Hiệu quả của mô hình khuyến nông đô thị, cận đô thị
Ứng dụng, phát triển mô hình nông nghiệp đô thị không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân về lương thực, thực phẩm tươi sống và an toàn, mà còn giúp giảm chất thải, cải thiện đa dạng sinh học đô thị và chất lượng không khí. Tại nhiều địa phương, một số mô hình khuyến nông đô thị, cận đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân vùng đô thị và ven đô.
Cùng với xu thế công nghiệp hóa, đô thị hóa, diện tích đất sản xuất nông nghiệp đang ngày càng giảm mạnh, địa bàn sản xuất nông nghiệp cũng biến động, phân tán và manh mún hơn. Bên cạnh đó, sự suy giảm chất lượng không khí, nguồn tài nguyên và chất lượng nước mặt, nước ngầm; tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, trong đó nông nghiệp, nông thôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Xây dựng mô hình khuyến nông đô thị và cận đô thị sẽ góp phần tăng không gian xanh, cải thiện, nâng cao chất lượng sống của cư dân nơi đô thị.
Bắc Ninh là tỉnh có diện tích đất tự nhiên nhỏ nhất trong cả nước, tốc độ đô thị hóa rất nhanh, công nghiệp, dịch vụ phát triển, vì vậy sản xuất nông nghiệp ở địa phương được xác định là tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị.
Toàn tỉnh hiện có 71 vùng rau màu chuyên canh quy mô từ 5ha trở lên, với các sản phẩm chủ lực như: Cà rốt, khoai tây, bí các loại, hành, tỏi, rau xanh… Hiện có 24 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung có quy mô từ 2ha trở lên, như vùng cam đường canh, cam Vinh ở huyện Thuận Thành, Lương Tài; bưởi Diễn, chuối, ổi ở huyện Tiên Du; bưởi da xanh ở huyện Lương Tài, Gia Bình; 69 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 167ha, trong đó có 22 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 137,87ha; 47 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính với tổng diện tích hơn 30ha, mang lại nguồn thu nhập hàng tỷ đồng/năm cho người dân, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trồng trọt trên đơn vị diện tích.
Các mô hình khuyến nông đô thị như: Sản xuất hoa lan hồ điệp trong nhà kính, sản xuất hoa, cây cảnh, trồng tía tô xuất khẩu trong nhà màng, nhà lưới, sản xuất rau, quả trong nhà màng, nhà kính... đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập gấp nhiều lần sản xuất truyền thống.
Thành phố Hà Nội hiện có tổng số 285 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 185 mô hình ứng dụng công nghệ cao thuộc lĩnh vực trồng trọt (sản xuất nấm kim châm); 45 mô hình chăn nuôi; 54 mô hình thủy sản; 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.
Các mô hình nông nghiệp đô thị mà Hà Nội đang hướng đến là nông nghiệp xanh, bền vững và ứng dụng công nghệ cao.
Mô hình sản xuất hoa chất lượng cao như: Sản xuất hoa lily trong chậu, hoa lily cắt cành (quy mô 4.900m2), hoa cúc (quy mô 40.000m2), hoa hồng (quy mô 350m2)... lợi nhuận trung bình đạt khoảng từ 40 - 80 triệu đồng/1 điểm mô hình.
Mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ, quy mô 6,8ha, không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu hóa học, không gây ô nhiễm môi trường. Dù năng suất thấp hơn khoảng 25%, nhưng giá bán lại cao, ước giá trị thu nhập trung bình khoảng từ 300 - 500 triệu đồng/ha tùy từng loại rau.
Mô hình thâm canh cây bưởi theo hướng VietGAP quy mô 61ha, cho hiệu quả kinh tế đạt từ 300 - 500 triệu đồng/ha, đã duy trì và phát triển được cây ăn quả có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô.
Mô hình nuôi cá sông trong ao được triển khai từ năm 2017, sử dụng công nghệ sinh học, tạo ra sản phẩm cá đạt năng suất, chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, lợi nhuận thu được từ 100 - 140 triệu đồng/ha.
Dưa lưới trồng trong nhà màng mang lại năng suất và chất lượng ổn định. Ảnh: MH |
Các mô hình về liên kết như: Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm (quy mô 30ha); chăn nuôi gà theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm (quy mô 60.000 con), mô hình sản xuất cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm (cúc chi, kim ngân hoa, diệp hạ châu với quy mô 14ha)… các mô hình đã góp phần nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, từng bước thay đổi hình thức sản xuất nhỏ lẻ. Từ đó góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tại Đà Nẵng, giải pháp đối với nông nghiệp đô thị là tập trung phát triển mô hình quy mô nhỏ ở khu vực nội đô, trong đó, khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các diện tích đất nhỏ nhằm tạo ra các mặt hàng rau, củ, quả an toàn, nấm và sinh vật cảnh gắn liền với bảo vệ, cải thiện môi trường, tạo mảng xanh sinh thái đô thị, gắn với du lịch và giáo dục ở khu vực trung tâm thành phố. Đồng thời, hỗ trợ người dân xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và triển khai các hoạt động khuyến nông tại khu vực đô thị và cận đô thị theo hình thức vườn đô thị phù hợp với quy hoạch phát triển nông nghiệp của thành phố. Không được phép chăn nuôi trong khu vực này.
Đối với khu vực ven đô, tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa giống chất lượng cao, lúa hữu cơ, rau ăn lá, ăn quả, nấm, hoa, cây cảnh, không khuyến khích phát triển chăn nuôi trong khu vực đồng bằng; cải tạo vườn tạp, chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa không chủ động nước tưới sang cây trồng cạn hiệu quả, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung, nuôi trồng thủy sản, nấm, trồng rau, hoa tại khu vực trung du; xây dựng vùng chăn nuôi tập trung, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái, trồng cây dược liệu, cây ăn quả ở khu vực miền núi.
Tại Thừa Thiên Huế, phát triển mô hình nông nghiệp đô thị ở các khu vực vùng ven chính là tiêu chí quan trọng trong định hướng phát triển “đô thị sinh thái”, “đô thị xanh”, hướng tới chiến lược quy hoạch và xây dựng đô thị Thừa Thiên Huế phát triển bền vững, có môi trường và cảnh quan thân thiện với thiên nhiên.
Phát triển nông nghiệp đô thị là một giải pháp hiệu quả, tạo ra hệ thống cảnh quan, các vành đai xanh, trong đó có các yếu tố như cây xanh, công viên, mảng xanh và đặc biệt là các vành đai xanh bao quanh ven đô. Bên cạnh đó, nông nghiệp đô thị còn cung ứng nhiều dịch vụ khác như cây xanh, hoa tươi, thực phẩm cho các nhà hàng, khách sạn, thậm chí còn có thể trở thành một sản phẩm du lịch thú vị cho những du khách yêu thích và muốn tìm về với đồng ruộng. Việc sản xuất tại chỗ góp phần quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm môi trường, giảm thiểu chi phí cho đóng gói, vận chuyển, bảo quản sau thu hoạch, từ đó giá thành, chất lượng sản phẩm được đảm bảo.