Động lực tăng trưởng vẫn cần chính sách tiền tệ
Với những khó khăn cả chủ quan và khách quan như hiện nay, hiệu quả của chính sách tài khóa vẫn chưa phát huy rõ rệt. Do đó, chính sách tiền tệ cần phát huy vai trò hỗ trợ tăng trưởng trở lại, mà việc nhà điều hành liên tục giảm lãi suất điều hành gần đây là ví dụ…
Tiền đồng thời gian qua liên tục tăng giá. Ảnh: LÊ VŨ |
Phản ứng nhanh
Ngày 27-3-2023, trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trung bình có thể giảm xuống mức thấp nhất ba thập kỷ ở 2,2% mỗi năm cho đến năm 2030, mở ra một “thập kỷ mất mát” cho nhân loại. Được biết WB cũng đang theo dõi diễn biến của ngành ngân hàng trong bối cảnh lãi suất tăng và các điều kiện tài chính bị thắt chặt gây khó cho các nước đang phát triển.
Ngày 29-3-2023, Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố tổng sản phẩm trong nước (GDP) quí 1-2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quí 1-2020, còn thấp hơn các quí 1 còn lại, xét trong giai đoạn 2011-2023. Đáng lưu ý là sự tăng trưởng thấp hoặc thậm chí sụt giảm của những địa phương đầu tàu kinh tế, nơi có nhiều khu công nghiệp, lực lượng doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hùng hậu, như TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…
Chỉ hai ngày sau đó, ngày 31-3-2023, tức chỉ trong vòng nửa tháng từ ngày giảm lãi suất điều hành lần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) một lần nữa quyết định giảm lãi suất điều hành. Lần này là lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6% xuống 5,5%/năm; trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng giảm từ 1% xuống 0,5%/năm và trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 6% xuống 5,5%/năm. Đáng lưu ý, trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm từ 5% xuống 4,5%/năm. Tất cả quyết định này có hiệu lực từ ngày 3-4-2023.
Bài viết Giảm lãi suất điều hành – chờ thêm bước tiến mới? đăng trên KTSG số ra ngày 23-3-2023 cho rằng NHNN có thể theo dõi diễn biến tỷ giá, lạm phát và hành động của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), để “tiếp tục có động thái giảm thêm lãi suất điều hành trong thời gian tới, trước mắt có thể là với hai loại lãi suất vẫn được giữ nguyên trong đợt điều chỉnh hồi giữa tháng 3 là trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng và lãi suất tái cấp vốn”. Và giờ đây, điều này đã đến sớm hơn mong đợi.
Đầu tiên, sau những khủng hoảng của hệ thống ngân hàng của Mỹ, đô la Mỹ đã giảm sâu trên thị trường quốc tế khiến tiền đồng thời gian qua liên tục tăng giá.
Thứ hai, lạm phát cũng đã giảm nhanh trở lại từ đầu năm đến nay trong bối cảnh cầu tiêu dùng suy yếu do xu hướng thắt chặt chi tiêu. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3-2023 đánh dấu tháng thứ hai đi xuống liên tiếp, từ mức đỉnh 4,89% của tháng 1-2023 xuống chỉ còn tăng 3,35% so cùng kỳ năm 2022.
Thứ ba, trong cuộc họp chính sách kết thúc ngày 23-3-2023, Fed chỉ tăng lãi suất cơ bản đô la Mỹ thêm 0,25 điểm phần trăm, đúng như hầu hết dự báo, do sợ gây áp lực lên các thị trường tài chính nước này vốn đang quay cuồng với nguy cơ sụp đổ hàng loạt ngân hàng. Đáng lưu ý là cơ quan này cũng dự báo chỉ còn tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay, cũng với mức tăng khiêm tốn 0,25 điểm phần trăm, trong khi giới phân tích tin rằng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất trở lại từ cuối năm nay hoặc đầu năm 2024. Thực tế là Fed gần đây đã phải bơm tiền để giải cứu các ngân hàng đang gặp rủi ro thanh khoản.
Chính sách tiền tệ sẽ phát huy vai trò trở lại
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn thúc đẩy nhà điều hành có động thái mau lẹ và quyết liệt như vậy có lẽ đến từ những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt. Điều này thể hiện qua con số tăng trưởng GDP lao dốc trong quí 1-2023, cùng với một loạt chỉ số về hoạt động sản xuất, đầu tư giảm sút, hay số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể, phá sản tăng vọt, mang đến những lo ngại không chỉ cho hiện nay mà còn là giai đoạn tiếp theo.
Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3-2023 đối với Việt Nam công bố mới đây bất ngờ giảm chỉ còn 47,7 điểm từ mức 51,2 điểm hồi tháng 2, đánh dấu tháng thứ tư nằm dưới mốc 50 điểm trong năm tháng gần nhất, là dấu hiệu rõ nhất.
Còn theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế quí 2 vẫn khó khăn, cần sớm có chính sách hỗ trợ mới về giảm thuế, phí, lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất. Không chỉ bị ảnh hưởng bởi đơn hàng xuất khẩu sụt giảm từ cuối quí 4-2022 đến nay, khiến doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, cho lao động nghỉ luân phiên, hay chi phí đầu vào nguyên vật liệu ở mức cao, mà khó khăn còn đến từ việc doanh nghiệp gặp trở ngại về dòng tiền, khả năng tiếp cận vốn, cộng với lãi suất tăng vọt khiến chi phí vốn leo thang và giảm sức cạnh tranh.
Theo số liệu của TCTK, tính đến thời điểm 20-3-2023, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 0,57% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 2,49%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,77% (cùng kỳ năm 2022 tăng 2,15%); đặc biệt tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,61%, thấp hơn rất nhiều mức tăng 4,03% của cùng kỳ năm 2022. Còn theo cập nhật gần nhất đến ngày 28-3, tăng trưởng tín dụng cũng chỉ đạt 2,06%. Tăng trưởng tín dụng thấp càng cho thấy nhu cầu vay vốn vẫn đang suy yếu từ khu vực tư nhân, do đó phần nào ảnh hưởng lên tăng trưởng kinh tế.
Trong thời gian qua, hầu hết nhận định đều cho rằng lực kéo tăng trưởng trong năm nay sẽ phụ thuộc vào chính sách tài khóa mở rộng, thông qua việc tăng cường đầu tư công với dòng vốn lớn từ ngân sách tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, với những khó khăn cả chủ quan và khách quan như hiện nay, hiệu quả của chính sách tài khóa vẫn chưa phát huy rõ rệt. Thực tế số liệu cũng cho thấy vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước trong quí 1-2023 ước đạt 91.500 tỉ đồng, chỉ bằng 13,4% kế hoạch năm.
Ngoài ra, dù chính sách tài khóa được xem là động lực kích thích tăng trưởng kinh tế trong năm nay, nhưng có lẽ cũng không thể đánh giá thấp vai trò của chính sách tiền tệ. Bởi lẽ, Chính phủ tăng cường chi tiêu, thúc đẩy đầu tư qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng với quy mô lớn để kéo tăng trưởng, nhưng nếu khu vực tư nhân lại liên tục bị thu hẹp, cầu tiêu dùng suy giảm do môi trường lãi suất cao, thì những tác động, hiệu ứng lan tỏa từ mở rộng chi tiêu, đầu tư của khu vực công có thể bị xóa nhòa bởi sự thu hẹp đột ngột ở khu vực tư.
Hiện nay, có lẽ ngân hàng trung ương các nước đã nhận thấy những hệ quả tiêu cực từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá nhanh. Nếu như các nền kinh tế phát triển vì mục tiêu chống chọi với lạm phát nên buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay, thì thực tế Việt Nam vẫn đang khá thành công trong việc kiềm chế lạm phát giai đoạn vừa qua, do đó không nhất thiết phải đi theo con đường này. Với lạm phát đang có dấu hiệu hạ nhiệt và tỷ giá ổn định, thanh khoản hệ thống dồi dào, việc liên tục giảm lãi suất điều hành của NHNN được kỳ vọng sẽ góp thêm động lực hỗ trợ tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm nay.
Bên cạnh chính sách giảm lãi suất, việc mở rộng tín dụng nhắm vào đúng mục tiêu, đối tượng với các gói hỗ trợ cũng là công cụ quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Gần đây, NHNN đã có văn bản yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ. Đây là gói hỗ trợ lãi suất 2% với nguồn ngân sách 40.000 tỉ đồng.
Thông tin mới nhất từ đại diện NHNN cho biết NHNN sẽ tiếp tục vận động các ngân hàng thương mại giảm lãi suất trong thời gian tới; đồng thời đề xuất chính sách giãn, hoãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với tín dụng bất động sản, bốn ngân hàng thương mại gốc nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) đã thống nhất gói tín dụng 120.000 tỉ đồng dành cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay. Lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung, dài hạn bình quân của bốn ngân hàng ngân hàng thương mại gốc nhà nước trên thị trường.