A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP. Hồ Chí Minh: Nâng cao năng lực hệ thống logistics thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và liên kết vùng

TP.HCM cần phát huy được thế mạnh đưa logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn, nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước, kết nối thị trường quốc tế.

Sáng ngày 4/7, tại TP. Hồ Chí Minh, diễn ra Hội thảo “Nâng cao năng lực hệ thống logistics và cảng biển TP. Hồ Chí Minh hướng đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và liên kết vùng”, do Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC), Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam tổ chức.

TP. Hồ Chí Minh: Nâng cao năng lực hệ thống logistics thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và liên kết vùng
Đại biểu tham dự Hội thảo “Nâng cao năng lực hệ thống logistics và cảng biển TP. Hồ Chí Minh hướng đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và liên kết vùng”

Ngành logistics cần chuẩn bị về nhân lực

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS Nguyễn Đức Minh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại (Bộ Công Thương) - nhấn mạnh: TP. Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2030 phát triển cảng biển Thành phố đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao và đến năm 2050, xây dựng hoàn thiện cảng biển TP. Hồ Chí Minh đồng bộ, hiện đại ngang tầm với khu vực và thế giới, đáp ứng các tiêu chí cảng xanh. Đồng thời đáp ứng đầy đủ, hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế TP. Hồ Chí Minh nói riêng và lan tỏa ra cả nước.

Đứng trước cơ hội và thách thức của chiến lược đầu tư phát triển của hệ thống cảng biển, ngành logistics cần chuẩn bị về nhân lực, khoa học, công nghệ, kỹ thuật nhằm xây dựng và quản lý hiệu quả, khai thác tối đa, phát huy tiềm năng của cảng biển phù hợp với xu hướng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

TP. Hồ Chí Minh: Nâng cao năng lực hệ thống logistics thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và liên kết vùng
PGS. TS Nguyễn Đức Minh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại, phát biểu khai mạc hội thảo

“Tại hội thảo này, các doanh nghiệp sẽ nắm bắt rõ thêm định hướng phát triển của hệ thống cảng biển, xu hướng phát triển xanh và bền vững của logistics, các cơ sở đào tạo, giảng viên có thêm nhiều thông tin, cơ sở để xây dựng, cải tiến và phát triển chương trình đào tạo logistics. Cũng như giúp tăng cường tính kết nối giữa nguồn nhân lực đầu ra của nhà trường với doanh nghiệp, từ đó từng bước nâng cao hơn nữa năng lực của hệ thống logistics và chất lượng dịch vụ quản lý, khai thác cảng biển”- PGS. TS Nguyễn Đức Minh kỳ vọng.

Đưa logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn

Theo ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh có thuận lợi trong ASEAN về thương mại và vận tải quốc tế khi tiến hành hội nhập kinh tế quốc tế liên tục được mở rộng. Với góc nhìn đó, TP. Hồ Chí Minh cần đầu tư kịp thời cho lĩnh vực logistics để có thể duy trì và phát huy được thế mạnh là cửa ngõ giao thương của cả khu vực phía nam, đóng góp lớn hơn cho kinh tế Thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

TP. Hồ Chí Minh: Nâng cao năng lực hệ thống logistics thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và liên kết vùng
Ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh

TP. Hồ Chí Minh cũng xác định logistics có vai trò là một ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế, UBND TP. Hồ Chí Minh đã Phê duyệt đề án “Phát triển ngành logistics Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo đề án đã được phê duyệt TP. Hồ Chí Minh sẽ xây dựng 8 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750 ha, bao gồm: Cát Lái, Phú Hữu (TP. Thủ Đức với diện tích 292 ha); Long Bình (TP. Thủ Đức, diện tích 54 ha); Linh Trung (TP. Thủ Đức, diện tích 74 ha); Củ Chi (huyện Củ Chi, diện tích 15 ha); Tân Kiên (huyện Bình Chánh, diện tích 60 ha); Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, diện tích 100 ha); và xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn, diện tích 150 ha)… Ngoài ra, các dự án có chức năng “tương tự trung tâm logistics” như kho lạnh ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở Củ Chi… đang được các doanh nghiệp triển khai xây dựng.

Đặc biệt, nhằm phát triển logistics trở thành một ngành dịch vụ mũi nhọn và nơi trung chuyển, kết nối các luồng hàng lưu thông trong nước và xuất nhập khẩu, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030. Tỷ trọng đóng góp của logistics vào tổng sản phẩm (GRDR) Thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%, góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với tổng sản phẩm nội địa (GDP) quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10-15%.

TP. Hồ Chí Minh: Nâng cao năng lực hệ thống logistics thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và liên kết vùng

TS. Nguyễn Văn Vẹn - Viện trưởng Viện Kinh tế Ứng dụng, Đại học Tài chính - Marketing, trình bày tham luận "Thương mại điện tử trong lĩnh vực logistics và khai thác cảng biển" tại hội thảo

Tại hội thảo, các diễn giả, nhà khoa học đã chia sẻ, cung cấp thông tin về hoạt động phát triển và định hướng ngành logistics của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận với nhiều nội dung quan trọng, có ý nghĩa thiết thực như: Ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics và hệ thống cảng biển; giải pháp phát triển logistics xanh trong xu hướng phát triển bền vững đáp ứng xu hướng phát triển thành phố và giải pháp liên kết phát triển vùng; nhu cầu nguồn nhân lực cảng và logistics phục vụ cho mục tiêu phát triển TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung… nhằm giúp các doanh nghiệp ứng dụng trong các hoạt động sản xuất và kinh doanh, cũng như hướng tới mục tiêu phát triển, nâng cao hiệu quả, tạo động lực và nền tảng cho các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ xuất khẩu.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm