A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn phục vụ phát triển nông nghiệp hiện đại

Tỉnh Trà Vinh đang tranh thủ nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và các chương trình, đề án triển khai trên địa bàn tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn...

Tỉnh cũng đào tạo các nghề về quản lý trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nhằm thực hiện quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp qua đào tạo trên 55%; thu nhập lao động nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Riêng năm 2024, tỉnh đào tạo nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng cho 7.000 lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp; phấn đấu 80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc hợp tác xã nông nghiệp theo Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh đào tạo các ngành nghề phục vụ sản xuất của nông dân, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát huy hiệu quả sản xuất, chú trọng các ngành sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, các sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc, vùng miền, gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đào tạo nghề với quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, các mô hình, dự án phát triển sản xuất tạo việc làm cho lao động nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Trà Vinh sẽ đào tạo cho người lao động nắm được các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, thông minh, quy trình kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, quản lý vùng chuyên canh, truy xuất nguồn gốc, mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp…. Đồng thời, tỉnh đào tạo các nghề mới như dịch vụ nông nghiệp nông thôn, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; kinh doanh nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số; cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp…

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn chỉ đạo các địa phương phối hợp với ngành chức năng xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn cụ thể; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, nhận thức đúng về tầm quan trọng của đào tạo nghề với sự phát triển kinh tế - xã hội; lồng ghép công tác đào tạo nghề vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại trên địa bàn sử dụng lao động đã qua đào tạo; đặt hàng các cơ sở đào tạo theo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực nông nghiệp tại địa phương; rà soát, tổng hợp các dự án sản xuất, ưu tiên các dự án ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa trên địa bàn, để tổng hợp đề xuất đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu thị trường.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh Trịnh Minh Hùng cho biết, toàn tỉnh hiện có 18 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó, có 2 trường cao đẳng (Trường Cao đẳng nghề và Trường Cao đẳng Y tế); 7 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện gồm Châu Thành, Cầu Ngang, Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long, thị xã Duyên Hải và huyện Duyên Hải; 2 trung tâm giáo dục nghề tư thục; 5 cơ sở giáo dục khác có đào tạo chương trình thường xuyên, trình độ dưới 3 tháng và sơ cấp; 2 doanh nghiệp đào tạo nghề trình độ sơ cấp.

Từ đầu năm đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tư vấn và nhận hồ sơ tuyển sinh các cấp trình độ cho gần 6.500 người. Trong đó, các cơ sở tiếp nhận 282 hồ sơ trình độ cao đẳng; 466 hồ sơ trình độ trung cấp; tuyển sinh trên 1.000 học viên trình độ sơ cấp, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho trên 4.700 lao động.

Năm 2023, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, Trà Vinh được phân bổ hơn 1 tỷ đồng từ chương trình giảm nghèo bền vững để tổ chức các hoạt động hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp dưới 3 tháng cho đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Tỉnh cũng được phân bổ trên 31 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 800 triệu đồng từ chương trình xây dựng nông thôn mới để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thị trường lao động./.

Thanh Hòa


Tác giả: Trần Thị Thanh Hòa
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm