Việt Nam – Hoa Kỳ khởi động đàm phán thương mại song phương: Hướng tới cân bằng, bền vững và cùng có lợi
Việt Nam xác định Hoa Kỳ là đối tác chiến lược toàn diện quan trọng, đồng thời đặt mục tiêu thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại giữa hai nước theo hướng cân bằng, ổn định, bền vững và hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ đã có cuộc điện đàm với Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson L. Greer để chính thức khởi động đàm phán vấn đề kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước. Ảnh: MOIT
Với tinh thần chủ động và thiện chí, Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ thương mại song phương theo hướng cân bằng, ổn định, bền vững và cùng có lợi.
Kích hoạt cơ chế đối thoại – đàm phán toàn diện
Ngày 12/4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 753/QĐ-TTg về việc thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ nhằm thúc đẩy quá trình trao đổi, thương thảo thỏa thuận thương mại song phương với Hoa Kỳ. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên được bổ nhiệm làm Trưởng đoàn; Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân làm Phó Trưởng đoàn. Thành phần đoàn còn có đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước và Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Ngay sau khi thành lập, Đoàn đàm phán Chính phủ đã bắt tay triển khai các hoạt động trao đổi cấp cao. Tối 23/4/2025, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên có cuộc điện đàm quan trọng với Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson L. Greer, chính thức khởi động tiến trình đàm phán song phương.
Tại cuộc điện đàm, hai bên nhất trí duy trì kênh trao đổi trực tiếp, định kỳ giữa trưởng đoàn và các nhóm kỹ thuật nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy tháo gỡ các vướng mắc và hướng đến một thỏa thuận phù hợp với đặc thù kinh tế – thương mại của cả hai nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Đ.H
Ngay sau điện đàm cấp cao, Bộ Công Thương đã nhanh chóng tổ chức các cuộc họp nội bộ, thiết lập cơ chế phối hợp liên bộ, liên ngành để tổng hợp, rà soát hệ thống văn bản, số liệu và các vấn đề tồn tại trong thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ. Trọng tâm là các mặt hàng đang chịu điều tra phòng vệ thương mại hoặc đối mặt với nguy cơ bị áp thuế cao như dệt may, da giày, thép, nhôm, gỗ, điện tử...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc đàm phán thương mại lần này là một phần trong tổng thể hợp tác chiến lược toàn diện đã được hai nước thiết lập từ tháng 9/2023. Đây là bước đi cần thiết, thể hiện vai trò chủ động của Việt Nam trong việc định hình quan hệ kinh tế lớn với đối tác hàng đầu, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người lao động trong nước.
“Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại theo hướng cân bằng, ổn định, bền vững, hiệu quả với Hoa Kỳ; các bộ ngành của Việt Nam sẵn sàng đàm phán xử lý những vấn đề Hoa Kỳ quan tâm, cùng với Hoa Kỳ tìm ra các giải pháp hợp lý để hai bên cùng có lợi, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Chiến lược “chủ động hội nhập” trong thế cạnh tranh toàn cầu
Các chuyên gia đánh giá, việc Việt Nam chủ động khởi động đàm phán thương mại song phương với Hoa Kỳ trong giai đoạn hiện nay là bước đi chiến lược, phù hợp với bối cảnh địa chính trị – kinh tế đang có nhiều biến động.
PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho hay trong khi Hoa Kỳ đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, thì Việt Nam – với lợi thế là một nền kinh tế đang nổi, có quan hệ ổn định, nguồn nhân lực dồi dào và năng lực sản xuất gia tăng – trở thành điểm đến hấp dẫn cả về đầu tư lẫn hợp tác thương mại.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long. Ảnh: Đ.H
Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội từ đàm phán, Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức không nhỏ, từ yêu cầu nâng chuẩn chất lượng hàng hóa, tăng cường minh bạch trong chuỗi cung ứng, đến các điều kiện về lao động, môi trường mà phía Hoa Kỳ rất quan tâm.
“Đàm phán lần này là dịp để Việt Nam tự soi chiếu lại năng lực điều hành thương mại quốc tế, khả năng ứng xử với rào cản kỹ thuật và pháp lý từ các nước phát triển. Nếu làm tốt, đây sẽ là cú hích cải cách cho toàn hệ thống quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu”, chuyên gia Ngô Trí Long bình luận.
Để thúc đẩy quá trình đàm phán nhằm xử lý các vấn đề kinh tế, thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, ngày 7/5/2025, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam – ông Marc E. Knapper. Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi sâu về tiến độ đàm phán, các điểm còn khác biệt và hướng xử lý.
Đại sứ Knapper bày tỏ sự đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng khung khổ đàm phán minh bạch, có sự tham gia của doanh nghiệp, đồng thời cam kết phía Hoa Kỳ sẵn sàng đối thoại dựa trên tinh thần hợp tác.
Ông cũng ghi nhận nhiều nỗ lực cải thiện môi trường pháp lý, quản trị minh bạch và cam kết phát triển bền vững mà Việt Nam đang thực hiện – yếu tố được Hoa Kỳ đánh giá tích cực trong tiến trình đàm phán.