Doanh nghiệp Việt ngày tiếp cận gần hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Cùng với sự dịch chuyển của tập đoàn đa quốc gia về Việt Nam, các doanh nghiệp Việt cũng ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Từng bước tham gia chuỗi cung ứng
Gần đây, một số doanh nghiệp FDI lớn đã tìm đến Công ty TNHH MTV Công nghệ cao Điện Quang để đặt hàng. Ông Trần Bá Linh, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH MTV Công nghệ cao Điện Quang- một trong những doanh nghiệp sản xuất ngành công nghiệp điện tử, cho biết, trước khi mua hàng, doanh nghiệp đã đến công ty kiểm tra, đánh giá, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Hiện doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với một số doanh nghiệp nội địa để mở rộng thêm nguồn cung ứng nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thực tế cho thấy, cùng với sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia về Việt Nam, thì rất nhiều ông lớn trong ngành sản xuất, dịch vụ như Samsung, Panasonic, LG, Bosch, Marsk… đang tiếp tục tìm kiếm nhà cung cấp thiết bị phụ trợ tại Việt Nam. Điều đáng mừng, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang đáp ứng tiêu chuẩn của những ông lớn này để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo đánh giá của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương hiện Việt Nam mặc dù chưa có doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt mang tính lan tỏa trong ngành công nghiệp. Tuy vậy, đến nay khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Cụ thể, trong ngành dệt may da giày: 64% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho thị trường trong nước (trong đó 3% cung cấp cho doanh nghiệp FDI), 9% xuất khẩu và 27% cung cấp cho cả hai thị trường; trong ngành cao su, nhựa, hoá chất, số doanh nghiệp cung cấp cho thị trường trong nước chiếm 52%, và hoàn toàn cho xuất khẩu là 4%, 44% còn lại cung cấp cho cả hai thị trường; điện tử có 44% doanh nghiệp cung cấp cho thị trường trong nước (trong đó 22% cung cấp hoàn toàn cho FDI), 16% cung cấp cho thị trường xuất khẩu và 40% số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của ngành cung cấp cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh minh họa |
Với ngành cơ khí, ô tô: 83% doanh nghiệp hoàn toàn cung cấp cho thị trường nội địa, chỉ có 3% doanh nghiệp có doanh thu hoàn toàn từ xuất khẩu và 14% doanh nghiệp có doanh thu từ cả hai thị trường.
Về phía các doanh nghiệp FDI cũng đã có những thay đổi tích cực trong sử dụng nhà cung cấp khi chú ý hơn tới nguồn cung cấp từ các doanh nghiệp Việt. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp FDI mua nguyên liệu đầu vào từ các doanh nghiệp tại nước xuất xứ đã giảm dần từ 58,7% năm 2016 xuống 41,4% năm 2020.
Cùng với đó, doanh nghiệp FDI cũng đang giảm dần sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp từ nước thứ ba hơn so với 5 năm trước. Chỉ 26,8% doanh nghiệp FDI cho biết đã sử dụng nhà cung cấp bên thứ ba trong năm 2020, so với 39% năm 2016. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp FDI đang chuyển hướng sang sử dụng nhà cung cấp Việt Nam.
Giám đốc Điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam Mary Tarnowka cho biết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang chủ động gia tăng sử dụng nguồn cung ứng từ doanh nghiệp Việt Nam. Trong số 500 công ty Hoa Kỳ được khảo sát ý kiến, có đến 40% chọn và tính toán chọn doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam để bổ sung vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cần trợ lực để doanh nghiệp bứt phá
Mặc dù các tập đoàn sản xuất lớn của thế giới hoạt động tại Việt Nam đang đẩy mạnh việc tìm kiếm nhà cung cấp tại chỗ để tăng tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên, hiện nay khả năng đáp ứng của doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế bởi những yêu cầu để tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp sản xuất đầu cuối rất khắt khe.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí điện TP. Hồ Chí Minh, nêu thực trạng, nguồn lực của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa lớn. Mặc dù một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư nguồn lực, song số lượng vẫn quá ít so với nhu cầu của nền kinh tế hiện nay. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, nhà nước cần ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ, vì hiện nay những chính sách đối với ngành công nghiệp hỗ trợ mới chỉ dừng lại ở cấp độ Nghị định, Thông tư.
Đồng thời, có thêm những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cụ thể như ưu đãi về thuế, ưu đãi tín dụng, hay các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Đặc biệt, nhà nước cần có quỹ đầu tư để phục vụ cho phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong thời gian 5 năm đầu tiên sau khi thành lập doanh nghiệp. Có các chính sách ưu đãi, khuyến khích hơn với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ áp dụng các kỹ thuật mới, có tính cạnh tranh hay có năng lực đáp ứng tốt với yêu cầu của thị trường.
Hiện Bộ Công Thương đã và đang tích cực hợp tác với cơ quan Chính phủ các nước (Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh… ), các tổ chức quốc tế và một số tập đoàn đa quốc gia lớn (điển hình như Samsung) triển khai các dự án hợp tác nhằm cải tiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và tăng cường kết nối doanh nghiệp nội địa với các chuỗi sản xuất toàn cầu.