Khuyến khích nông dân liên kết sản xuất, giải quyết bài toán ruộng bỏ hoang
Nam Định tập trung tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nông dân, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp, hình thành các chuỗi kép kín từ khâu sản xuất nguyên liệu tới chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Từ đó, tỉnh phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, giải quyết việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản theo hướng chế biến sâu, bền vững.
Nằm gần Khu công nghiệp Bảo Minh, người dân xã Thành Lợi (huyện Vụ Bản) đi làm tại các công ty ngày càng đông. Vì vậy, diện tích đất trồng lúa ở xã bị bỏ hoang, có thời điểm lên tới vài chục ha. Khoảng 3 năm gần đây, Tổ hội nghề nghiệp phát triển kinh tế xã Thành Lợi đã tích tụ ruộng đất, hình thành vùng chuyên canh lúa liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân (huyện Trực Ninh) mang lại giá trị cao, trở thành hướng đi tiềm năng.
Năm 2022, 10 hộ dân trong xã cùng nhau thành lập Tổ hội nghề nghiệp. Các hộ đã dồn điền đổi thửa, tổ chức canh tác lúa trên diện tích 20 ha chuyên gieo cấy lúa giống Koji phục vụ xuất khẩu. Ông Trần Văn Tuyến, tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp phát triển kinh tế xã Thành Lợi cho biết, liên kết với công ty, các hộ dân trong Tổ phải thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật canh tác công ty đưa ra. Do sản xuất lúa giống nên từ việc cấy cho đến chăm sóc đều phải làm thủ công. Trong quá trình chăm sóc lúa, người dân cần thường xuyên kiểm tra để phát hiện và loại bỏ lúa ngoại lai.
Phía công ty sẽ đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như toàn bộ quy trình chăm sóc lúa để các thành viên trong Tổ thực hiện. Toàn bộ sản phẩm được công ty thu mua với giá cao hơn thị trường. Nhờ đó, người dân không phải lo đầu ra mà hiệu quả kinh tế rất cao. Nhờ canh tác theo quy trình khắt khe với sự giám sát chặt chẽ về kỹ thuật của công ty nên lúa luôn cho năng suất cao. Vụ lúa Xuân năm 2024, thời tiết thuận lợi, lúa phát triển tốt, Tổ hội nghề nghiệp đã thu hoạch được khoảng 100 tấn thóc. Nhờ sản xuất trên một cánh đồng lớn, chỉ cấy một giống lúa nên việc chăm sóc cũng dễ dàng hơn. Mặt khác, việc liên kết sản xuất giúp người dân được tiếp cận với quy trình canh tác lúa hiện đại, kỹ thuật cao, nhất là không phải lo đầu ra của sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Lợi cho hay, từ việc liên kết sản xuất giữa Tổ hội nghề nghiệp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân đã mở ra hướng đi mới cho người dân trong xã. Nhiều hộ dân đã tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất lúa chất lượng cao thay vì canh tác nhỏ lẻ như trước kia. Xã luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân dồn điền đổi thửa, tạo ra những cánh đồng lớn. Đây là tiền đề để hình thành các chuỗi liên kết, giải quyết bài toán ruộng bỏ hoang, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện nay, Nam Định đã hình thành 39 chuỗi liên kết sản xuất; trong đó có 11 chuỗi trong lĩnh vực trồng trọt, 10 chuỗi chăn nuôi, 15 chuỗi thủy sản và 3 chuỗi diêm nghiệp. Bên cạnh những tín hiệu tích cực, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đánh giá, hiện nay, tốc độ xây dựng và phát triển các chuỗi chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh địa phương. Các chuỗi đã xây dựng đều ở quy mô trung bình và nhỏ, chưa có nhiều chuỗi liên kết lớn hoặc chuỗi liên kết trong liên kết...
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định Nguyễn Hùng Mạnh cho biết, Hội chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp xây dựng các mô hình sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, thông minh; nông nghiệp, thủy, hải sản kết hợp với chế biến nông sản và dịch vụ, du lịch...
Hội Nông dân các cấp kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp để liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên. Phấn đấu trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, các huyện, thành Hội phối hợp xây dựng ít nhất 1 mô hình liên kết theo chuỗi cho sản phẩm có thế mạnh của địa phương; đồng thời liên kết xây dựng các điểm bán hàng tiêu thụ nông sản cho nông dân./.
Nguyễn Lành