Phát triển dược liệu – Nâng cao sinh kế cho đồng bào người Dao Nặm Đăm
Gắn tri thức bản địa với phát triển dược liệu, đưa các sản phẩm truyền thống thành hàng hóa có giá trị đã và đang tạo sinh kế bền vững cho bà con Nặm Đăm.
Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Lý Tà Dèn – Giám đốc Hợp tác xã Cộng đồng Nặm Đăm (Quản Bạ, Hà Giang) để hiểu hơn về vấn đề này.
Kết hợp tri thức bản địa với khoa học hiện đại
PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ về tiềm năng phát triển sản phẩm dược liệu trên địa bàn và hiện nay Hợp tác xã Cộng đồng Nặm Đăm đang tập trung vào những sản phẩm gì để phát triển kinh tế cho bà con?
![]() |
Ông Lý Tà Dèn – Giám đốc Hợp tác xã Cộng đồng Nặm Đăm (Quản Bạ, Hà Giang). Ảnh: Đỗ Nga |
Ông Lý Tà Dèn: Quản Bạ nằm ở vị trí cửa ngõ cao nguyên đá Đồng Văn, khí hậu mát mẻ quanh năm, độ ẩm cao, thích hợp cho nhiều loại cây dược liệu sinh trưởng tốt. Đây là nơi sinh sống của đông đảo người Dao Đỏ – cộng đồng nắm giữ nhiều tri thức y học dân gian. Bên cạnh đó, rừng tự nhiên và rừng tái sinh ở Quản Bạ có hệ thực vật phong phú, là "kho nguyên liệu sống" để phát triển cây thuốc, tạo ra các sản phẩm dược liệu quý.
Người Dao chúng tôi từ lâu đã nổi tiếng với kho tàng tri thức bản địa phong phú về dược liệu, được truyền qua nhiều thế hệ. Đây là một trong những dân tộc có hệ thống bài thuốc dân gian quy củ, đa dạng và hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực cây thuốc – từ các bài thuốc như: thuốc tắm, ngâm chân, trị cảm cúm, xương khớp… Tôi muốn cùng bà con gìn giữ, phát huy vốn tri thức này thành các sản phẩm tiện lợi, dễ sử dụng, vừa để phục vụ du khách, vừa tạo sinh kế ổn định cho bà con.
Nhận thấy những lợi thế đó, cùng với lượng khách du lịch, nhất là khách quốc tế đến cao nguyên đá Đồng Văn ngày càng nhiều, từ năm 2014, Hợp tác xã Cộng đồng Nặm Đăm được thành lập và bắt đầu phát triển du lịch cộng đồng kết hợp trải nghiệm sản phẩm dược liệu địa phương. Mặc dù thời điểm đó sản phẩm bản địa phục vụ du khách còn hạn chế, nhưng chúng tôi không ngừng nghiên cứu, kết hợp khoa học kỹ thuật để cho ra những sản phẩm phù hợp, giúp du khách vừa trải nghiệm vừa có thể mua về làm quà.
![]() |
Các sản phẩm từ dược liệu truyền thống được Hợp tác xã Cộng đồng Nặm Đăm sản xuất gồm: Ngâm chân thảo dược, lá tắm thảo dược, cao xoa bóp, thuốc trị sâu răng... |
Hiện, chúng tôi tập trung vào các sản phẩm từ dược liệu truyền thống như: Ngâm chân thảo dược, lá tắm thảo dược, cao xoa bóp, thuốc trị sâu răng... Là người dân tộc Dao, sống tại Nặm Đăm, nơi gần như 100% là người Dao, tôi và cộng đồng muốn khai thác kho tàng tri thức truyền thống, đặc biệt là các bài thuốc dân gian, cây thuốc nam chăm sóc sức khỏe của người Dao.
PV: Việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm dược liệu, nhằm đáp ứng nhu cầu rộng hơn của thị trường đã được Hợp tác xã triển khai ra sao, thưa ông?
Ông Lý Tà Dèn: Thực tế, tri thức bản địa của người Dao chúng tôi chính là nền tảng đầu tiên và quan trọng nhất trong việc phát triển các sản phẩm dược liệu tại Nặm Đăm. Tuy nhiên, để các sản phẩm tiếp cận được thị trường rộng lớn hơn, việc kết hợp với khoa học hiện đại là điều tất yếu.
Thời gian qua, Hợp tác xã đã chủ động phối hợp với các tổ chức chuyên môn, đơn vị nghiên cứu để chuẩn hóa quy trình sản xuất từ khâu thu hái, sơ chế đến đóng gói, bảo quản. Ví dụ, trước đây bà con phơi cây thuốc trực tiếp ngoài nắng thì nay sử dụng máy sấy thảo dược để giữ nguyên dược tính. Các bài thuốc tắm, ngâm chân cũng được chuẩn hóa thành túi lọc, dạng khô, có thể bảo quản dài ngày, tiện lợi cho người sử dụng.
Chúng tôi cũng đang từng bước ứng dụng công nghệ chiết xuất tinh dầu, làm cao, bào chế dạng viên hoặc trà hòa tan, dựa trên bài thuốc gốc của người Dao. Việc kết hợp y học cổ truyền với nghiên cứu khoa học không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản phẩm mà còn đảm bảo tính an toàn, vệ sinh và dễ tiếp cận với người tiêu dùng thành thị.
![]() |
Nhiều sản phẩm của đồng bào dân tộc ngày càng được người tiêu dùng trong nước và quốc tế đón nhận |
Chúng tôi còn hợp tác với các chuyên gia để nghiên cứu thành phần dược tính trong từng loại cây thuốc, từ đó lựa chọn giống phù hợp để nhân giống, bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu tập trung.
