Khởi động 3 dự án giao thông trọng điểm: Chắp cánh vùng kinh tế phía Nam
Sáng 18/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã bấm nút khởi công đồng loạt dự án đường Vành đai 3 TPHCM, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu. Đây là những dự án quan trọng, được kỳ vọng tháo gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông cho vùng kinh tế phía Nam.
Được áp dụng cơ chế đặc thù riêng
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, đến nay, ngành GTVT đã đưa vào khai thác sử dụng khoảng 1.729km đường bộ cao tốc, tuy nhiên vùng động lực kinh tế Đông Nam Bộ mới có 147km đường cao tốc, vùng tiềm năng Tây Nguyên cũng chỉ có 19km đường cao tốc. Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu phấn đấu đến 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, Bộ GTVT cùng phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua, ban hành các Nghị quyết về chủ trương đầu tư với 3 dự án nêu trên.
Giới thiệu về các dự án, ông Lê Anh Tuấn cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TPHCM có tổng chiều dài 76,3km đi qua bốn địa phương TPHCM, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Sơ bộ, tổng mức đầu tư là 75.378 tỷ đồng. Dự án được phân chia làm tám dự án thành phần gồm bốn dự án thành phần xây dựng, bốn dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn các địa phương. Theo kế hoạch, dự án cơ bản hoàn thành và thông xe 4 làn cao tốc vào năm 2025, hoàn thành toàn bộ vào năm 2026.
Chiều 18/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành 2 tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết ( thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020). Cả 2 tuyến cao tốc này đã được chủ đầu tư cho thông xe kỹ thuật từ ngày 19/5. Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có chiều dài hơn 49 km, tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng . Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài 100,8 km, tổng mức đầu tư 10.853 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài khoảng 53,7 km đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng mức đầu tư sơ bộ là 17.837 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1, dự án có quy mô 4-6 làn xe theo từng đoạn tuyến. Dự kiến tiến độ cơ bản hoàn thành dự án trong năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2026.
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài khoảng 117,5 km, kết nối hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, có tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng. Công trình dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2026 và khai thác đồng bộ năm 2027.
Phát biểu tại buổi lễ khởi công ở TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ba dự án được khởi công có tổng chiều dài 247 km, tổng mức đầu tư 115.000 tỷ đồng. Điều đặc biệt của 3 dự án giao thông này là đều được áp dụng cơ chế đặc thù riêng về đẩy mạnh phân cấp phân quyền, theo đó giao địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án; Đồng thời, áp dụng cơ chế huy động nguồn lực cho dự án kết hợp giữa ngân sách Trung ương, địa phương và áp dụng chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu thi công dự án, qua đó rút ngắn thời gian chuẩn bị để triển khai dự án.
“3 cơ chế này đều đã phát huy tối đa tác dụng, khẳng định sự đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc ban hành cơ chế mới để hoàn thành mục tiêu phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo Nghị quyết của Đảng”- Người đứng đầu Chính phủ đánh giá.
Cũng theo Thủ tướng Chính phủ, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ tái định cư cho người dân của các dự án này là rất khó khăn ở các đô thị lớn như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu...nhưng các địa phương đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, sự ủng hộ, chia sẻ của người dân, hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích chung nên công tác giải phóng mặt bằng của cả 3 dự án cơ bản đảm bảo tiến độ.
“Chúng ta phải vượt nắng, thắng mưa để đảm bảo tiến độ. Tôi đề nghị các Bộ, các tỉnh thành được giao tập trung quyết liệt chỉ đạo các đơn vị phát huy tinh thần cao nhất, từ tiến độ chi tiết phù hợp, đảm bảo tiến độ, chất lượng, thẩm mỹ trong quá trình thi công. Các đơn vị cần huy động tối đa máy móc, trang thiết bị hiện đại và rút kinh nghiệm từ các dự án giai đoạn trước hoàn thành nhiệm vụ đề ra”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Chính phủ biểu dương TPHCM trong thời gian rất ngắn đã bàn giao mặt bằng để thi công đạt tới 87% (356ha/410ha). “Đây quả là một kỳ tích từ trước đến nay do tính chất phức tạp trong giải phóng mặt bằng qua nội đô, quy mô đền bù lớn, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng người dân... Kết quả này càng minh chứng cho tính đúng đắn của chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, lần đầu tiên giao cho địa phương quản lý một dự án quy mô rất lớn, phức tạp, liên vùng; nhưng với quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền và sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của người dân, dự án đã đạt được thành công bước đầu, rất đáng khích lệ”- Thủ tướng nói.
Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, kết quả khởi công hôm nay là nỗ lực đáng ghi nhận, tuy nhiên công việc sắp tới còn nhiều khó khăn khi GPMB nơi tập trung dân cư, vật liệu xây dựng, bãi đổ thải, khối lượng thi công lớn trong khoảng thời gian dài...
“3 dự án được khởi công hôm nay có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, hình thành tuyến vành đai, các trục cao tốc ngang kết nối với các trục cao tốc dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, cảng hàng không quốc tế Long Thành…”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng nhắc nhở các đơn vị liên quan phải đảm bảo 100% mặt bằng trong quý III/2023 và chậm nhất phải hoàn thành trước ngày 31/12 để dự án hoàn thành đúng tiến độ. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới công tác tái định cư, đảm bảo nơi sinh kế cho người dân bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ - đây cũng là cơ sở để nhận được sự ủng hộ của người dân trong những dự án tiếp theo. “Các dự án phải đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, phải đảm bảo an toàn, không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu, không được lợi ích nhóm, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và xử lý nghiêm sai phạm nếu không đảm bảo” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, dự án đường Vành đai 3 TPHCM là công trình của “ý Đảng - lòng dân”, là con đường kết nối, phát triển. Trong thời gian sắp tới, TPHCM sẽ tiếp tục tập trung để hoàn tất giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh thi công để công trình được hoàn thành đúng kế hoạch.
“Đại diện lãnh đạo các địa phương trong vùng dự án Vành đai 3, chúng tôi xin cam kết với Thủ tướng Chính phủ, các vị lãnh đạo cùng bà con nhân dân là sẽ phối hợp với các bộ ngành trung ương, các cơ quan có liên quan để theo dõi sát sao, thúc đẩy thường xuyên để công trình đường Vành đai 3 TPHCM thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2025 và hoàn thành trong năm 2026”- ông Phan Văn Mãi nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu là dự án giao thông trọng điểm mà Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 154 của Chính phủ về phát triển vùng Đông Nam Bộ, xác định đến năm 2026 phải hoàn thành đưa vào sử dụng, nhằm mở ra tuyến giao thông kết nối các địa phương trong khu vực với hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, giúp giảm tải, phá thế độc đạo của tuyến quốc lộ 51 hiện hữu. Khi công trình đưa vào hoạt động, thời gian di chuyển từ TPHCM đến Bà Rịa dự kiến rút xuống chỉ còn 70 phút thay vì 150 phút như hiện nay.
“Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sau khi hình thành sẽ cơ bản giải quyết bài toán giao thông liên vùng, phát huy tối đa lợi thế của cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành, qua đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, tạo động lực để vùng Đông Nam Bộ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”, ông Thọ nói.