A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thừa Thiên Huế: Tăng tốc, tạo bứt phá trong phát triển

Năm 2022, Thừa Thiên Huế có 14/14 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,56%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Khu vực dịch vụ tăng trưởng 11,03%.

Thu ngân sách nhà nước đạt trên 12.700 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, trong đó, tất cả các khoản, mục thu đều tăng. Chi ngân sách ước đạt 11.791 tỷ đồng, bằng 98,9% dự toán.

 Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP)  của Thừa Thiên  Huế đạt 8,56%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. 

Nhiều kết quả đạt được ấn tượng

Đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết: “Trên tất cả cả lĩnh vực có sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022. Tổng lượt khách du lịch ước đạt trên 2 triệu lượt; doanh thu du lịch đạt khoảng 4.500 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,23 tỷ USD, tăng 11,4%. Nhiều hoạt động du lịch lễ hội, văn hóa đặc sắc được tổ chức, nhất là các chuỗi sự kiện, chương trình Festival Huế 2022 tạo điểm nhấn kích cầu, phục hồi phát triển du lịch. Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 10,02%. Một số sản phẩm chủ lực tăng trưởng cao như bia, sợi, may mặc, điện sản xuất... Một số dự án đầu tư mới đi vào hoạt động tạo tăng trưởng cho toàn ngành. Ngành nông nghiệp tiếp tục được cơ cấu lại. Diện tích lúa chất lượng cao tăng nhanh. Chăn nuôi đang có bước chuyển dịch từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung theo hướng công nghiệp, trang trại. Trồng rừng gỗ lớn được quan tâm. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả tích cực. Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt khá. Có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn tỉnh có 67/94 xã đạt chuẩn; trong đó, có 5 xã đạt chuẩn nâng cao, 2 xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu”.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu. 

Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, kết quả này đạt được chính nhờ tinh thần tổ chức thực hiện quyết liệt Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Địa phương cũng kịp thời tổ chức phổ biến, quán triệt, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, kết luận, chỉ thị... của Trung ương, Tỉnh ủy. Đồng thời, cụ thể hóa Nghị quyết 54 thành các nghị quyết chuyên đề để tổ chức thực hiện; Ban hành Chương trình của Tỉnh ủy triển khai Nghị quyết 38/2021/QH15 của Quốc hội về các cơ chế, chính sách áp dụng đặc thù đối với tỉnh; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế sau khi UBTV Quốc hội ban hành Nghị quyết 26, 272; đề án phân loại đô thị Phong Điền đạt đô thị loại IV.

Trong năm qua, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được chú trọng. Triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Kết luận 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Công tác tổ chức, cán bộ được triển khai đồng bộ; đã hoàn thành công tác Quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện kịp thời, đúng quy định, có hiệu quả.

 Tỉnh  Thừa Thiên Huế tập trung huy động tối đa các nguồn lực, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng phát triển đô thị, hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế.

Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Làm tốt công tác dân vận, nhất là dân vận trong giải phóng mặt bằng, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Công tác kiểm tra, giám sát được triển khai thực hiện hoàn thành Chương trình đề ra; kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Tăng cường khảo sát, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương của cấp ủy cấp trên đối với các đảng ủy xã, phường, thị trấn.

Tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW

Đồng chí Lê Trường Lưu cho biết, năm 2023, tỉnh Thừa Thiên – Huế đề ra mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 9 - 10%. GRDP bình quân đầu người: 2.670 - 2.760 USD. Năng suất lao động xã hội tăng 9 - 10%. Thực hiện việc đẩy mạnh phát triển mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu. Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ, du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp tạo giá trị gia tăng cao; nông nghiệp sạch, công nghệ cao; phát triển đô thị thông minh và bền vững.

Tỉnh tập trung huy động tối đa các nguồn lực, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng phát triển đô thị, hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới sáng tạo, xây dựng chính quyền điện tử, thông minh. Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Hoàn thành các chương trình, đề án phục vụ mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế thành phố trực thuộc Trung ương. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững. Bảo đảm quốc phòng, an ninh; làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

 Năm 2023, Thừa Thiên Huế tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, Nghị quyết 83/NQ-CP, Nghị quyết 38 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế.

“Năm 2023, Thừa Thiên Huế tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, Nghị quyết 83/NQ-CP, Nghị quyết 38 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế; Chương trình hành động 69-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW; Chương trình 12-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 38 của Quốc hội; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Tỉnh tập trung xây dựng hoàn thành, bảo đảm chất lượng, tiến độ các quy hoạch, đề án: Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065; Đề án phân loại đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương; Đề án phân loại đô thị loại IV đối với đô thị Phong Điền; Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế”. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.

Tập trung triển khai hiệu quả các quy hoạch, đề án: Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030, Xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 Thừa Thiên Huế tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành du lịch, nhất là giải pháp về công nghệ số, phát triển thị trường, sản phẩm và chiến lược quảng bá du lịch.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế. Trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn, đón khoảng 3,5 - 4 triệu lượt khách. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ có lợi thế, giá trị gia tăng cao để kéo dài thời gian lưu trú và nâng cao khả năng chi tiêu của du khách.

Tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành du lịch, nhất là giải pháp về công nghệ số, phát triển thị trường, sản phẩm và chiến lược quảng bá du lịch; xây dựng Đề án phát triển kinh tế đêm; các chương trình kích cầu du lịch. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và khởi công mới các dự án hạ tầng kết nối các điểm du lịch. Xúc tiến đầu tư khai thác các đường bay mới từ các thị trường du lịch tiềm năng; kết nối các hãng lữ hành lớn. Đầu tư phát triển hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm cao cấp, khu dịch vụ đa chức năng. Chú trọng kết nối, tiêu thụ sản phẩm của địa phương.

Để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong năm 2023, việc chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng có ý nghĩa rất quan trọng đối với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Tỉnh ủy chỉ đạo các đơn vị phải  triển khai và thực hiện tốt công tác phổ biến, quán triệt, cụ thể hóa và sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác dân vận. Tập trung tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, cải cách hành chính; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng tham mưu của các cơ quan, ban, ngành. Đẩy nhanh việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập.

 Năm 2023 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, tỉnh xác định đây là năm tăng tốc, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến trình xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị.

Ban hành và triển khai tốt Đề án chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế; đẩy mạnh phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Tích cực phối hợp triển khai chương trình ký kết hợp tác với các tập đoàn viễn thông về đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các vụ việc nổi lên. Thực hiện tốt quy định về tiếp dân, xử lý, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo bảo đảm đúng thời gian, quy định, không để tồn đọng kéo dài và khiếu kiện vượt cấp. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực….

“Năm 2023 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, tỉnh xác định đây là năm tăng tốc, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến trình xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị. Với tinh thần, ý chí quyết tâm cao, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân toàn tỉnh, tin tưởng kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phục hồi và phát triển, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặt nền móng vững chắc cho mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị” - đồng chí Lê Trường Lưu khẳng định./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm