Quốc. Thậm chí, chính quyền Tổng thống Joe Biden còn quyết liệt hơn trong chính sách đối với Trung Quốc khi xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất”. Quan hệ Mỹ - Trung Quốc lao dốc không chỉ tác động tiêu cực tới hợp tác, lợi ích của chính hai cường quốc này mà còn ảnh hưởng rất lớn tới quan hệ quốc tế, cuốn không ít quốc gia, khu vực vào vòng xoáy. Trong khi đó, dù có là đối thủ cạnh tranh chiến lược toàn cầu, Mỹ và Trung Quốc cũng có rất nhiều lợi ích quan trong khác trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Với vai trò, ảnh hưởng và tiếng nói ngày càng quan trọng trong tất cả các vấn đề khu vực và toàn cầu, từ an ninh - quốc phòng cho tới kinh tế - thương mại, môi trường… cả thách thức an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống, Mỹ cũng như Trung Quốc khó có thể ứng phó, giải quyết nếu thiếu tiếng nói chung, sự hợp tác với nhau. “Phá băng”, “cài đặt” lại quan hệ Mỹ - Trung Quốc là những từ được nhắc tới trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Indonesia hồi tháng 11-2022, tuy nhiên điều đó lại chưa thấy thể hiện trên thực tế, các va chạm, xung đột, nhất là cuộc chiến thương mại vẫn xảy ra liên tục.
Quan hệ Mỹ - Trung có thể bớt “lạnh giá” hơn sau các chuyến thăm viếng các cấp, nhất là những cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình song không phải vì thế mà có thể chuyển biến đáng kể trong một sớm một chiều bởi còn quá nhiều nghi kỵ, bất đồng, cạnh tranh giữa hai bên. “Ngoại giao gấu trúc” xuất hiện trở lại liệu có làm quan hệ Trung Quốc - Mỹ bớt lạnh giá hay không? Điều đó còn cần thời gian mới có thể có câu trả lời.