Nâng cao năng lực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản
UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định số 4227/QĐ-UBND phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng, chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản thành phố Hà Nội đến năm 2030.
Đề án nhằm nâng cao năng lực hoạt động quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản; duy trì, ổn định nguồn cung thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của Nhân dân; nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản được sản xuất tại Hà Nội và kiểm soát toàn diện chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nông sản từ các tỉnh, thành phố trong cả nước và sản phẩm nông sản nhập khẩu đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.
Về mục tiêu, thành phố phấn đấu: 100% cán bộ làm công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến, phát triển thị trường, hội viên Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên các cấp thành phố được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về lĩnh vực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm.
100% người quản lý, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản có kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm; 100% cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc các giấy chứng nhận tương đương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm nông sản được chứng nhận OCOP được thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm định kỳ 1 lần/năm hoặc theo kế hoạch.
Hà Nội phấn đấu 100% người quản lý, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản có kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm |
Thành phố cũng duy trì diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP) tăng 15%/năm; 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trong mạng lưới ứng dụng công nghệ cao, hiện đại bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; giảm 50% số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.
Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông sản được Chứng nhận hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP), tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế (ISO 22.000), hoặc tương đương tăng tương ứng 15%/năm; tỷ lệ thực phẩm nông sản được sản xuất, kinh doanh theo chuỗi chiếm 70% tổng sản lượng thực phẩm nông sản được tiêu thụ; giá trị xuất khẩu sản phẩm nông sản của thành phố tăng trung bình 5%/năm.
Ngoài ra, thành phố hình thành, hỗ trợ phát triển các cụm liên kết ngành hoặc chuỗi giá trị trong chế biến, bảo quản thực phẩm nông sản; các làng nghề chế biến nông sản áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu…