A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Khi xảy ra khai thác khoáng sản trái phép thường có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm”

“Qua tổng kết thực tiễn cho thấy khi xảy ra các vụ việc khai thác khoáng sản trái phép ở địa phương thường có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm giữa chính quyền các cấp”, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Article thumbnail
Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh sẽ trả lời chất vấn về khai thác tài nguyên biển, khoáng sản. Ảnh: P.Thắng

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, sáng 4/6. Ông sẽ làm rõ giải pháp quản lý, khai thác tài nguyên biển, khoáng sản quý hiếm….

Thời gian trả lời chất vấn của Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường từ 8h10 sáng 4/6 đến 14h20 chiều cùng ngày.

“Chia lửa” cùng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và bộ trưởng các bộ: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Xây dựng, Giao thông Vận tải.

Các hệ sinh thái, tài nguyên biển đang suy thoái nghiêm trọng

Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh có báo cáo gửi Quốc hội về các nội dung liên quan đến nhóm chất vấn.

Đề cập đến tài nguyên biển, ông Khánh cho hay, biển Việt Nam có tài nguyên đa dạng, phong phú, gồm: tài nguyên vị thế; tài nguyên sinh vật và nguồn lợi thủy sản; các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển; rạn san hô; thảm cỏ biển; rừng ngập mặn; dầu khí và khoáng sản; năng lượng tái tạo; cảnh quan thiên nhiên; văn hóa vật thể và phi vật thể.

Việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên biển đã đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của đất nước.

GDP trung bình của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm khoảng 50% GDP của cả nước. Thu nhập bình quân/người của các địa phương ven biển đạt khoảng 97 triệu đồng năm 2022, cao hơn bình quân cả nước.

Do nhu cầu và sự phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động ở vùng bờ và trên biển, cộng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dẫn đến các hệ sinh thái, tài nguyên biển đã và đang suy thoái, diện tích bị thu hẹp nghiêm trọng.

Trong khi, theo ông Khánh, không gian biển chưa được khai thác, sử dụng tổng hợp hiệu quả. Quy mô kinh tế biển còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa kinh tế.

Một số ngành kinh tế biển mũi nhọn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, một số ngành thiếu sức cạnh tranh, đóng góp cho nền kinh tế còn thấp; khoảng cách giàu nghèo của người dân ven biển có xu hướng tăng.

Kết cấu hạ tầng vùng biển, ven biển chưa được xây dựng đồng bộ và hiện đại; nguồn lực về con người, tài chính và công nghệ còn thiếu và yếu…

Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 29 thế giới vào năm 2030 và sẽ vươn lên vị trí thứ 20 vào năm 2050 theo chỉ tiêu GDP đầu người theo sức mua tương đương.

Tăng trưởng của cả nước dự tính khoảng 6,5-7,0% trong thời kỳ 2021-2030; trong đó, 28 tỉnh, thành phố có biển đóng góp khoảng 65-70% vào tổng GDP cả nước.

Do đó, khai thác, quản lý hiệu quả, sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên biển quốc gia có ý nghĩa và tầm quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta để đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Nhiều giải pháp đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường đưa ra.

Bên cạnh chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh, ông Khánh nhấn mạnh định hướng tiếp thu, hoàn thiện và trình Quốc hội phê duyệt quy hoạch không gian biển quốc gia; đổi mới quản trị biển theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả.

Đi cùng là đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát; xử lý nghiêm tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên biển trái quy định, các hành vi gây ô nhiễm môi trường, làm suy thoái, huỷ hoại tài nguyên biển…

Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 55.887 tỷ đồng

Với tài nguyên khoáng sản, theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, tính đến tháng 12/2023, cả nước có khoảng gần 4.000 khu vực khoáng sản đang được hơn 3.300 tổ chức, cá nhân khai thác với gần 50 loại khoáng sản khác nhau.

