Tín hiệu tích cực của du lịch Việt Nam 6 tháng đầu năm
Chặng đường nửa đầu năm 2024 khép lại đánh dấu bước phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt Nam về cả số lượng khách và doanh thu từ du lịch. Các chỉ số của du lịch Việt Nam cơ bản đã vượt thời điểm địch COVID-19 bùng phát, hứa hẹn sự đột phá trong những tháng tiếp theo, hướng đến mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng trong năm 2024.
Được biết đến như là một trong những “điểm sáng” về sự phục hồi của du lịch, 6 tháng đầu năm nay, các địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đón gần 5,2 triệu lượt khách lưu trú, tăng 88% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đến Khánh Hòa ước đạt gần 2,4 triệu lượt khách, khách nội địa ước đạt 2,8 triệu lượt khách. Hàn Quốc, Trung Quốc, Kazakhstan, Thái Lan, Malaysia… là những thị trường khách quốc tế hàng đầu của du lịch Khánh Hòa. Tổng thu du lịch ước đạt hơn 26.072 tỷ đồng, tăng 97% so với cùng kỳ.
Khách quốc tế đến với Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Thành Nguyễn). |
Cũng giống như Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi ghi nhận sự “bùng nổ” của du lịch trong nửa đầu năm 2024. Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, lượng khách quốc tế đến với Thành phố trong 6 tháng đầu năm ước đạt trên 2,6 triệu lượt; số lượng khách du lịch nội địa vào khoảng gần 17,2 triệu lượt, đạt 45,1% so với kế hoạch năm 2024. Tổng thu du lịch 6 tháng năm 2024 ước đạt 92.643 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2023. Chính sự da dạng hóa các sản phẩm du lịch đã tạo lên sức hút của du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, đáng kể nhất chính là việc phát triển du lịch đường thủy; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch nông nghiệp, sinh thái gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Cùng với đó là loại hình du lịch ban đêm; du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng, Thạnh An, Cần Giờ,…
Khánh Hòa và Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là hai trong số rất nhiều minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt Nam trong những tháng gần đây. Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến với Việt Nam đạt trên 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 4,1% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Bên cạnh đó, lượng khách nội địa trong 6 tháng đầu năm đạt 66,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 436,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Chị Nguyễn Trà My, chủ một cơ sở lưu trú ở Thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, lượng du khách tăng mạnh so với năm trước; thời gian lưu trú của khách, nhất là khách quốc tế cũng dài hơn. Nhiều hoạt động du lịch, dịch vụ cũng phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu của du khách”.
Theo các chuyên gia kinh tế, du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ là kết quả có được từ nhiều nguyên nhân, nhất là nhờ chính sách thị thực thông thoáng và hiệu quả từ các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch quốc tế. Trong nửa đầu năm, du lịch Việt Nam được truyền thông quốc tế vinh danh ở nhiều hạng mục như Quốc gia an toàn nhất thế giới để ghé thăm 2024; Hà Nội là điểm đến ẩm thực hấp dẫn nhất; Phở Việt đứng thứ hai trong top 20 món nước ngon nhất thế giới hay Thành phố Hồ Chí Minh vào top 10 thành phố châu Á đáng đi du lịch nhất. Điều này đã góp phần làm tăng lượng khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam.
Thị trường du lịch nội địa tiếp tục có sự phát triển mạnh. (Ảnh: QĐ). |
Cùng với đó, việc phát triển, nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở du lịch, chất lượng các loại hình du lịch ở từng địa phương cũng đã giúp gia tăng sức hút của du lịch Việt Nam. Điều này lý giải dù là mùa thấp điểm du lịch quốc tế, nhưng lượng khách quốc tế trong tháng 6 vừa qua đến Việt Nam vẫn đạt trên 1,2 triệu lượt khách, cao hơn 5,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là một tín hiệu tích cực của thị trường du lịch quốc tế.
Charlotte, một nữ du khách đến từ Sydney (Úc) chia sẻ: “Gia đình tôi lựa chọn Việt Nam vì đây là điểm đến hợp lý hơn cả, nhất là sau khi khảo sát những chuyến du lịch đắt đỏ hơn đến Châu Âu hay Bắc Mỹ. Chúng tôi đã có chuyến đi kỳ nghỉ kéo dài 3 tuần để trải nghiệm và thăm thú những điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Tôi hài lòng với chuyến đi này và nhất định sẽ cùng người thân trở lại Việt Nam”.
Đối với thị trường du lịch nội địa, ngay từ tháng 4/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động chương trình kích cầu “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu”. Từ đó, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã tung ra các gói sản phẩm hấp dẫn, tổ chức sự kiện, lễ hội sôi động để thu hút khách. Do vậy lượng khách nội địa đã liên tục tăng nhanh qua từng tháng. Nếu như trong thời điểm “hậu COVID-19”, thị trường nội địa được xem như “chìa khóa” cho sự phục hồi của du lịch Việt Nam thì hiện nay, khách trong nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với sự bứt phá của ngành du lịch.
Những tín hiệu tích cực trong 6 tháng đầu năm cùng nhiều chương trình kích cầu, quảng bá, các chuyên gia cho rằng du lịch Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn như trước dịch COVID-19 và hoàn thành mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa trong năm 2024; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng. Qua đó, tiếp tục có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương và của cả nước./.