Tôi tin rằng, kết hợp giữa tri thức bản địa, linh hồn của sản phẩm với khoa học kỹ thuật hiện đại, công cụ để phát triển chính là con đường bền vững để dược liệu Nặm Đăm vươn xa, vừa giữ bản sắc truyền thống, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường hiện đại.
Ngoài ra, chúng tôi đang mở rộng nghiên cứu để đa dạng hóa sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ thảo dược bản địa, phục vụ cả du khách quốc tế và thị trường nội địa.
Nâng cao sinh kế, giữ gìn bản sắc
PV: Ông có thể chia sẻ, việc tham gia Hợp tác xã đã giúp bà con trên địa bàn nâng cao thu nhập và đời sống ra sao trong thời gian qua?
Ông Lý Tà Dèn: Hiện tại, Hợp tác xã có 24 thành viên, trong đó 21 là cá nhân, còn lại là pháp nhân. Chúng tôi tổ chức trồng, thu hái, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi khép kín. Hợp tác xã ký hợp đồng bao tiêu 100% sản phẩm cho bà con nên bà con yên tâm sản xuất.
Khi ký hợp đồng với Hợp tác xã, bà con được hướng dẫn trồng cây thuốc, thu hái đúng kỹ thuật, có đầu ra ổn định nên thu nhập tăng rõ rệt. Con em của các thành viên cũng được tạo điều kiện làm việc và hưởng lương hàng tháng. Nhờ vậy, cuộc sống của nhiều hộ dân ổn định hơn, không còn phụ thuộc quá nhiều vào canh tác ngô, lúa như trước đây.
Ngoài dược liệu, bà con còn tham gia phát triển du lịch cộng đồng làm homestay, hướng dẫn viên bản địa, phục vụ ẩm thực truyền thống, thủ công mỹ nghệ… Nhiều hộ còn kết hợp dịch vụ tắm lá thuốc cho du khách. Những hoạt động này không chỉ tạo thêm thu nhập mà còn quảng bá văn hóa dân tộc Dao đến du khách trong và ngoài nước.
PV: Ông có thể chia sẻ về những khó khăn cũng như định hướng phát triển ngành dược liệu tại địa phương trong thời gian tới?
Ông Lý Tà Dèn: Dược liệu không chỉ là hướng phát triển kinh tế mà còn là một phần di sản văn hóa sống của dân tộc Dao. Tuy nhiên, một số cây thuốc đang bị khai thác quá mức bởi thương lái, có nguy cơ cạn kiệt. Vì vậy, bên cạnh các chính sách hỗ trợ bà con từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chính quyền địa phương đã có định hướng cho chúng tôi vừa trồng mới, vừa thu hái bền vững. Đồng thời, chúng tôi cũng tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bảo tồn nguồn gen dược liệu quý. Mong muốn của chúng tôi là đưa dược liệu người Dao tại Quản Bạ không chỉ phục vụ du khách mà còn vươn ra thị trường toàn quốc, thậm chí xuất khẩu.
![]() |
Phát triển dược liệu không chỉ góp phần bảo tồn tri thức bản địa mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững cho địa phương |
Thời gian tới, chúng tôi cũng hướng tới mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Cụ thể, thứ nhất, mở rộng diện tích trồng theo hướng hữu cơ, bền vững, nhất là các cây như sa nhân, đinh lăng, thiên niên kiện, gừng gió, hoàng liên… Đồng thời, bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý.
Thứ hai, chuẩn hóa quy trình sản xuất: Xây dựng quy trình đạt tiêu chuẩn vệ sinh, có thể truy xuất nguồn gốc. Hướng tới chứng nhận hữu cơ, OCOP 4 sao trở lên hoặc các chứng chỉ chất lượng quốc tế.
Thứ ba, đa dạng hóa và chế biến sâu: Bên cạnh nước lá tắm, cao xoa bóp…, chúng tôi tiếp tục đầu tư thêm vào công nghệ chiết xuất tinh dầu, viên, trà thảo dược. Bao bì, nhãn mác cũng sẽ được thiết kế lại phù hợp phân phối online và offline.
Thứ tư, liên kết với du lịch cộng đồng: Tiếp tục kết hợp trải nghiệm dược liệu với dịch vụ du lịch tour tắm lá thuốc, lớp học chế biến… để tăng giá trị và quảng bá sản phẩm.
Thứ năm, tăng cường liên kết và tìm đầu ra ổn định: Kết nối với doanh nghiệp, nhà phân phối, tranh thủ hỗ trợ nhà nước để đầu tư máy móc, tập huấn kỹ thuật.
Mục tiêu của chúng tôi là đưa ngành dược liệu trở thành sinh kế ổn định, có giá trị cao cho bà con, đồng thời bảo tồn tri thức bản địa và phát triển kinh tế xanh, bền vững cho địa phương.
Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp để phát triển đầu ra và mở rộng sản xuất. Nếu đi đúng hướng, dược liệu hoàn toàn có thể trở thành mũi nhọn kinh tế của vùng cao Quản Bạ, cải thiện đời sống và bảo tồn bản sắc văn hóa của người Dao.
Xin cảm ơn ông!
Theo thống kê, Hà Giang hiện có trên 1.560 loài dược liệu, thuộc 824 chi, 202 họ, chiếm hơn 39% số loài dược liệu của cả nước; 51 loài cây thuốc quý, hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam; 97 loài nằm trong diện bảo tồn cấp quốc gia. Toàn tỉnh có trên 10.800 ha dược liệu, phân bố ở hầu hết các huyện, thành phố. |