Tháo gỡ khó khăn trong phát triển điện khí
Tại hội thảo “Quy hoạch điện VIII – Vai trò của điện khí trong nền kinh tế Việt Nam”, các đại biểu cho rằng cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện phát triển hiệu quả các nguồn điện nói chung và dự án điện khí nói riêng, góp phần tăng cường đảm bảo an ninh năng lượng trong những năm tới.
Ngày 21/4, Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) và Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương tổ chức hội thảo “Quy hoạch điện VIII – Vai trò của điện khí trong nền kinh tế Việt Nam”. Hội thảo có sự đồng hành tài trợ của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS).
Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII thì giai đoạn 2026 – 2030, các dự án nhà máy nhiệt điện thuộc chuỗi dự án Cá Voi Xanh và Lô B sẽ là nguồn điện chính cung cấp bổ sung cho hệ thống điện quốc gia tại khu vực miền Trung và miền Nam; khu vực miền Bắc bổ sung thêm 5 dự án sử dụng khí LNG với tổng cộng suất 6.600 MW để đảm bảo chạy nền, giảm truyền tải trên đường dây 500kV.
Bên cạnh đó, các dự án điện - khí được triển khai đầu tư xây dựng phù hợp Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và cam kết của Việt Nam đưa mức phát thải ròng về “Net-zero” vào năm 2050 tại Hội nghị COP26.
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam cho biết: “Khác với năng lượng tái tạo, điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) có ưu điểm linh hoạt, có thể thay đổi khi cần, lượng phát thải carbon thấp hơn một nửa (50%) so với nhiệt điện than. Đồng thời điện khí hóa lỏng có khả năng đạt hơn 90% hệ số công suất khi cần thiết, thời gian xây dựng và đưa vào vận hành nhanh đáp ứng được tình trạng thiếu điện nếu có, không gặp phải tình trạng gián đoạn và phụ thuộc vào thiên nhiên như điện gió hay điện mặt trời".
Ban chủ tọa hội thảo “Quy hoạch điện VIII – Vai trò của điện khí trong nền kinh tế Việt Nam”
Ông Lã Hồng Kỳ, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực nhận định, tiến độ các dự án nhà máy nhiệt điện khí hiện nay quá chậm so tiến độ Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Ông Lã Hồng Kỳ cũng chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc chính cần tháo gỡ cho các dự án điện khí trọng điểm.
Thứ nhất, phải triển khai đảm bảo tiến độ đồng bộ các dự án trong chuỗi dự án. Đối với phát triển điện khí, ngoài một số khó khăn như các dự án điện thông thường còn có đặc thù là chuỗi dự án điện – khí bao gồm nhiều dự án thành phần (phát triển mỏ khí tự nhiên/nhập khẩu khí; vận chuyển, bồn chứa; các nhà máy điện). Vì vậy, việc phát triển các chuỗi dự án này đòi hỏi tính đồng bộ cả về kỹ thuật và hiệu quả đầu tư của từng dự án thành phần, tính hiệu quả của từng dự án thành phần phụ thuộc vào nhiều yếu tố, khó lường trước, gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư.
Các dự án này thường có thời gian thực hiện kéo dài, do nhiều chủ đầu tư khác nhau (bao gồm cả chủ đầu tư nước ngoài) thực hiện, chịu sự điều chỉnh của nhiều bộ luật liên quan. Vì vậy, trong quá trình triển khai khó lường hết được những vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của cả chuỗi dự án.
Thứ hai, đảm bảo lợi ích các bên tham gia đầu tư chuỗi dự án: phân bổ khối lượng khí cho cả đời dự án nhà máy điện hạ nguồn. Trách nhiệm tìm nguồn nhiên liệu khí thay thế cho các nhà máy nhiệt điện khí hạ nguồn khi mỏ khí vào giai đoạn suy giảm.
Sản phẩm cuối của chuỗi dự án là điện thương phẩm bán tới các hộ tiêu thụ, do vậy mọi chi phí được phản ánh qua giá bán điện, dẫn tới cần có cơ chế đảm bảo hài hòa lợi ích các bên tham gia chuỗi và EVN.
Thứ ba, về cơ chế chính sách: do giá thành sản xuất điện các nhà máy nhiệt điện khí hạ nguồn cao dẫn tới khi tham gia thị trường điện khó cam kết tiêu thụ hết sản lượng khí thượng nguồn, do vậy cần có cơ chế chính sách về chuyển ngang sản lượng khí cam kết.
Chưa phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) nên ảnh hưởng tới tiến độ thi công xây dựng một số dự án điện khí cập nhật chuyển đổi nhiên liệu, thay đổi công suất và đấu nối truyền tải giải tỏa công suất...
Chưa xây dựng và ban hành khung giá phát điện đối với các nhà máy điện khí do vậy, chủ đầu tư và bên mua điện gặp khó khăn trong đàm phán giá điện áp dụng cho dự án....
Thứ tư, đàm phán tiêu thụ, mua bán khí: các nhà máy điện khí sử dụng nhiên liệu LNG, hoặc các nguồn khí thiên nhiên nội địa có giá cao đòi hỏi nhà nước cần có chính sách chuyển ngang toàn diện (cả về giá và khối lượng bao tiêu) từ các hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện. Do chưa giải quyết được các vấn đề mấu chốt về khung pháp lý liên quan nên sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến các dự án/mục tiêu nhập khẩu khí LNG để phát điện, dẫn tới khó khăn trong phát triển dự án.
Tại hội thảo, TS. Vũ Quang Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhiệt điện khí như cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, các quy định để hỗ trợ cho phát triển nhiệt điện khí, đảm bảo phát triển điện khí phù hợp với tình hình hệ thống điện.
Hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý vận hành chuỗi khí – điện nhằm thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư điện LNG theo hình thức đầu tư (IPP) quy mô lớn.
Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao để khai thác các mỏ dầu, khí có trữ lượng giới hạn biên.
Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển, khai thác và sử dụng khí thiên nhiên. Khuyến khích và ưu đãi cho các nhà đầu tư thăm dò và khai thác các mỏ khí, đặc biệt là các mỏ khí có trữ lượng giới hạn biên. Đa dạng hóa hình thức đầu tư, liên doanh xây dựng nhà máy điện chạy khí để bán điện cho lưới điện quốc gia.
Khẳng định các dự án điện khí cần được đưa vào vận hành đúng tiến độ theo cam kết để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, TS. Mai Duy Thiện cũng nêu một số giải pháp như giá mua điện cần được tính toán đầy đủ, rõ ràng, đảm bảo khả năng thu hồi vốn và lợi nhuận hợp lý của chủ đầu tư, thực hiện tốt cơ chế cạnh tranh và thu hút vốn từ các nguồn đầu tư ngoài nhà nước.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ và đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp, hiệu quả, đảm bảo công bằng hợp lý cho nhà nước, nhà đầu tư và người dân nhằm tạo điều kiện phát triển hiệu quả các nguồn điện nói chung và các dự án điện khí nói riêng, góp phần tăng cường đảm bảo an ninh năng lượng trong những năm tới.
Ban tổ chức chương trình cảm ơn sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS).
Cẩm Hạnh