A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính thức cho phép thành lập Thành phố Huế trực thuộc trung ương

Sáng nay, 30-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương với 458/461 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95.62%).

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, dự thảo Nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, tất cả ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều tán thành cao với chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương; một số ý kiến góp ý cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tán thành với ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và thấy rằng, việc trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương có ý nghĩa hết sức quan trọng, ghi nhận và đánh dấu thành tựu nổi bật trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế đô thị của cả nước.

Việc thành lập thành phố Huế sẽ là động lực để Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt, có phương hướng và kế hoạch đầu tư, phát triển cụ thể nhằm tăng cường chất lượng đô thị, phát triển nhanh, mạnh và bền vững kinh tế đô thị, từ đó từng bước nâng cao thu nhập bình quân đầu người và các chỉ tiêu phát triển khác trên địa bàn thành phố Huế.

Đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua Nghị quyết

Đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua Nghị quyết

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, một số ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý trực tiếp vào các quy định của dự thảo Nghị quyết như về tên gọi, việc xác định vị trí địa lý của thành phố Huế, một số nội dung liên quan đến việc chuyển tiếp cơ chế, chính sách đặc thù; việc kiện toàn tổ chức bộ máy cấp huyện để bảo đảm hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.

Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết theo hướng:

Khẳng định thành lập thành phố Huế là thành phố trực thuộc trung ương để làm rõ tên gọi, loại hình và tính chất của đơn vị hành chính.

Bổ sung quy định về việc các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tên gọi gắn với địa danh tỉnh Thừa Thiên Huế được đổi tên để hoạt động với tên gọi thành phố Huế kể từ ngày Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực thi hành.

Khẳng định các cơ chế, chế độ, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn tiếp tục được thực hiện trên địa bàn thành phố Huế cho đến hết giai đoạn áp dụng hoặc đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Để tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương ở các quận mới được thành lập, phù hợp với thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2021 - 2026, UBTVQH thống nhất với Chính phủ đề nghị Quốc hội cho bổ sung trong dự thảo Nghị quyết quy định về việc tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND và cơ quan chuyên môn thuộc UBND các quận mới được thành lập.

Theo đó, Thường trực HĐND thành phố Huế chỉ định Quyền Chủ tịch HĐND quận theo đề nghị của Thường trực HĐND thành phố Huế thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chủ tịch UBND thành phố Huế chỉ định Quyền Chủ tịch UBND, UBND quận lâm thời theo quy định đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026; đồng thời, cho phép Chủ tịch UBND thành phố Huế quyết định thành lập cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận lâm thời; UBND quận lâm thời thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận theo quy định của pháp luật và hoạt động cho đến khi UBND quận nhiệm kỳ 2026 - 2031 được thành lập.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm