CII lên kế hoạch phát hành 4,500 tỷ trái phiếu chuyển đổi
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 sắp được tổ chức tới đây, ban lãnh đạo CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII) sẽ trình cổ đông thông qua hai gói trái phiếu chuyển đổi ra công chúng với tổng giá trị gần 4,500 tỷ đồng.
Đối với gói trái phiếu chuyển đổi thứ nhất (gói 1), CII dự kiến phát hành hơn 25.2 triệu trái phiếu với thời hạn 10 năm, tương đương tổng giá trị hơn 2,522 tỷ đồng. Nếu được ĐHĐCĐ thông qua, Công ty sẽ triển khai phát hành trong năm 2023, ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Đối tượng phát hành sẽ là các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10:1 (cổ đông với mỗi cổ phần nắm giữ tại ngày chốt danh sách sẽ có 1 quyền mua, cổ đông có 10 quyền mua sẽ được mua 1 trái phiếu, quyền mua sẽ được chuyển nhượng 1 lần).
Với số tiền huy động được từ gói 1, CII dự kiến sẽ dùng để góp vốn hoặc mua trái phiếu phát hành từ hai công ty dự án là CTCP Đầu tư và Xây dựng Xa Lộ Hà Nội (Công ty Xa Lộ Hà Nội) và Công ty TNHH MTV BOT Tỉnh Ninh Thuận (Công ty Ninh Thuận). Trong đó, hạn mức đầu tư tối đa cho Công ty Xa Lộ Hà Nội là 2,400 tỷ đồng, còn Công ty Ninh Thuận là 1,200 tỷ đồng.
Đối với phương án trả lãi, lãi của đợt lô trái phiếu sẽ được trả mỗi 3 tháng/lần với lãi suất năm đầu tiên cố định ở 10%/năm, các kỳ tính lãi tiếp theo sẽ được tính bằng bình quân lãi suất tiết kiệm cá nhân 12 tháng của Vietcombank và VietinBank + 2.5%/năm.
Liên quan đến việc chuyển đổi trở lại cổ phần, tương ứng với thời hạn 10 năm của trái phiếu, CII sẽ tổ chức 10 đợt chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần cho trái chủ (mỗi năm 1 đợt) vào ngày tròn năm kể từ ngày phát hành. Giá chuyển đổi sẽ là 10,000 đồng/cp.
Song song với các lần chuyển đổi trái phiếu, CII sẽ thực hiện phát hành cổ phần phổ thông để phục vụ cho việc chuyển đổi.
Dự phóng dòng tiền của CII các năm tới sau khi phát hành thành công gói 1 Nguồn: CII |
Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc CII Lê Quốc Bình, với kế hoạch dòng tiền như trên, CII sẽ có đủ nguồn tiền để trả cổ tức đều đặn 3 tháng/lần với tỷ lệ chi trả bình quận đạt hơn 15%/năm sau khi hoàn thành trả lãi trái phiếu chuyển đổi. Bên cạnh đó, với số tiền hơn 2,789 tỷ đồng vào năm 2033, Công ty hoàn toàn đủ nguồn để trả nợ gốc cho gói 1 (trong trường hợp các trái phiếu chưa được chuyển đổi thành cổ phần).
Đối với đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi thứ hai (gói 2), thời hạn, lãi suất, đối tượng và phương án trả lãi sẽ tương tự gói 1. Mặt khác, gói 2 sẽ có tổng giá trị phát hành là 1,978 tỷ đồng, tương đương gần 19.8 triệu trái phiếu. Trong lần này, tỷ lệ để cổ đông hiện hữu mua trái phiếu là 20:1 (cổ đông sở hữu 20 quyền mua mới được mua 1 trái phiếu). Đợt phát hành sẽ diễn ra trong vòng hai năm kể từ ngày được ĐHĐCĐ phê duyệt.
Với số tiền huy động được từ gói 2, CII sẽ dùng 1,090 tỷ đồng để thanh toán hai lô trái phiếu CIIB2024009 và CIIB2124001, phần còn lại sẽ dùng để góp vốn hoặc mua trái phiếu phát hành từ Công ty Ninh Thuận.