Trong số gần 4.000 khu vực khoáng sản, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chiếm gần 3.000 khu vực với tổng trữ lượng được phê duyệt năm 2023 là gần 500 triệu m3; sản lượng khai thác vào khoảng 143 triệu m3.

Khoáng sản quý hiếm (kim loại quý: Vàng, bạc, đá quý, đất hiếm, bauxit, titan...), tính đến hết năm 2023, trên cả nước đã cấp 8 giấy phép thăm dò và 62 giấy phép khai thác (còn hiệu lực).

Về tài chính, ông Khánh cho biết, đến hết năm 2023, Bộ Tài nguyên Môi trường và các địa phương đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng với tổng số tiền phê duyệt trên 61.441 tỷ đồng. Số tiền đã thu được từ năm 2014 đến 31/12/2023 là 55.887 tỷ đồng.

Bộ Tài nguyên Môi trường, UBND cấp tỉnh còn thu trên 2.316 tỷ đồng tiền hoàn trả chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản, tính đến ngày 30/12/2023.

Đề cập đến hệ thống văn bản pháp luật về địa chất, khoáng sản, ông Khánh nêu, còn tồn tại, bất cập.

Theo ông, Luật Khoáng sản năm 2010 đã quy định về trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của chính quyền địa phương với vai trò trực tiếp quản lý địa bàn.

“Qua tổng kết thực tiễn cho thấy khi xảy ra các vụ việc khai thác khoáng sản trái phép ở địa phương thường có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm giữa chính quyền các cấp”, ông Khánh báo cáo Quốc hội.

Thêm nữa, phạm vi trách nhiệm quản lý chưa được quy định rõ ràng trong luật nên hiệu quả của việc xem xét, xử lý trách nhiệm nhằm răn đe còn chưa thống nhất, chưa rõ ràng giữa các địa phương.

Hệ thống thông tin dữ liệu về địa chất và khoáng sản cũng chưa có. Điều này, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản; hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khoáng sản chưa được đầu tư thích đáng…

Thời gian tới, ông Khánh cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xem xét trách nhiệm với các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng khoáng sản.

Đẩy mạnh điều tra, nghiên cứu và đánh giá các nguồn nguyên liệu làm cát nhân tạo tại các địa phương có nguy cơ thiếu hụt nguồn cát sông, nhằm đảm bảo tính bền vững về nguồn vật liệu xây dựng trong tương lai, cũng là định hướng được ông Khánh báo cáo Quốc hội.

Riêng tài nguyên khoáng sản đất hiếm, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường cho biết, sẽ sớm thực hiện đề án đánh giá tổng thể tiềm năng; bố trí nguồn ngân sách đảm bảo cho điều tra, đánh giá và thăm dò đầy đủ về tài nguyên, trữ lượng đất hiếm làm cơ sở hoạch định cho các mục tiêu phát triển của đất nước.

Xử nghiêm vi phạm, khai thác khoáng sản dần lập lại trật tự

- Giai đoạn 2012-2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành 256 cuộc thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản; xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 57 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung “tước quyền sử dụng giấy phép” và biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm gây ra” đối với một số tổ chức.

- Các bộ (Quốc phòng, Công an, Công Thương, Xây dựng, Tài chính, Lao động, Thương binh và Xã hội) đã thực hiện hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra liên quan đến lĩnh vực khoáng sản theo thẩm quyền; xử lý vi phạm hành chính hàng trăm tỷ đồng, cũng như tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm hành với các hành vi vi phạm.

- Hàng năm các địa phương tổ chức hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra và tiến hành xử lý vi phạm hành chính với số tiền hàng trăm tỷ đồng đồng thời tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm hành chính.

Việc xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đã dần lập lại trật tự trong khai thác khoáng sản, giảm dần các vụ vi phạm, tạo môi trường bình đẳng hơn trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, đồng thời buộc các tổ chức, cá nhân chấp hành đúng các quy định của pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm