Chương trình Bình ổn thị trường TP. Hồ Chí Minh: Công cụ điều tiết giá hiệu quả
Từ mục tiêu ban đầu là cố định giá cả mùa Tết, sau 20 năm chương trình bình ổn thị trường đã trở thành công cụ điều tiết giá thị trường tại TP.HCM.
Sáng 29/12, UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường giai đoạn 2002 – 2022, định hướng giai đoạn 2022 – 2032 trên địa bàn. Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã tham dự hội nghị này.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại hội nghị |
Từ “bình ổn giá” sang “bình ổn thị trường”
Theo báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh, thành phố bắt đầu triển khai Chương trình Bình ổn giá từ Tết Nhâm Ngọ 2002, với số vốn bình ổn 45 tỷ đồng với mục tiêu dự trữ các mặt hàng thiết yếu, cung ứng cho thị trường thành phố, hạn chế tình trạng khan hiếm hàng hóa, biến động giá trong những ngày giáp Tết, cận Tết Nguyên đán.
Từ giai đoạn 2005 – 2010: Chương trình xác định mặt hàng thiết yếu, xây dựng cơ chế thực hiện. Qua kinh nghiệm thực hiện Chương trình các năm trước và dựa trên nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết, Chương trình xác định nhóm mặt hàng thực phẩm thiết yếu, gồm 08 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu: gạo - nếp, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, đường và rau củ quả để thực hiện bình ổn thị trường.
Nổi bật trong giai đoạn này, Chương trình đã hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, đầu tư, phát triển chăn nuôi, giết mổ gia cầm tập trung, quy mô lớn, ứng phó kịp thời dịch cúm gia cầm diễn biến rất phức phức tạp, bùng phát từ cuối năm 2003. Đồng thời, Chương trình điều tiết thị trường, ổn định giá cả, xử lý kịp thời hiện tượng khan hàng, sốt giá các mặt hàng gạo năm 2008.
Giai đoạn 2010 – 2013: Chương trình phát triển về quy mô, triển khai xuyên suốt cả năm, xã hội hóa một phần nguồn vốn thực hiện bình ổn thị trường. Giai đoạn này, Thành phố bắt đầu xã hội hóa một phần nguồn vốn triển khai thực hiện Chương trình. Theo đó, doanh nghiệp chủ động một phần vốn thu mua, dự trữ hàng bình ổn thị trường; một số doanh nghiệp chủ động hoàn toàn nguồn vốn thực hiện Chương trình.
Giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020, Chương trình huy động tất cả các thành phần kinh tế đồng hành tham gia thực hiện bình ổn thị trường, không phân biệt thành phần kinh tế. Nguồn vốn thực hiện Chương trình hoàn toàn xã hội hóa thông qua kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2021: Ở giai đoạn này, các doanh nghiệp bình ổn thị trường đã chủ động, sáng tạo, kịp thời ứng phó tình hình mới, phát huy tinh thần trách nhiệm cộng đồng rất cao, khẳng định được vai trò dẫn dắt thị trường; góp phần cùng Thành phố giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc, duy trì các chuỗi cung ứng trong giai đoạn này.
Từ giai đoạn từ năm 2021 đến nay, Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại điện tử, kết nối cung cầu hàng hóa; đồng thời triển khai quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí trung gian trong lưu thông hàng hóa, giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng.
“Chương trình bình ổn thị trường là một cách tiếp cận đúng đắn, có tính hiệu quả của lãnh đạo Thành phố các thời kỳ. Quá trình triển khai Chương trình luôn được cập nhật một cách sáng tạo của các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, mang đến sự nhận diện gần gũi đối với người tiêu dùng Thành phố. Chương trình đã có những tác động xã hội quan trọng, góp phần tạo kênh mua sắm hàng hóa thiết yếu từ nhóm mặt hàng đầu tiên là lương thực thực phẩm đến mở rộng các nhóm mặt hàng phục vụ mùa tựu trường, sữa, y tế và linh hoạt điều chỉnh, cập nhật Chương trình trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phát sinh. Quá trình triển khai Chương trình từ cách tiếp cận ban đầu là “bình ổn giá” đến “bình ổn thị trường” là sự thay đổi trong tư duy tiếp cận đầy sáng tạo. Cuối cùng, Chương trình đã hình thành được mạng lưới liên kết giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành trên cả nước, tạo vùng nguyên liệu ổn định từ sản xuất đến lưu thông hàng hóa, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng trong mọi thời điểm” - ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đánh giá thành công của chương trình sau hơn 20 năm triển khai.