Cơ sở để xây dựng phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi
Trả lời cho câu hỏi này, Tổng Giám đốc CII cho biết hiện nay, CII đang sở hữu 7 dự án BOT giao thông, trực tiếp hoặc gián tiếp qua CTCP Đầu tư Cầu Đường CH (CII B&R). Tinh đến 31/12/2022, tổng vốn đầu tư chưa thu hồi của CII tại các dự án BOT đạt khoảng 20,844 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu của II và CII B&R là 9,277 tỷ đồng và vốn vay là 11,567 tỷ đồng.
Trong khi đó, các dự án BOT hiện nay đều có chung các đặc điểm sau:
- Được Chính phủ đảm bảo lợi nhuận theo tỷ suất cố định tính trên vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án. Lợi nhuận chưa thu hồi của năm nay sẽ được gộp vào vốn gốc chủ sở hữu để tính lợi nhuận cho năm sau (lãi kép theo năm).
- Lãi vay của dự án được tính theo số dư nợ ngân hàng còn lại của dự án, với lãi suất được thả nổi theo lãi suất thực tế phát sinh hàng năm.
- Thời gian thu hồi vốn dài (thông thường trên 10 năm).
- Dòng tiền ròng tăng theo thời gian do điều chính tăng giá về thu phí, và tăng trưởng lưu lượng phương liên giao thông mỗi năm.
- Dự án chỉ kết thúc thu phí và chuyển giao cho Nhà Nước sau khi đã hoàn trả toàn bộ nợ gốc và lãi vay ngân hàng; thu hồi lợi nhuận của chủ sở hữu; và hoàn trả đầy đủ vốn chủ sở hữu đã đầu tư vào dự án. Nói cách khác, CII và CII B&R chắc chắn sẽ thu hồi được vốn chủ sở hữu và lợi nhuận đầu tư trong các dự án BOT của Công ty.
- Đặc thù quan trọng nhất là, theo nguyên tắc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng đối với các khoản vay liên quan đến dự án BOT hiện nay, các tổ chức thì dụng có quyền ưu tiên thu trước gốc và lãi vay từ dòng tiền rộng của dự án trước khi công ty dự án hoàn trả lợi nhuận và vốn chủ sở hữu cho nhà đầu tư.
Với các đặc điểm trên, đáng chú ý là điểm cuối cùng, đại diện Công ty đánh giá nguồn thu của CII và CII B&R từ các dự án BOT đang có đặc điểm là vốn và lợi nhuận đầu tư được thu hồi chủ yếu vào cuối chu kỳ dự án; và số tiền thu được ở giai đoạn cuối dự án là rất lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi vốn từ các dự án BOT cũng như hạn chế tài trợ mới cho các dự án BOT của CII và CII B&R.
Do đó, với việc tái cấu trúc các khoản nợ bằng hai gói trái phiếu chuyển đổi, CII đặt mục tiêu sẽ sớm thu hồi vốn chủ sở hữu đã đầu tư vào các dự án BOT và tạo dòng tiề ổn định để CII thực hiện chia cổ tức cho cổ đông.
Nguồn: CII |
Nguồn: CII |
Nguồn tiền đâu để CII trả lãi cho hai lô trái phiếu chuyển đổi trên?
Về vấn đề này, ông Lê Quốc Bình cho biết CII sẽ dùng dòng tiền ổn định từ các dự án BOT của CII và CII B&R để chi trả lãi cho các lô trái phiếu chuyển đổi, cụ thể là nguồn thu từ hai dự án Xa lộ Hà Nội và Ninh Thuận. Đối với BOT Xa lộ Hà Nội, doanh thu hiện tại là khoảng 800 tỷ đồng/năm, còn với dự án Ninh Thuận đang là 360 tỷ đồng/năm. Các con số này chưa tính đến tăng trưởng mức thu phí 15% mà luật hiện tại đang quy định.
Tổng Giám đốc CII nhấn mạnh kế hoạch tái cấu trúc nợ bằng trái phiếu chuyển đổi thực hiện được là nhờ Công ty có nguồn tiền trả lãi đến từ các dự án đã đi vào thu phí; mặt khác, hạ tầng giao thông là một trong những ngành vẫn có nguồn thu đều đặn bất chấp bối cảnh của nền kinh tế.