Linh hoạt ứng phó với lạm phát kỳ vọng tăng cao
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, các doanh nghiệp cần củng cố lại văn hóa và nền tảng quản trị kinh doanh để tạo giá trị gia tăng cao hơn và chiếm lĩnh được lòng tin của người tiêu dùng.
Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, khả năng để năm 2022 đạt được mức lạm phát theo đúng mục tiêu 4% là có thể, nhưng cũng sẽ có sự sai số nhất định. So với lịch sử, truyền thống, quá trình phát triển kinh tế, Việt Nam là một đất nước trải qua nhiều giai đoạn bùng lạm phát, gần đây nhất là năm 2011, lạm phát khoảng trên 20% nên mức lạm phát hiện nay vẫn là tương đối thấp.
Theo chuyên gia, Việt Nam cũng đang có những bước chuẩn bị trong trung và dài hạn để có thể chuyển chính sách tiền tệ hướng theo lạm phát mục tiêu như các nước ở mức từ 4% đến trên 5% (Nguồn: VTV)
Tuy nhiên, để đánh giá lạm phát cao hay thấp còn phải so sánh với một ngưỡng được đặt ra, mà nếu vượt qua ngưỡng đó sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ đời sống, kinh tế, chính sách vĩ mô... còn vẫn dưới ngưỡng thì có xu hướng thúc đẩy tăng trưởng.
“Đã có nhiều nghiên cứu về ngưỡng này, thường ở nước phát triển, con số khoảng 2-3%, không phải ngẫu nhiên mà Hoa Kỳ hay EU đặt lạm phát mục tiêu 2%. Song điều đó còn phụ thuộc vào giai đoạn, mức độ phát triển bao gồm cả mức độ phát triển tài chính ngân hàng, do đó, một số nghiên cứu khác chỉ ra nó có thể từ 5-8%.
Tại Việt Nam cũng đang có những bước chuẩn bị trong trung và dài hạn để có thể chuyển chính sách tiền tệ hướng theo lạm phát mục tiêu như các nước ở mức từ 4% đến trên 5%”, TS. Võ Trí Thành cho biết.
Vừa qua, có quan điểm cho rằng, Việt Nam nên mở rộng lạm pháp mục tiêu lên trên 4%, về điều này TS. Võ Trí Thành phân tích, việc điều hành chính sách không chỉ gắn với các con số kinh tế trong đó có lạm phát, mà điều khiến các nhà hoạch định phải suy nghĩ hơn là lạm phát kỳ vọng, tức là những con số trong tương lai.
Nếu lạm phát kỳ vọng cao, khoảng 6-7% với những lý lẽ, cơ sở như đầu vào sản xuất bị ảnh hưởng bởi lạm phát chi phí đẩy cao, sau đó đẩy ra giá hàng tiêu dùng. Hay trước việc Mỹ nâng lãi suất, đồng USD lên giá và nhiều đồng tiền mất giá, thì áp lực với tỷ giá Việt Nam cũng rất cao. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá danh nghĩa VND/USD đã mất giá khoảng 2,4 - 2,5%. Ngoài giá cả thế giới đã cao, tỷ giá mất nhiều, thì chuyển giá qua tỷ giá càng bị áp lực.
Vậy kỳ vọng lạm phát trong một chừng mực nào đó được cảm nhận cao và nếu nó cứ cao thì hành vi của thị trường, của nhà đầu tư, của người tiêu dùng trong đó có cả đầu tư sản xuất kinh doanh, sẽ có xu hướng bảo toàn vốn để chuyển sang đầu tư tài chính. Hiện nay, những yếu tố tạo ra nhìn nhận lạm phát cao là có thật. Điều quan trọng ở đây là nếu tình hình vẫn ổn, cách điều hành chính sách minh bạch, kiên định với mục tiêu lạm phát, thì Nhà nước có công cụ chính sách gì để xử lý?
