Góp ý sửa đổi Hiến pháp và hoàn thiện luật: Phát huy trí tuệ, đồng thuận vì phát triển đất nước
Ngày 20/5, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội) tổ chức Hội thảo "Góp ý Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo" nhằm tập hợp ý kiến của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, chuyên gia và nhà quản lý trong cả nước, đóng góp vào quá trình hoàn thiện các dự thảo văn kiện quan trọng đang được Quốc hội khóa XV xem xét tại Kỳ họp thứ 9. Sự kiện thu hút đông đảo các chuyên gia đầu ngành, đại diện các hội khoa học, kỹ thuật, cơ quan nghiên cứu, viện trường và các nhà hoạch định chính sách.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và xây dựng Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là những nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhằm thể chế hóa kịp thời các nghị quyết lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 60-NQ/TW về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Chủ tịch Liên hiệp Hội Phan Xuân Dũng đánh giá, việc sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi để kiện toàn bộ máy chính trị và tháo gỡ những điểm nghẽn thể chế, trong khi Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng thúc đẩy các lĩnh vực then chốt đóng vai trò động lực phát triển quốc gia. Do đó, sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học giàu kinh nghiệm sẽ đưa ra nhiều góp ý sâu sắc, thiết thực, góp phần hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, khóa XV.
Tiến sĩ Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế khẳng định, Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã thể hiện tinh thần đổi mới trong tư duy lập pháp, mở rộng phạm vi điều chỉnh, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Tuy nhiên, dự thảo Luật này còn nhiều nội dung cần tiếp tục hoàn thiện để đảm bảo tính khả thi và phù hợp thực tiễn.
Tiến sĩ Lê Công Lương đề xuất, phải xác định rõ “đổi mới sáng tạo” là một đối tượng điều chỉnh độc lập, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Ngoài ra, cần bổ sung quy định riêng về tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập, lực lượng có đóng góp lớn nhưng hiện còn thiếu cơ chế bình đẳng trong tiếp cận tài trợ, đấu thầu, đặt hàng nhiệm vụ.
Về tài sản trí tuệ, Tiến sĩ Lê Công Lương kiến nghị không mặc định quyền sở hữu thuộc về cơ quan chủ trì mà cần linh hoạt theo hợp đồng. Ngoài ra, dự thảo cũng cần bổ sung tiêu chí nhận diện doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và làm rõ vai trò của các tổ chức trung gian, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp như Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam trong phản biện, triển khai chính sách; đồng thời, bổ sung điều khoản riêng về báo chí khoa học, công nghệ và cơ chế phát triển tạp chí học thuật, nhằm bảo đảm lan tỏa tri thức trong xã hội.
Góp ý tại Hội thảo, Tiến sĩ Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý triển khai hiệu quả Đề án sắp xếp đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Tiến sĩ Phạm Văn Tân đề nghị cần có thời gian thảo luận và lấy ý kiến nhân dân một cách đầy đủ, tránh tâm lý “vừa chạy vừa xếp hàng”.
Về nội dung, Tiến sĩ Phạm Văn Tân kiến nghị sửa đổi những điều khoản liên quan trực tiếp đến việc sắp xếp tổ chức hành chính, không mở rộng sang các nội dung chưa thật sự cấp bách. Tiến sĩ Phạm Văn Tân đề xuất giữ nguyên Điều 9 và 10 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời bổ sung quy định đảm bảo bình đẳng giữa các tổ chức thành viên. Tiến sĩ Phạm Văn Tân cũng chỉ rõ việc bãi bỏ quyền trình dự án luật của các tổ chức thành viên Mặt trận là không phù hợp, đề nghị giữ nguyên để phát huy vai trò phản biện chính sách. Một số góp ý khác liên quan đến tổ chức hành chính, quyền chất vấn và việc chỉ định cán bộ cũng được Tiến sĩ Phạm Văn Tân nêu rõ tại hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong quá trình sửa đổi Hiến pháp và xây dựng khung pháp lý mới cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, những lĩnh vực giữ vai trò then chốt trong việc kiến tạo động lực tăng trưởng mới và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các ý kiến không chỉ làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý cho việc điều chỉnh, bổ sung các quy định của Hiến pháp năm 2013, mà còn nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tính đồng bộ, khả thi trong việc thiết kế chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo./.
Lý Thanh Hương