Bên cạnh những mặt tích cực, theo đánh giá của UBDN TP. Hồ Chí Minh, chương trình vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất của doanh nghiệp được thúc đẩy mạnh mẽ nhưng chưa tạo được bước ngoặt về năng suất, chưa hình thành nhiều chuỗi cung ứng, chưa liên kết chặt chẽ giữa sản xuất - lưu thông - phân phối - tiêu dùng. Một số mặt hàng như đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm… có chi phí sản xuất còn cao, chưa ổn định, phụ thuộc diễn biến thị trường thế giới. Hệ thống nhận diện thương hiệu của Chương trình chưa gần gũi, quen thuộc đối với người tiêu dùng; do đó chưa hỗ trợ người tiêu dùng phân biệt, lựa chọn hàng bình ổn thị trường, chưa hỗ trợ doanh nghiệp vận dụng thương hiệu, uy tín của Chương trình….
Theo dõi sát diễn biến thị trường để nâng cao hiệu quả Chương trình
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã biểu dương những thành công của TP. Hồ Chí Minh trong việc triển khai thực hiện Chương trình bình ổn thị trường. Từ sự nỗ lực, quyết tâm của thành phố, Chương trình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ổn định giá cả hàng hoá nhờ triển khai hiệu quả, đồng bộ các nhóm giải pháp, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng khan hàng, sốt giá như dịch cúm gia cầm năm 2003, sốt giá gạo năm 2008, sốt giá trứng gia cầm năm 2013, sốt giá đường năm 2014… Qua đó góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát; chỉ số CPI của Thành phố thường xuyên ở mức thấp hơn bình quân cả nước.
“Bộ Công Thương đánh giá rất cao công tác chuẩn bị nguồn hàng thông qua huy động nguồn lực trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu thực hiện Chương trình với 03 hình thức tham gia: Tham gia cung ứng; Tham gia phân phối hàng hóa và tham gia hỗ trợ tín dụng”- Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Liên quan đến những hạn chế của Chương trình, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị, trong ngắn hạn các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong vận hành chuỗi cung ứng sản phẩm bình ổn thị trường; hỗ trợ lẫn nhau nhằm tạo mối liên kết chặt chẽ, phát huy khai thác thế mạnh và tiềm năng của từng doanh nghiệp. Trong dài hạn, cần tiếp tục theo sát diễn biến thị trường, giá cả, kịp thời kiến nghị biện pháp xử lý cụ thể. Tăng cường phát huy các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa; hình thành các chuỗi liên kết dọc (liên kết thành một chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của một hoặc một nhóm sản phẩm, hàng hóa) và liên kết ngang (giữa những doanh nghiệp cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh về một hoặc một nhóm hàng hóa) giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ…
Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, trong giai đoạn tới, bên cạnh các chính sách vĩ mô, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; Chương trình đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả xoay quanh nhân tố chính là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thế là xây dựng Quy chế thực hiện Chương trình như: Hình thành cơ chế liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp phân phối hàng bình ổn thị trường theo hướng nâng cao trách nhiệm phân phối sản phẩm bình ổn thị trường, tăng hiệu quả bán hàng, giảm chi phí phân phối hàng bình ổn thị trường. Thay đổi cơ bản quy ước về giá bán bình ổn thị trường, đảm bảo giá bình ổn thị trường được hình thành hợp lý, trên cơ sở tổng hợp đầy đủ dữ liệu thị trường, có sự đồng thuận của doanh nghiệp và đảm bảo khả năng dẫn dắt thị trường.
Ngoài ra, công tác dự báo, đánh giá thị trường bổ sung thêm một số tiêu chí liên quan đến thói quen tiêu dùng như: sự thay đổi hành vi tiêu dùng, tỷ lệ sử dụng thực phẩm an toàn, xu hướng thương mại điện tử, lựa chọn điểm mua hàng…; Xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu của Chương trình, nâng cao uy tín của Chương trình Bình ổn thị trường, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nâng cao uy tín doanh nghiệp, sản phẩm bình ổn thị trường; Xây dựng Chuỗi cung ứng tối ưu các sản phẩm bình ổn thị trường; Thiết lập và vận hành hiệu quả đường dây nóng của Chương trình, tiếp nhận nhanh, đầy đủ và phản hồi, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh từ người tiêu dùng…
Ông Montri Suwanposri - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam: Đặt lợi ích người tiêu dùng lên hàng đầu Hiện nay, hệ sinh thái sản phẩm của C.P. Việt Nam đa dạng, phong phú và đều lấy tiêu chí an toàn thực phẩm làm hàng đầu. Đặc biệt, C.P. Việt Nam còn có các nhà máy chế biến thực phẩm có thể đáp ứng các tiêu chí khắt khe, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường cao cấp như Nhật Bản, châu Âu. Đó cũng là cơ sở, là động lực để C.P. Việt Nam sẵn sàng, mạnh dạn và tự nguyện tham gia vào chương trình Bình ổn thị trường trong mọi hoàn cảnh thuận lợi hay thách thức nhất. “Chúng tôi không thể nào quên trong giai đoạn phong tỏa khó khăn do Covid-19, C.P. Việt Nam đã có cơ hội được đồng hành cùng với Sở Công Thương trong các chương trình Bình ổn thị trường để cung cấp thực phẩm đến tận tay người tiêu dùng thành phố, thực hiện được các chương trình có ý nghĩa thiết thực cho người dân, cho cộng đồng. Qua đó, chúng tôi cảm nhận sâu sắc sự tương đồng giữa mục tiêu của C.P Việt Nam và mục tiêu của Chương trình Bình ổn thị trường là luôn chú trọng đặt lợi ích của người dân, người tiêu dùng lên hàng đầu”- ông Montri Suwanposri chia sẻ. Ông Montri Suwanposri cũng tin tưởng, với vai trò là cầu nối và điều hòa cung cầu, Chương trình bình ổn thị trường sẽ cùng doanh nghiệp có các biện pháp thích hợp về điều hòa lưu thông hàng hóa, tài chính, kinh tế, hành chính… giúp doanh nghiệp vượt qua các thách thức, có các giải pháp tối ưu nhất cho cả người tiêu dùng và người tham gia vào thị trường. Bà Nguyễn Hồng Thu - Người tiêu dùng (quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh): Mong chương trình tiếp tục duy trì Tôi biết đến chương trình bình ổn thị trường của thành phố nói chung và quận Phú Nhuận nói riêng đã được thực hiện nhiều năm với các nhóm mặt hàng thiết yếu gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội cũng như là công tác an toàn vệ sinh thực phẩm… Các điểm bán hàng bình ổn thị trường có nhiều mặt hàng thiết yếu đa dạng như lương thực (gạo, mì gói) thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản; Các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng… do vậy việc mua hàng bình ổn thị trường rất thuận lợi dễ dàng, giảm đáng kể tiền chi tiêu, yên tâm về chất lượng sản phẩm, xuất sứ hàng hóa... Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sắp đến tôi mong muốn chương trình bình ổn thị trường này tiếp tục được duy trì và phát triển hơn nữa điểm bán mới, mở rộng các mặt hàng bình ổn; không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến ảnh hưởng đến đời sống nhân dân đặc biệt là hộ nghèo, công nhân thuê phòng trọ; gắn với kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ , đạt tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả phù hợp... xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần kiểm soát tình hình chấp hành giá cả, bình ổn thị trường trên địa bàn. |