“Ở Việt Nam tại thời điểm này, lạm phát đang phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài, như bối cảnh kinh tế bất định, chiến tranh, xung đột địa chính trị và các đòn trừng phạt nhau giữa Nga và phương Tây. Giả thiết, cuộc chiến có tạm ngưng thì những đòn trường phạt đó sẽ tiếp tục hay vẫn ở một mức độ nào đó. Cho nên mọi người hay nhắc đến kịch bản trong đó có biến số quyết định là các yếu tố bên ngoài. Nhưng qua kinh nghiệm thực tế và nguồn lực hiện nay thì xác suất là Việt Nam vẫn giữ được mức lạm phát mục tiêu.
Nhưng khi nhìn rộng ra về kinh tế vĩ mô, còn có những rủi ro của hệ thống ngân hàng, liên quan đến thanh toán quốc tế và các dòng tiền ngoại tệ ra - vào ở Việt Nam có hài hòa cân đối hay không. Cùng với đó, là thâm hụt ngân sách, nợ công và chương trình phục hồi phát triển trong 2 năm. Có thể tổng kết, nếu chúng ta duy trì được như 6 tháng đầu năm và theo các kịch bản cơ sở, các dự báo trong và ngoài nước cho cả năm về tăng trưởng và lạm phát, thì sẽ đủ tốt cho năm nay đồng thời tạo đà để thực hiện tiếp cho năm tới”, vị chuyên gia dự báo.
Ứng phó linh hoạt
Ông Thái Quang Trung, Phó Giám đốc đầu tư Khối quỹ mở cổ phiếu và trái phiếu VinaCapital kiến nghị, “phao cứu sinh” của doanh nghiệp hiện nay có thể đến từ việc Chính phủ rốt ráo gỡ các nút thắt của những ngành trọng điểm trong nền kinh tế. Chẳng hạn đối với ngân hàng thì có nút thắt tăng trưởng tín dụng, trong lĩnh vực bất động sản thì nút thắt là Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Ngoài ra, trong lĩnh vực đầu tư công, cơ sở hạ tầng thì đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đặc biệt, trong những thời điểm lạm phát tăng cao, Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm xây dựng chuỗi cửa hàng bình ổn giá do Nhà nước quản lý.
Nhấn mạnh vào yếu tố tổ chức phân phối, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, cần tổ chức tốt hệ thống phân phối quốc gia, giảm trung gian bất hợp lý và những biểu hiện dựa vào thế mạnh của doanh số và thương hiệu để ép chiết khấu các nhà cung ứng của một số đơn vị bán lẻ thao túng thị trường, gây thiệt hại cho người sản xuất và cả người tiêu dùng xã hội.
Còn theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, các doanh nghiệp, ngành hàng cần chủ động nắm bắt tốt hơn các tín hiệu của nền kinh tế trong và ngoài nước để có những dự báo về thị trường và điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh linh hoạt và phòng ngừa các rủi ro kinh doanh tốt hơn.
Đồng thời chủ động trong việc phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tư vấn và chuyên gia kinh tế để có những đánh giá về các phản ứng chính sách trong và ngoài nước, liên quan đến một loạt các vấn đề kinh tế vĩ mô hoặc theo ngành, lĩnh vực. Qua đó có thể hiểu biết hơn các kênh hỗ trợ chính sách , nhất là tình hình triển khai các gói phục hồi kinh tế để tận dụng tốt hơn các hỗ trợ này, nhằm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
"Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, áp lực lạm phát và rủi ro môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp cũng cần củng cố lại văn hóa và nền tảng quản trị kinh doanh, thực hành liêm chính, quan tâm các chính sách nhằm hỗ trợ lao động và phát triển nhân lực. Đồng thời chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng phù hợp chuẩn mực, thông lệ quốc tế và các hiệp định thương mại đầu tư thế hệ mới, gắn với các mô hình chuyển đổi số để tham gia sâu hơn và đạt giá trị gia tăng cao hơn trong các chuỗi giá trị, sản xuất quốc tế và chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng", TS. Nguyễn Quốc Việt cho biết.