A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuộc đua giành thị phần cửa hàng tiện lợi

Circle K, GS25, FamilyMart, 7-Eleven, Ministop... là những cái tên nổi lên trong cuộc đua giành thị phần cửa hàng tiện lợi, miếng bánh béo bở của ngành bán lẻ hiện nay.

Cuộc đua giành thị phần cửa hàng tiện lợi - Ảnh 1.

Circle K là thương hiệu cửa hàng tiện lợi đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Ảnh: CK

"Miếng bánh béo bở"

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022  là năm có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 5.679,9 tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đưa ra nhận định thị trường bán lẻ của Việt Nam hiện nay ước tính 142 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025.

Với một thị trường được đánh giá là tiềm năng, cửa hàng tiện lợi đã và đang phát triển ở Việt Nam với tốc độ "chóng mặt" dưới dạng mô hình kinh doanh vừa và nhỏ. Các cửa hàng tiện lợi thường tập trung bán những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống thường ngày, có kết hợp một số dịch vụ như wifi, bàn ghế, máy lạnh để phục vụ người tiêu dùng.

Trong khi đó, dữ liệu của Q&Me cho thấy, năm 2022, Việt Nam có khoảng 6.740 cửa hàng tiện lợi, trong đó TP.HCM chiếm hơn 2.600 cửa hàng, tiếp theo là các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng,...  Các cửa hàng tiện lợi đang dần trở nên phổ biến hơn với những thương hiệu như: Circle K (Mỹ), Ministop (Nhật), GS25 (Hàn Quốc), 7-Eleven (Thái Lan)...

Trong khi đó, trang nghiên cứu thị trường Euromonitor chỉ ra, doanh thu của các thương hiệu cửa hàng tiện lợi ngoại quốc tăng từ 3,346.1 tỷ đồng vào năm 2016 lên đến 8,017.0 tỷ đồng vào năm 2021. Trong đó, Circle K là thương hiệu chiếm thị phần cao nhất với 48%, tiếp đến là Family Mart với 18,8%, Ministop 14,3%, 7-Eleven 7,3%. ..

Đây được xem là cuộc chiến hấp dẫn để giành miếng bánh béo bở của thị trường bán lẻ, trong bối cảnh hiện tại.

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam nhận định: "Có thể nhận thấy dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thế nhưng những hệ thống bán lẻ tại Việt Nam vẫn đang phát triển mạnh. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy các cửa hàng tiện lợi đều có sự tăng trưởng rất ấn tượng, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là các thành phố lớn".

Cuộc chơi của các tên tuổi ngoại

Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý, cuộc chơi mang tên thị phần cửa hàng tiện lợi hiện tại, gần như chỉ gọi tên những doanh nghiệp ngoại. Những tên tuổi nội địa, gần như chưa đủ sức hoặc, không tham gia vào cuộc chơi này, người thì hụt hơi, người thì ngoảnh mặt.

Đơn cử như Family Mart. Thương hiệu đến từ Nhật Bản chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2009 trong một liên doanh với CTCP Tập đoàn Phú Thái. Do quá trình kinh doanh liên tục thua lỗ và những nỗ lực tái cơ cấu không đạt được thành công, năm 2013, liên doanh tan vỡ, chuỗi cửa hàng tiện lợi B’s Mart của Thái Lan đã mua lại toàn bộ số cửa hàng Family Mart tại Việt Nam.

Trước đó, ngày 20/12/2008, Circle K trở thành thương hiệu cửa hàng tiện lợi quốc tế đầu tiên hiện diện ở Việt Nam. Tính đến hiện tại, thương hiệu của Hoa Kỳ cũng có thể coi là trường hợp thành công nhất của thị trường này khi phủ sóng hơn 400 cửa hàng trên khắp Việt Nam và chiếm gần một nửa thị phần.

Một trong những đối thủ đáng gờm của Circle K là Ministop (Nhật Bản). Thương hiệu này thuộc sở hữu của "ông lớn" Aeon. Vào Việt Nam từ 2015, đến hiện tại, Ministop đã trở thành một "trạm dừng chân ven đường" đúng nghĩa đối với đông đảo người dùng Việt và nhanh chóng bành trướng với 135 cửa hàng.

Một "tay chơi" khác là 7-eleven cũng gia nhập thị trường Việt Nam vào 2017 và khai trương cửa hàng ngay tại quận 1. Khi đó, 7- Eleven cũng mạnh dạn tuyên bố 3 trong năm sẽ có 100 cửa hàng và có 1.000 cửa hàng trong 10 năm. Nhưng đến nay 2022, 7 - Eleven chỉ vỏn vẹn 66 cửa hàng khắp Việt Nam.

Đến năm 2018, GS25, một thương hiệu Hàn Quốc và được vận hành bởi tập đoàn Sơn Kim đã chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại quận 1 và tạo nên cơn sốt cho trong giới trẻ. Với nền tảng bất động sản của tập đoàn Sơn Kim, GS25 nhanh chóng có mặt ở những vị trí "đắc địa" trong TP.HCM và tuyên bố sẽ được được 2.500 cửa hàng trong 10 năm.

Thế nhưng, tính đến 2022, GS25 chỉ có được 133 cửa hàng. Đáng chú ý, số lượng cửa hàng của GS25 hiện nay là kết quả sau 3 năm thực hiện nhượng quyền thương hiệu để tăng độ phủ.

Thay đổi để thích nghi

Thực tế cho thấy có không nhiều công ty, tập đoàn Việt Nam tham gia cuộc đua cửa hàng tiện lợi, ngoại trừ Sơn Kim với GS25.

Không chấp nhận để miếng bánh béo bở rơi vào tay ông lớn nước ngoài, các công ty, tập đoàn Việt Nam cũng rục rịch lấn sân sang cuộc chơi này, với Co.op Smile của Saigon Co.op, Winmart+ của Masan. Thậm chí, để thu hút và tăng trải nghiệm khách hàngWinmart+ còn tích hợp các quầy Phúc Long tại cửa hàng.

Tuy nhiên, nỗ lực của các doanh nghiệp Việt là không đủ, bởi nhiều yếu tố. Hơn nữa, Co.op Smile và Winmart+ được xem là siêu thị mini hơn là cửa hàng tiện lợi.

Nhận định về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Dân Thái, hoạt động trong lĩnh vực tài chính - tiêu dùng cho biết, việc các cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam ghi dấu những tên tuổi ngoại quốc cũng không có gì lạ.

"Đây là phân khúc thị trường vô cùng đặc thù khi cửa hàng tiện lợi là mô hình tạp hóa hiện đại được các nước phương Tây và châu Á ưa chuộng. Các cửa hàng tiện lợi phục vụ mục đích mua hàng nhanh chóng, tiện lợi về mặt địa điểm, thời gian cho khách hàng. Nghĩa là yếu tố tiện lợi phải được đặt lên hàng đầu. Nếu không tiện lợi thì họ vào siêu thị hay tạp hóa chứ vào cửa hàng tiện lợi làm gì?", ông Sơn lý giải và cho biết, với một môi trường mua bán đặc thù như Việt Nam, nơi người tiêu dùng truyền thống đã quen thuộc với các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ và siêu thị, thương hiệu nội địa sẽ không mặn mà với việc kinh doanh cửa hàng tiện lợi, phân khúc đòi hỏi khả năng quản lý, vận hành theo kiểu khác, khi có thể mở 24/24 và yêu cầu tối ưu về không gian lẫn độ an toàn cho cả khách hàng lẫn nhân viên.

"Vì vậy, lựa chọn nhượng quyền thương hiệu từ GS 25 như Sơn Kim có thể coi là cách làm hợp lý", ông Sơn nhận định.

"Circle K, Ministop, 7 - Eleven,... ngoài việc đa dạng các sản phẩm, các thương hiệu lớn còn liên tục đầu các cửa hàng có tích hợp nhà vệ sinh, đổi tiền từ ví điện tử sang tiền mặt, đầu tư bàn, ghế, wifi để phục vụ nhu cầu làm việc tại chỗ cho giới trẻ và dân văn phòng... Cửa hàng tiện lợi phục vụ những khách hàng hiện đại, trẻ, tầm tuổi 30 đổ lại. Chỉ cần quan sát cũng thấy những nơi đặt cửa hàng tiện lợi đa phần gần các chung cư, bến tàu, xe, ga hàng không khu văn phòng... để đáp ứng đúng phân khúc khách hàng", ông Sơn cho biết.

Theo Đ.Kiệt - M. Thông

nhadautu.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm